Thanh tra công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe tại 4 tỉnh phía Nam:

“Buông lỏng” cả khâu tuyển sinh và đào tạo

Thứ Tư, 13/06/2018, 09:35
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng tiến hành thanh tra công tác đào đạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ tại 4 Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận và 41/113 đơn vị đào tạo trực thuộc 4 địa phương này, Đoàn thanh tra của Bộ GTVT đã phát hiện nhiều sai phạm. Qua đó có thể thấy, công tác quản lý, đào tạo sát hạch vẫn còn bị “buông lỏng”.


Sai sót, thiếu an toàn ngay từ các khâu đào tạo

Cụ thể về vấn đề sân tập lái ở 4 địa phương, đoàn thanh tra phát hiện có tới 7 đơn vị sân tập lái có một số hình tập bố trí chung với đường nội bộ của đơn vị, không đảm bảo an toàn khi tập lái; 11 đơn vị sân tập lái có bài “Dừng và khởi hành xe trên dốc” chưa đạt độ dốc 10% hoặc chưa đủ chiều dài đỉnh dốc hoặc bài “thay đổi số trên đường bằng” không đủ chiều dài theo quy định; 39 đơn vị sân tập lái thiếu một số biển báo hiệu đường bộ hoặc vạch sơn kẻ đường hoặc biển báo hiệu, vạch kẻ đường không đúng quy định; 15 đơn vị mặt sân tập lái bị bong tróc hoặc một số hình bài tập chưa được thảm nhựa, bê tông xi măng hoặc chưa được bó vỉa.

Tại Trung tâm Đào tạo và Thực nghiệm cơ giới Trường Cao đẳng GTVT Trung ương VI (TP Hồ Chí Minh), sân tập lái còn có một số hình tập hạng D hoặc E chưa đảm bảo theo quy định do ghép chung với hình tập của hạng xe khách. Trung tâm Dạy nghề Đồng Tiến (TP Hồ Chí Minh), sân tập lái không có hàng rào ngăn cách với đường nội bộ của các đơn vị trong khu vực.

Trung tâm Kỹ năng thực hành cơ giới GTVT Thuận An (Bình Dương) thiếu hình bài tập “Qua vệt bánh xe và đường vòng vuông góc” hạng D, E; một số làn đường, hình bài tập xuống cấp, đọng nước; trong khuôn viên sân tập lái bố trí hệ thống phòng học, nhà điều hình và sân sát hạch lái xe hạng A1,A2 không đảm bảo an toàn khi dạy lái xe.

Về vấn đề xe tập lái, trong số 41 đơn vị được kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện, có 2 đơn vị có xe ôtô tập lái hạng B hoặc hạng C hợp đồng/số xe sở hữu cùng hạng vượt quá tỷ lệ quy định. Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai có 31 xe ôtô tập lái lắp biển tập lái không đúng vị trí quy định; Trung tâm Dạy nghề tư thục Bình Dương có số lượng xe tập lái hạng FC chưa đáp ứng lưu lượng đào tạo được cấp phép. Bên cạnh đó, còn có 2 đơn vị có xe ôtô tập lái không có mui che mưa, nắng hoặc ghế ngồi cho người học trên thùng xe...

Đáng chú ý hơn, có tới 8 đơn vị có một số giáo viên dạy lý thuyết chưa đảm bảo điều kiện theo quy định; kiểm tra xác suất hồ sơ đào tạo cho thấy, các đơn vị không bố trí các giáo viên này để dạy lái xe. Kiểm tra kỹ hơn thì thấy có tới 22 đơn vị có một số giáo viên không có phù hiệu giáo viên dạy lái xe hoặc có giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe không đúng mẫu.

Công tác đào tạo, sát hạch lái xe tại một số tỉnh phía Nam còn nhiều sai sót.

Thậm chí, tại Trung tâm Dạy nghề tư thục Tiến Thành (TP Hồ Chí Minh) còn có giáo viên Nguyễn Hồng Phát sử dụng giấy phép lái xe giả; Trường  Trung cấp Đinh Tiên Hoàng (Đồng Nai) vắng 41/55 giáo viên không có lý do tại thời điểm thanh tra.

Nếu công tác đào tạo chưa được coi trọng, thì công tác tuyển sinh cũng được 4 địa phương nói trên hết sức “buông lỏng”. Minh chứng rõ nhất là có tới 27 đơn vị có hồ sơ học viên lái xe không đủ thành phần hồ sơ hoặc bản khai thời gian và số kilomet lái xe an toàn; 26 đơn vị có một số hồ sơ lái xe chưa có giấy khám sức khoẻ hoặc giấy khám sức khoẻ không ghi ngày khám, ghi ngày khám sau ngày khai giảng khoá học hoặc thiếu thông tin về họ tên, chữ ký của học viên hoặc không kết luận hạng xe được phép điều khiển, hoặc kết luận hạng xe được phép điều khiển không phù hợp với hạng xe đăng ký học; 31 đơn vị có một số hợp đồng đào tạo lái xe có nội dung không phù hợp; 3 đơn vị hồ sơ của nhiều học viên lái xe không có giấy khám sức khoẻ như Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh; Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe 2; Phân hiệu cao đẳng đường sắt phía Nam (Bình Dương)...

Trách nhiệm chính thuộc về các Sở GTVT

Tại 4 Sở GTVT, Thanh tra Bộ GTVT cũng đánh giá, công tác quản lý đào tạo lái xe chưa chặt chẽ.  Cụ thể, Sở GTVT Hồ Chí Minh xử lý một số hồ sơ cấp giấy phép xe tập lái quá thời hạn quy định; sử dụng sổ theo dõi cấp giấy phép xe tập lái không đúng mẫu quy định. Sở GTVT Đồng Nai cấp giấy phép xe tập lái cho 2 xe tải hạng C khi thùng xe không có mui che mưa, nắng và ghế ngồi cho người học. Sở GTVT Ninh Thuận cấp giấy phép khi số xe của trung tâm được cấp vượt quá tỷ lệ quy định...

Đồng thời, các Sở GTVT cũng chưa thường xuyên tổ chức kiểm tra các khoá đào tạo, giám sát kỳ thi cấp chứng chỉ lái xe  ôtô hoặc chất lượng công tác kiểm tra còn hạn chế, dẫn đến chưa kịp thời phát hiện và chấn chỉnh thiếu sót.

Để xảy ra các tồn tại, sai phạm nói trên, theo Thanh tra Bộ GTVT, trách nhiệm chính thuộc về Sở GTVT các tỉnh và trách nhiệm của các cơ sở đào tạo. Nhằm chấn chỉnh hoạt động này, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT Hồ Chí Minh chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 cơ sở đào tạo lái xe và 1 cá nhân gồm Trương Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn; Trường Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương; Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh; Trung tâm Dạy nghề Đồng Tiến và ông Nguyễn Hồng Phát, giáo viên dạy lái xe sử dụng GPLX giả. Tổ chức kiểm điểm, xác định và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối với Sở GTVT Đồng Nai, Bộ GTVT cho rằng, đơn vị này cần xử phạt vi phạm hành chính đối với Trường Trung cấp Đinh Tiên Hoàng về lỗi “cơ sở đào tạo lái xe bố trí giáo viên không đủ tiêu chuẩn để giảng dạy” theo quy định; đồng thời điều chỉnh giảm lưu lượng đào tạo lái xe ôtô của trường này để phù hợp với số lượng giáo viên dạy thực hành lái xe hiện có của đơn vị...

Tương tự, với Sở GTVT Bình Dương cũng phải tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với 2 đơn vị đào tạo và điều chỉnh giảm lưu lượng đào tạo lái xe hạng FC của Trung tâm Dạy nghề tư nhân Bình Dương để phù hợp với lượng xe tập lái; bố trí Chủ tịch hội đồng sát hạch, Tổ trưởng tổ sát hạch lái xe đảm bảo điều kiện theo quy định.

Cuối cùng, với Sở GTVT Ninh Thuận, Bộ GTVT cũng yêu cầu sở này thu hồi giấy phép xe tập lái đã cấp cho một số đơn vị đào tạo vượt quá tỷ lệ quy định; đồng thời điều chỉnh giảm lưu lượng đào tạo lái xe ôtô cho phù hợp với số lượng xe ôtô tập lái còn lại của các đơn vị.

Đặc biệt, cả 4 Sở GTVT nói trên, Bộ GTVT yêu cầu “tổ chức rút kinh nghiệm về các tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ”. Báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của đoàn thanh tra về Bộ GTVT trước ngày 15-7-2018.

Phạm Huyền
.
.
.