Cần có phương tiện đi lại đảm bảo an toàn cho người dân đảo Hòn Ngọc

Thứ Năm, 07/11/2019, 10:40
Đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 5 vừa qua làm nước sông Trà Khúc dâng cao, khiến các thôn Ân Phú, Ngọc Thạch (còn gọi là đảo Hòn Ngọc), thuộc xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi, bị cô lập cho đến nay. Các thôn này có hơn 1.000 người dân sinh sống, ai muốn ra ngoài phải chèo ghe vượt sông Trà Khúc.


Tuy nhiên, sau vụ lật đò trên sông Trà Khúc vào ngày 2-11, chính quyền địa phương đã cấm ghe đò hoạt động khiến cho cuộc sống của người dân tại đây bị đảo lộn…

Sáng 5-11, dù thời tiết đã nắng ráo, nhưng mực nước sông Trà Khúc vẫn còn dâng cao. Đảo Hòn Ngọc vẫn đang bị cô lập. Khi chúng tôi đến bến đò bên này thì có rất nhiều người đứng nhìn về đảo Hòn Ngọc như mong ngóng, chờ đợi. Nhìn sang phía bờ bên kia cũng rất đông người dân tập trung. Hỏi ra mới biết, những người bên này đi đò qua sông và bị “mắc kẹt” lại nhiều ngày rồi. 

Anh Nguyễn Ngọc Đạo (SN 1991, trú thôn Ân Phú) nói rằng, vào ngày 2-11, đã xảy ra vụ lật đò trên sông Trà Khúc khiến 5 người dân đảo Hòn Ngọc bị nước lũ cuốn trôi xa 100m. Tuy may mắn cả 5 người được cứu vớt, song em Trần Thị T. (lớp 12 của Trường THPT Trương Định, TP Quảng Ngãi) phải nhập viện cấp cứu. 

“Dù biết đi ghe đò vượt sông Trà Khúc trong mùa mưa lũ là nguy hiểm, nhưng không đi thì biết chọn đường nào. May mà hôm xảy ra vụ lật đò không phải là lúc cao điểm, người đi đò ít mới cứu vớt kịp thời. Nếu đúng vào sáng sớm hoặc chiều tối, học sinh, công nhân đi làm, đi học hay trở về nhà thì không biết hậu quả sẽ ra sao. Sau vụ lật đò, chính quyền địa phương đã cấm ghe đò hoạt động nên đảo Hòn Ngọc bị cách trở, cô lập hẳn. Học sinh phải nghỉ học, 7 thanh niên ở đảo tới kỳ khám tuyển nghĩa vụ quân sự cũng không đi được…"

Người dân hai bên bờ sông Trà Khúc đều mong ngóng phương tiện đảm bảo an toàn qua lại đảo Hòn Ngọc trong mùa lũ.

Bà Võ Thị Kim Lan (SN 1956, trú thôn Ân Phú) đứng cạnh than vãn, trước khi xảy ra lật đò, bà sang sông dự định mua thức ăn mang về dự trữ trong thời gian bị lũ chia cắt, nhưng sau đó xảy ra sự việc chính quyền cấm đò ngang nên bà phải xin nhờ nhà bà con đến nay chưa được về nhà khiến bà rất lo lắng…

Làm việc với chúng tôi, ông Trần Kỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh An cho biết, đảo Hòn Ngọc có tổng cộng 405 hộ dân của thôn Ân Phú và xóm Tân Lập (thôn Ngọc Thạch) sinh sống. Riêng thôn Ân Phú có 350 hộ dân, với 1.100 nhân khẩu, trong đó có 120 em học sinh các cấp. 

Sau vụ lật đò các thôn này không còn phương tiện di chuyển qua lại, người dân nghỉ làm, học sinh nghỉ học, mọi hoạt động đều bị đình trệ. 

“Chiếc ghe thường đưa người dân Hòn Ngọc sang sông Trà Khúc đã bị đắm không hoạt động được. Xã đã nỗ lực cùng các địa phương lân cận huy động một chiếc ghe để đưa học sinh qua lại nhưng chiếc ghe này không đảm bảo về chất lượng, đăng kiểm, tài công không có giấy phép nên rất khó khăn về vấn đề này. Xã đã có nhiều văn bản đề nghị chính quyền TP Quảng Ngãi quan tâm hỗ trợ về phương tiện đi lại để người dân qua lại, đặc biệt là học sinh đi học được an toàn, song chưa có. Về lâu dài, cần có một cây cầu để người dân đảo Hòn Ngọc chấm dứt cảnh lụy đò tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, an tâm sinh sống, phát triển kinh tế, học sinh được đến trường đầy đủ…”, ông Kỹ bày tỏ.

Liên quan đến sự việc, sáng ngày 6-11, tại bến đò qua thôn Ân Phú, xã Tịnh An, vì không có ghe đò sang sông Trà Khúc, chị Bùi Thị Lan (SN 1988) và một số người dân thôn Ân Phú đã liều mình lội bộ qua sông để đi chợ, mua lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, khi lội ra đến giữa dòng, chẳng may chị Lan bị hụt chân và bị nước cuốn trôi. 

Thấy vậy, anh Nhân đi cùng liền ứng cứu, nhưng cả hai bị dòng nước chảy xiết cuốn mạnh vào ống cống, trôi qua bờ bên kia. Sau đó, anh Nhân bơi được vào bờ, còn chị Lan bị nước cuốn mất tích. 

Khoảng 20 phút sau, người dân mới vớt được xác chị Lan, cách vị trí xảy ra sự việc hơn 50m. Sự việc đau lòng khiến người dân đảo Hòn Ngọc và xã Tịnh An đều rất bức xúc. Được biết, chị Lan có hoàn cảnh hết sức khó khăn, bản thân bị câm bẩm sinh.

Hà Vy
.
.
.