Cần có lộ trình hợp lý khi xử lý xe… “cà tàng”

Thứ Hai, 29/03/2021, 08:57
Xử lý, thu hồi, tịch thu phương tiện xe 2 bánh quá đát là chủ trương đúng đắn. Bởi ngoài các tiêu chuẩn kỹ thuật không an toàn, không ít xe quá đát là của người dân lao động nghèo dùng để mưu sinh thì đa phần xe quá đát trên thuộc quyền sở hữu của chủ các cơ sở kinh doanh vận chuyển, người lao động chỉ là người làm thuê. Với giá thành chỉ 1-2 triệu đồng/chiếc, chủ xe có thể bỏ luôn xe và mua xe mới.

Tại khu vực chợ nông sản thực phẩm Thủ Đức (quốc lộ 1, TP Thủ Đức), loại phương tiện quá đát hoạt động nhan nhản tại khu vực này, đa phần những người sử dụng phương tiện trên đều là người làm thuê, xe của chủ và ăn tiền theo chuyến. 

Do vậy, để thu nhập cao thì người lao động phải chạy nhiều chuyến nên bất chấp tình hình giao thông trên đường như thế nào, các loại phương tiện này vẫn phóng bạt mạng để kịp chuyến, gây mất an toàn giao thông (ATGT). 

Từ khi chuyên đề xử lý xe quá đát được Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM thực hiện, Đội CSGT Bình Triệu liên tục cắm chốt tại khu vực cầu vượt Bình Phước xử lý loại phương tiện này. 

Đa phần khi bị kiểm tra hành chính, nhiều người lao động vẫn “than nghèo kể khổ”, có trường hợp thấy tổ công tác, liền quay đầu xe tháo chạy gây nguy hiểm đến chính bản thân người điều khiển xe và các phương tiện lưu thông trên đường.

N.T.L (ngụ TP Thủ Đức) sử dụng chiếc xe chỉ còn trơ khung, hàng trên xe chất cao hơn qui định cho phép, khi bị tổ công tác dừng xe đã phân trần: “Chủ giao xe chứ có giao giấy tờ đâu. Xe thì chủ giao sao đi vậy, ngày chạy cả chục chuyến kiếm hai ba trăm ngàn để sống, giờ kêu sửa xe, mông má cho xe đảm bảo an toàn, tụi tui lấy đâu ra tiền. Kêu chủ xe mua xe tốt hơn để đảm bảo an toàn thì chủ đâu có chịu!”.

Bên cạnh việc xử lý xe quá đát cần có sự hỗ trợ đối với người lao động nghèo mưu sinh.

Rất nhiều người khi bị kiểm tra, tạm giữ xe đều có chung một lý do là khó khăn quá mới sử dụng loại phương tiện này để mưu sinh. Ông N.C.T (56 tuổi, quê Nghệ An) mua chiếc xe không giấy tờ giá 1,2 triệu, xe chỉ có thằng, đèn không bửng, xi nhan sau đó đem về cắt đuôi gắn rơ-mooc chở dừa đi bán quanh các con hẻm ở quận 6. 

Khi bị tạm giữ phương tiện, ông T., cho biết, quê ông ở Bến Tre. Cứ 2-3 ngày thì ông chở vài trăm trái dừa lên thành phố bán dạo kiếm đủ tiền nuôi vợ và 3 đứa con dưới quê.

“Nói thật, xe của tôi thuộc dạng không được lưu thông trong trung tâm thành phố nhưng cũng vì mưu sinh nên mới đánh liều. Buôn bán thì ngày được ngày ế, gom góp 5-6 miệng ăn cũng đủ qua ngày, giờ nói mua chiếc ba gác máy giá cả trăm triệu để đổi xe cà tàng thì tôi không kham nổi! Chắc tính đường mua chiếc khác để sống, bị bắt thì phải chịu thôi!”, ông T., cho hay.

Đó là tình cảnh chung của rất nhiều người bị tạm giữ phương tiện trong đợt cao điểm xử lý xe “cà tàng”, xe quá đát không đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông trên đường. Việc xử lý các loại phương tiện này có nhiều ý kiến trái chiều nhưng đa phần người dân ủng hộ bởi ngoài các phương tiện cũ nát thì người điều khiển phương tiện này thường bất chấp luật lệ, điều khiển phương tiện với tốc độ cao, chở hàng cồng kềnh, lưu thông vào đường xe ôtô, lạng lách đánh võng và thường sử dụng tốc độ để né tránh các chốt kiểm tra giao thông. 

Một cán bộ Phòng CSGT cho biết: “Phần lớn phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, xe cũ nát hiện nay đều thuộc sở hữu của người có thu nhập thấp, người lao động chở hàng thuê. Đối với họ, đây là phương tiện mưu sinh hàng ngày. Tuy nhiên, nếu không xử lý nghiêm thì sẽ trở thành việc khuyến khích hay dung túng những trường hợp này trước pháp luật. Vì vậy, song song với việc xử lý vi phạm, cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng CSGT còn tổ chức tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người dân hiểu và tuân thủ chủ trương”, cán bộ này cho biết.

Một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM cho rằng, không chỉ người lao động khó khăn không đủ tiền mới liều mạng mua xe máy cũ nát để làm phương tiện mưu sinh mà rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng phương tiện này để công nhân chở hàng nhằm hạn chế chi phí, bất chấp ảnh hưởng đến an toàn giao thông hay ô nhiễm môi trường. 

Ngoài ra, việc tồn tại xe cũ nát cũng là mảnh đất màu mỡ cho tiêu thụ các nguồn xe gian, xe trộm cắp, xe tự chế. Các loại phương tiện này thường không có giấy tờ chứng minh chủ sở hữu, giá trị xe không lớn nên gây khó khăn cho công tác quản lý, đặc biệt là việc xử phạt vi phạm hành chính, truy tìm chủ sở hữu phương tiện khi xảy ra TNGT hoặc liên quan vụ án hình sự.

Nếu như cứ đưa ra lý do “đa phần người sử dụng xe cũ nát là người lao động khó khăn” thì không bao giờ xử lý được rốt ráo tình trạng xe quá đát, xe cũ nát, xe không đủ tiêu chuẩn hoành hành trên đường phố gây mất trật tự ATGT. 

Ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng Phòng Quản lý Vận tải đường bộ - Sở GTVT TP HCM cho rằng, cần bảo đảm tính pháp lý cũng như các vấn đề an sinh xã hội khi giải quyết tình trạng xe quá đát. Nhà nước phải ban hành quy định về niên hạn của xe máy để có cơ sở pháp lý thực hiện. Ngoài ra, do đối tượng sử dụng xe máy cũ kỹ đa số là người lao động, có hoàn cảnh khó khăn nên cũng cần ban hành chính sách, giải pháp hỗ trợ.

Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, Văn phòng luật sư Trường (Đoàn luật sư TP HCM), kiên quyết xử lý với phương tiện quá đát là cần thiết nhưng cũng cần có lộ trình hợp lý và sự hỗ trợ thiết thực đối với người lao động để họ chuyển đổi phương tiện hoặc chuyển đổi công việc mưu sinh. 

Nhưng vấn đề này cũng cần lưu ý vì những người sử dụng phương tiện quá đát không chỉ là người lao động khó khăn mà những người có điều kiện vẫn sử dụng loại phương tiện này để giảm bớt chi phí vận chuyển, giá thành rẻ, đưa cho người lao động không sợ bị hư hao, mất tài sản. 

Khi nhà nước có chính sách hỗ trợ thì cần đảm bảo chính sách hỗ trợ đến được với người thật sự cần. Địa phương là nơi nắm rõ nhất danh sách những người lao động nào thật sự khó khăn, cần hỗ trợ, tránh tình trạng người cần hỗ trợ lại không được hỗ trợ, những đối tượng khác lại có cơ hội trục lợi.

Anh Thư
.
.
.