Buýt Hà Nội chật vật vì doanh thu giảm mạnh

Thứ Bảy, 17/04/2021, 07:16
Tổng doanh thu xe buýt trong quý I của Transerco chỉ đạt khoảng 52% và giảm khoảng 68 tỉ đồng so với doanh thu dự kiến đặt hàng và đấu thầu. Sản lượng hành khách sụt giảm 60-70% so với thời điểm bình thường do hoạt động du lịch từ nước ngoài vẫn đang tạm dừng, cùng với đó là sự gia tăng cạnh tranh quyết liệt từ các loại hình xe hợp đồng khác. Thực tế này đang khiến hoạt động buýt của Hà Nội rơi vào cảnh đứng ngồi không yên…


Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, do tác động của COVID-19 (học sinh, sinh viên nghỉ học, thực hiện giãn cách trong thời gian dịch bệnh bùng phát,...) cùng với việc thực hiện miễn phí đối với người cao tuổi, quý I/2021, sản lượng vé lượt chỉ đạt 53% so với đặt hàng, đấu thầu, giảm 10,7% so với cùng kỳ 2020. Sản lượng vé tháng ước đạt 87,2% kế hoạch, thị phần bán tem vé tháng xe buýt đạt 63% toàn mạng, bằng năm 2020.

Lãnh đạo Transerco cho biết, tổng doanh thu xe buýt đạt khoảng 52% và giảm khoảng 68 tỉ đồng so với doanh thu dự kiến đặt hàng và đấu thầu. Đáng lưu ý, dịch COVID-19 khiến các tuyến xe buýt sân bay không trợ giá và xe buýt Citytour tiếp tục có sản lượng và doanh thu giảm sâu so với kế hoạch, sản lượng chuyến lượt phải cắt giảm 35-50%, sản lượng hành khách sụt giảm 60-70% so với thời điểm bình thường do hoạt động du lịch từ nước ngoài vẫn đang tạm dừng, khách đi lại đường hàng không, nhất là tuyến bay quốc tế còn hạn chế, cùng với đó là sự gia tăng cạnh tranh quyết liệt từ các loại hình xe hợp đồng khác.

Transerco sẵn sàng tham gia đấu thầu mở mới các tuyến buýt trong năm 2021.

Đánh giá chung về hoạt động buýt trong quý I-2021, lãnh đạo Transerco thừa nhận, chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng do ùn tắc giao thông, quá tải giờ cao điểm, tuy nhiên, hình ảnh, chất lượng phương tiện đã có những đổi mới tích cực, chất lượng phục vụ đang được kiểm soát tốt.

Bên cạnh hoạt động xe buýt,  trong quý I vừa qua, sản lượng trông giữ phương tiện thuộc Tổng vận tải đạt hơn 2,22 triệu lượt, bằng 98,6% kế hoạch và giảm 8% so với cùng kỳ 2020. Dịch vụ bến xe phục vụ trên 201,1 nghìn lượt xe liên tỉnh, bằng 85,2% KH, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng hành khách liên tỉnh đạt hơn 1,07 triệu lượt, bằng 67,1% kế hoạch, giảm 44,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu toàn lĩnh vực ước đạt hơn 67,5 tỷ đồng, bằng 91,7% so với kế hoạch, giảm 12% so với cùng kỳ 2020. Tổng lợi nhuận ước đạt 3,9 tỷ đồng, giảm gần 30% và hiệu quả ước đạt 10,1 tỷ đồng, giảm 14% so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2020.

 Trước những khó khăn thường trực, nhằm nỗ lực tái cơ cấu để tối ưu chi phí, lãnh đạo Transerco cho hay thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp quản trị, trọng tâm là quản trị chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ; tăng cường kiểm soát thực hiện kế hoạch ngân sách của các đơn vị hoạt động buýt. Transerco cũng bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; tăng cường công tác quản trị và nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt giai đoạn 2020-2025. Trong đó, năm 2021 tập trung chuyên sâu vào 4 nhóm giải pháp chủ yếu về luồng tuyến, công nghệ, đào tạo và truyền thông.

Cụ thể, về luồng tuyến, Transerco sẽ triển khai xây dựng hồ sơ, phân tích các chỉ tiêu khai thác, kinh tế - kỹ thuật theo từng tuyến, từng đơn vị và đề xuất các giải pháp tối ưu hiệu quả hoạt động của từng tuyến, từng đơn vị. Về công nghệ, doanh nghiệp này tiếp tục đẩy mạnh áp dụng ứng dụng công nghệ, nâng cấp, cải tiến các phần mềm quản lý, điều hành; đẩy mạnh triển khai ứng dụng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt...

Đặc biệt, Transerco sẽ đổi mới mạnh mẽ về cả nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo chuyên đề nhằm góp phần thay đổi căn bản về nhận thức, ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ với hành khách đặc biệt là cho các đối tượng là công nhân lái xe, nhân viên phục vụ; đẩy mạnh công tác đào tạo đối với đội ngũ kỹ thuật và thợ bảo dưỡng sửa chữa.

Transerco sẽ đẩy mạnh và đổi mới cả về nội dung và hình thức nhằm truyền tải thông tin mới về các hoạt động xe buýt, đổi mới ứng dụng công nghệ, nỗ lực khắc phục khó khăn, bất cập trong hoạt động xe buýt, hướng dẫn hành khách đi xe buýt... Lãnh đạo Transerco cũng cho biết đã sẵn sàng tham gia đấu thầu mở mới các tuyến buýt trong năm 2021 và các tuyến buýt sử dụng năng lượng sạch như CNG.

Hà Nội hiện có trên 3.800 điểm dừng xe buýt nhưng chỉ có 361 điểm có nhà chờ. Khoảng cách trung bình giữa các điểm dừng khoảng 1,1km. Nếu phân theo khu vực, trong nội thành, tỉ lệ người dân tiếp cận xe buýt với cự ly dưới 500m đạt khoảng 80%.
Đặng Nhật
.
.
.