Bảo đảm an ninh, an toàn Hàng không

Bình yên cho những chuyến bay - Bài cuối

Thứ Ba, 12/06/2018, 08:53
Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không là mục tiêu cao nhất đối với hoạt động hàng không dân dụng. An ninh hàng không mang tính "an ninh chuỗi", vụ việc xảy ra ở bất cứ quốc gia, địa điểm nào đều có thể tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam.


Trong bối cảnh ngành hàng không của các nước trên thế giới trở thành mục tiêu, phương tiện tấn công khủng bố bảo đảm an ninh, an toàn hàng không là một thách thức lớn và cần có những giải pháp quyết liệt xử lý kịp thời, hiệu quả, hạn chế những nguy cơ đe dọa an ninh hàng không còn tiềm ẩn để Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện.

Nhiệm vụ cấp thiết với an ninh quốc gia

Năm 2017 được xem là năm có nhiều dấu ấn của Hàng không Việt Nam. Ngày 27-12-2017, tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã diễn ra lễ đón hành khách thứ 94 triệu. 

Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài ở Hà Nội đã được Skytrax - một tổ chức uy tín chuyên về đánh giá, xếp hạng hàng không thế giới bình chọn nằm trong nhóm 100 sân bay tốt nhất thế giới. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài lọt vào bảng xếp hạng này. 

Ngành Hàng không và Bộ Công an luôn tăng cường phối hợp chặt chẽ.

Khảo sát của SkyTrax được thực hiện từ hơn 500 sân bay trên toàn thế giới. Tổng sản lượng hành khách qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 94,3 triệu lượt khách, tăng 16,9%. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt hơn 44 triệu khách, tăng 16%. Sản lượng điều hành bay đạt hơn 804 nghìn chuyến. 

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An ninh Hàng không dân dụng quốc gia và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương; công tác an ninh, an toàn hàng không được bảo đảm; bảo đảm an toàn các chuyến chuyên cơ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chuyên cơ chở khách mời của lãnh đạo cao cấp nước ngoài sang thăm, dự các hội nghị tại Việt Nam, đặc biệt dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017. 

Trong năm qua, cả nước xảy ra 303 vụ vi phạm an ninh hàng không; trong đó, 40 vụ gây rối trật tự, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không; 40 vụ vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay, 216 vụ hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm trái quy định. 

Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không đã phát hiện, xử lý 96 vụ việc trộm cắp, chiếm giữ tài sản của hành khách để quên; có 189 trường hợp hành khách khai báo mất tài sản trong hành lý ký gửi. Các hãng hàng không đã tiếp nhận khiếu nại, đền bù cho hành khách hơn 221 triệu đồng. 

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tiến hành rà soát, đánh giá tình trạng phương tiện trang thiết bị, bổ sung kế hoạch năm 2018 và các năm tiếp theo. 

Hiện nay, ACV trang bị 315 máy soi chiếu an ninh, 140 cổng từ. Hệ thống tường rào an ninh của các cảng hàng không tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện. Bộ Công an đã quyết định thành lập Đồn Công an tại các Cảng Hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng.

Hoàn thiện hành lang pháp lý, siết chặt an ninh

Là người đã từng nhiều năm gắn bó, tâm huyết với công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho ngành Hàng không, Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục An ninh Kinh tế Tổng hợp - Tổng cục An ninh, Bộ Công an chia sẻ rằng: 

Với vai trò, chức năng nhiệm vụ của đơn vị, trong những năm qua, Cục An ninh Kinh tế Tổng hợp đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, với Công an các đơn vị, địa phương (21 sân bay của 21 tỉnh, thành phố) triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; nắm chắc tình hình, xây dựng triển khai các phương án, kế hoạch, quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn Hàng không trong mọi tình huống, không để xảy ra đột xuất bất ngờ; phục vụ có hiệu quả Chiến lược phát triển của ngành Hàng không. 

Tiến hành điều tra, xác lập nhiều vụ án; đấu tranh, khám phá, bóc gỡ, phát hiện bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm vũ khí, công cụ hỗ trợ cùng nhiều đối tượng xâm nhập vào hàng không để phá hoại, khủng bố, chống phá cách mạng Việt Nam. Phát động sâu rộng, hiệu quả phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, bảo đảm bí mật Nhà nước trong ngành Hàng không.

An ninh hàng không mang tính "an ninh chuỗi", vụ việc xảy ra ở bất cứ quốc gia, địa điểm nào đều có thể tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam. Trên bình diện quốc tế, hoạt động khủng bố năm 2017 không giảm mà tiếp tục gia tăng. Đối với Việt Nam, hoạt động của các tổ chức phản động lưu vong manh động, quyết liệt, táo bạo. Trong khi đó, nhận thức của các bộ, ngành về tầm quan trọng của an ninh hàng không dân dụng còn chưa tương xứng; sự phối hợp giữa các bộ, ngành vẫn còn nhiều tồn tại. 

Việt Nam trong xu thế tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, việc đi lại bằng đường hàng không trong nội địa cũng như mở rộng các tuyến đường không với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới ngày càng gia tăng kéo theo lượng khách xuất nhập cảnh và hàng hóa không ngừng tăng lên. 

Các thế lực thù địch bên ngoài, bọn phản động trong nước, các loại tội phạm khác sẽ triệt để lợi dụng tình hình tiến hành các hoạt động chống Đảng, Nhà nước, kích động các hoạt động ly khai tự trị; tiến hành các hoạt động khủng bố, gây mất ổn định về an ninh trật tự. Hoạt động hàng không dân dụng vẫn chứa đựng tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn. 

Để tiếp tục giữ vững công tác đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối Hàng không cần tổ chức tốt công tác phòng ngừa, có phương án bảo đảm an ninh ở các mục tiêu, công trình, cơ sở quan trọng của ngành Hàng không. 

Trong đó, tập trung đảm bảo an ninh mạng thông tin hàng không, trung tâm không lưu, xử lý bay, kiểm soát xuất nhập cảnh, người, hàng hóa; đảm bảo an ninh chuyên cơ chở lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra nước ngoài. 

Công an các đơn vị, địa phương nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; chủ động phòng ngừa, phát hiện từ xa, không để xảy ra các nguy cơ đe dọa an ninh hàng không. 

Xây dựng, thực hiện các phương án bảo vệ địa bàn nơi có các cảng hàng không, sân bay và các công trình, trang thiết bị của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu. 

Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm lợi dụng đường hàng không để hoạt động phạm tội như tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu... 

Đẩy mạnh đầu tư phương tiện, tài chính cho an ninh hàng không, đặc biệt hệ thống kỹ thuật công nghệ cao vào giám sát các sân bay. Nâng cao chất lượng đội ngũ an ninh hàng không thông qua đào tạo huấn luyện, trang thiết bị cho đội ngũ này.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018 của Ủy ban An ninh Hàng không dân dụng quốc gia được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có những chỉ đạo quyết liệt, xử lý kịp thời đối với những hạn chế, nguy cơ đe dọa an ninh hàng không còn tiềm ẩn. 

Trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện Luật Phòng chống khủng bố năm 2013; thường xuyên thông tin kịp thời cho ngành Hàng không về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn khủng bố, tội phạm. Đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, tăng cường tuần tra bảo đảm tốt an ninh trật tự; phối hợp chặt chẽ, tiếp nhận xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ việc đưa cảng hàng không sân bay quốc tế vào danh sách mục tiêu trọng điểm an ninh quốc gia cần bảo vệ phù hợp với quy định của pháp luật; hướng dẫn thực hiện các biện pháp kiểm soát an ninh nội bộ đối với hoạt động hàng không dân dụng; thiết kế bố trí vận hành khai thác thông tin từ hệ thống camera tại cảng hàng không. 

Bộ Quốc phòng tích cực chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ trao đổi, xử lý thông tin liên quan đến công tác đảm bảo an ninh an toàn hàng không với các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông Vận tải; hoàn thiện hành lang pháp lý, phương án xử lý tình huống khẩn nguy hàng không; đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không.

Việt Hưng
.
.
.