Cần nâng cấp đường sắt trở thành mạch máu chính của vận tải đường xa

Thứ Sáu, 14/09/2018, 13:00
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc trên đường bộ và đường sắt, làm chết và bị thương nhiều ngươi, khiến dư luận bàng hoàng và vô cùng bức xúc. 


Có thể kể đến những vụ tai nạn nghiêm trọng như: Ngày 7-5-2018, tại thị trấn Chư Sê (Gia Lai) xe khách giường năm chở 43 người đâm trực diện với một xe tải, làm 13 người chết, hàng chục người bị thương.

Vụ tai nạn trên cầu Chương Dương (Hà Nội) ngày12-7-2018 khiến 3 người chết, ngày 19-7-2018, tai nạn liên hoàn giữa 3 xe khách trên QL.1 tại xã Hàm Đức (Bình Thuận) làm 3 người thiệt mạng, 10 người bị thương.

Ngày 9-7-2018, trên QL.26 (Đắk Lắk), hai xe khách giường nằm đâm trực diện làm nhiều người thương vong… Gần đây nhất, vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đêm 30-7-2018 tại Điện Bàn-Quảng Nam khi xe đón dâu 16 chỗ đấu đầu với xe Container làm 13 người chết, 4 bị thương. Trước đó ngành đường sắt lập “kỷ lục” về chuỗi tại nạn nghiêm trọng trong 4 ngày (24-27/5/2018) làm 3 người chết , nhiều người bị thương, hàng chục đầu máy, toa xe bị hư hỏng… 

Những vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra liên tiếp khiến cho xã hội nhức nhối và hết sức lo ngại, là tín hiệu khẩn cấp cảnh báo về mối hiểm họa TNGT từng ngày từng giờ luôn rình rập với mỗi gia đình.

Hiện trường vụ tai nạn làm 13 người tử vong tại Quảng Nam ngày 30-7-2018

Nguyên nhân chủ yếu khách quan và chủ quan gây tai nạn, trước hết ý thức chấp hành luật giao thông yếu kém của người điều khiển phương tiện (chạy ẩu, lái ẩu, không làm chủ tốc độ, chạy không đúng làn đường, uống rượu bia…).

Về phía cơ quan chức năng, cần chú ý khắc phục các yếu tố chủ quan, khi nhiều năm qua,việc thích ứng quá chËm các giải pháp chiến lược trước sự gia tăng của phương tiện giao thông (theo quy luật chung, nếu tăng 1% GDP thì nhu cầu đi lại tăng 0,5-0,8%, tăng 1% thu nhập đầu người nhu cầu đi lại tăng 1,5-1,8%...).

Biểu hiện rõ nhất là đầu tư, quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng và giao thông công cộng (GTCC) chư­a hợp lý, còn nhiều “điểm đen” giao thông chậm khắc phục,việc kiểm soát chất lượng xe cơ giới còn nhiều lỗ hỗng, Luật Giao thông đường bộ nước ta ban hành chậm nhiều thập kỷ so với thế giới, công tác quản lý, tổ chức, điều hành giao thông còn trì trệ và kém hiệu quả.

Sự gia tăng của các phương tiện vận tải còn do tác động của cơ chế thị trường khiến các phương tiện đều muốn “phá rào”, tăng tốc để cạnh tranh tìm lợi nhuận, bất chấp tính mạng của người đi …

Để khắc phục những khiếm khuyết trên, theo chúng tôi cần chú trọng những giải pháp cấp bách sau:

Trước tiên ở tầm vĩ mô, cần đổi mới tư duy trong quy hoạch, khắc phục việc tập trung quá nhiều cho đường bộ trong khi chưa đầu tư và khai thác hiệu quả đường sắt và đường thủy. Sớm hình thành mạng lưới giao thông hợp lý và đồng bộ, đường sắt cần được nâng cấp để trở thành mạch máu chính của vận tải hành khách đường xa (150-200km trở lên), hạn chế ô tô chạy đường dài, bởi xác xuất gây tai nạn của đường sắt thấp hơn nhiều đường bộ…(trên thế giới, các quốc gia như Trung Quốc, CH.Séc, Pháp…mật độ đường sắt cao gấp hàng trăm lần nước ta).

Tiếp đến không thể thiếu việc triển khai quyết liệt các giải pháp căn cơ như: Tiếp tục hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, phát triển GTCC, xóa các “điểm đen” GT, “lập thể hóa” các ngã tư, các điểm giao cắt đường sắt, đảm bảo hành lang ATGT, “cứng hóa” giải phân cách trên các QL nhất là QL.1, kiểm soát sát sao chất lượng kỹ thuật phương tiện,…

Tăng cường quản lý nhà nước, giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông, xử lý nghiêm các sai phạm…, trước mắt hạn chế xe khách chạy ban đêm, kiểm tra, giám sát kỹ năng-trình độ lái xe, xử lý mạnh tình trạng chạy quá tốc độ, tài xế uống rượu bia và chở quá tải, quản lý chặt chẽ xe khách hợp đồng, từng bước hạn chế xe khách giường nằm 2 tầng chạy đường miền núi, áp dụng GT thông minh để điều hành phương tiện trên đường, sớm thiết lập các trạm giám sát thời lượng lái xe, thắt chặt các giải pháp đảm bảo an toàn trong ngành hàng không và các tuyến đò ngang …

Để nâng cao hiệu quả cho công tác này, cùng với sự điều hành của Bộ GTVT, đề nghị tăng thêm quyền hạn cho Uỷ ban ATGT quốc gia, ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, Uỷ ban ATGT quốc gia cần có thêm chức năng, có quyền yêu cầu thay đổi, bổ sung kịp thời những chiến lược, chính sách lớn, các dự án, công trình trực tiếp ảnh hưởng đến công tác đảm bảo ATGT.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã từng cảnh báo: với số người chết do TNGT hàng năm của Việt Nam lên đến hàng chục ngàn người, thiệt hại hàng trăm triệu USD vật chất, thì đây thật sự là một thảm họa cần sớm được ngăn chặn. Còn đối với chúng ta, hậu quả xã hội lớn nhất là TNGT đã đột ngột cướp đi nhưng người thân yêu nhất của biết bao gia đình, gây cho họ nỗi thương tâm không lấy gì bù đắp được.

Sau vụ TN thảm khốc tại Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT phải có giải pháp quyết liệt hơn nhằm hạn chế TNGT, trong đó mục tiêu hàng đầu là bảo vệ tính mạng con người.

Thực tiễn dồn dập xãy ra nhiều vụ TNGT thảm khốc vừa qua cho thấy, để đảm bảo bền vững ATGT, ngoài tập trung giáo dục văn hóa giao thông, đồng thời phải có các biện pháp quyết liệt mang tính đột phá trong chiến lược, quy hoạch và chính sách với sự vào cuộc của toàn xã hội nhằm thiết lập hệ thống Giao thông đồng bộ, hiện đại và khoa học, nhờ đó mới kịp đáp ứng tốc độ phát triễn của giao thông và bảo đảm sự đi lại an toàn cho người dân.

TS Nguyễn Xuân Thủy Nguyên phụ trách công tác Khách vận Vụ Vận tải, Bộ GTVT- Nguyên Tổng biên tập NXB - GTVT
.
.
.