Ngày đầu Nghị định 46 có hiệu lực:

Băn khoăn quy định xử phạt lỗi vượt đèn vàng

Thứ Ba, 02/08/2016, 08:27
Từ 1-8, Nghị định 46 đã chính thức có hiệu lực với 183 hành vi vi phạm giao thông được điều chỉnh mức xử phạt. Nghị định 46 điều chỉnh mức phạt tiền đối với 152 hành vi, nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ.

Dù là ngày đầu tiên, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, lực lượng CSGT đã ra quân xử lý đúng quy định, đồng thời vừa xử phạt vừa tuyên truyền thêm để người dân biết về quy định mới.

Tuy nhiên, bên cạnh các quy định được người dân chấp hành nghiêm, thì cũng có không ít người vẫn băn khoăn với quy định tăng mức xử phạt với hành vi vượt đèn vàng với ôtô lên 2 triệu đồng và xe máy là 400.000 đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên sáng 1-8, mặc dù Nghị định 46 đã được tuyên truyền rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên tại các ngã tư lớn của Hà Nội như ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, quận Ba Đình, Quốc Tử Giám - Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa), Phạm Hùng- Nguyễn Văn Huyên, Lê Duẩn-Nguyễn Thái Học… vẫn có nhiều trường hợp người đi xe máy vượt đèn vàng và đèn đỏ. Nhiều trường hợp đã bị lực lượng CSGT xử phạt nghiêm.

Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý một người điều khiển xe môtô vi phạm giao thông (sáng 1-8). Ảnh: TTXVN

Tại địa bàn quận Đống Đa, chỉ trong buổi sáng, một tổ công tác của Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Hà Nội) đã xử lý 3trường hợp ôtô vi phạm lỗi vượt đèn sai quy định, hơn 40 trường hợp điều khiển mô tô không đội MBH, 2 trường hợp đi ngược chiều.

Đa phần những người vi phạm đều không nhận lỗi hoặc bao biện cho hành vi vi phạm của mình, phải đến khi được các chiến sĩ CSGT cho xem hình ảnh chụp từ camera giao thông, những người này mới chấp nhận.

Bên cạnh một số người hiểu quy định, thì cũng còn không ít người dân đặt vấn đề thắc mắc: “Ở những ngã tư có tín hiệu đèn giao thông mà không có đèn tín hiệu đếm thời gian thì người dân sẽ căn vào đâu để không bị vượt đèn vàng khi thời gian giữa đèn xanh đến đèn vàng chỉ là 1 giây? Hay là chúng tôi cứ đến ngã tư tự phải cảm nhận thấy đèn xanh lâu rồi là phải tự đỗ lại cho chắc.

Như vậy nếu đỗ lại mà đang đèn xanh có bị phạt không và như vậy sẽ gây ách tắc giao thông không. Còn nếu không đỗ lại mà đi khi thấy 1 giây nhảy sang đèn vàng sợ bị phạt phanh gấp vậy có nguy hiểm không. Nếu cố đi ở ngã tư không có đèn đếm thời gian như vậy có bị phạt không?”.

Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

Trong đó, hệ thống báo hiệu đường bộ bao gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.

Khoản 3, Điều 10 Luật Giao thông đường bộ quy định tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, cụ thể như sau: Tín hiệu xanh là được đi; Tín hiệu đỏ là cấm đi; Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Như vậy, hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” là việc người điều khiển phương tiện không chấp hành theo các tín hiệu đèn được quy định. Đối với việc một số người vẫn hiểu “vượt đèn vàng” là được phép hoặc nếu vi phạm thì chỉ bị nhắc nhở… là cách hiểu không đúng.

Bởi khi thấy đèn vàng, phương tiện phải giảm tốc độ và dừng trước vạch dừng; trừ trường hợp khi đèn xanh phương tiện đã vượt qua vạch dừng, khi đang trong khu vực nút giao ngã ba, ngã tư… đèn chuyển vàng, thì vẫn tiếp tục đi theo hướng đã định.

Cũng trong sáng 1-8, Phòng CSGT Công an Hà Nội đã ra quân theo Kế hoạch 88, tổng kiểm tra xử lý người điều khiển môtô, xe gắn máy, xe đạp điện vi phạm các quy định về đội MBH khi tham gia giao thông và các hành vi vi phạm, dừng đỗ xe sai quy định.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, Nghị định 46 tăng chế tài xử phạt hành chính về vi phạm giao thông đường bộ nhằm hạn chế các lỗi vi phạm mà nhiều người dân chủ quan mắc phải do mức xử phạt cũ thấp. “Nghị định ra đời góp phần làm giảm nguy cơ các vụ tai nạn giao thông đường bộ, tăng ý thức chấp hành luật của người dân khi tham gia giao thông”.

Để công bằng trong xử phạt, Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng nhấn mạnh: Thời gian gần đây, người nước ngoài cũng vi phạm nhiều, vì vậy yêu cầu lực lượng CSGT xử phạt nghiêm, đúng quy trình với các trường hợp người nước ngoài điều khiển phương tiện lạng lách, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Cũng bắt đầu từ ngày 1-8, lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Hà Nội đã đồng loạt triển khai kiểm tra xử lý vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm trên toàn thành phố vào ban ngày.

Việc tuần tra được thực hiện từ 6h30 đến 24h hàng ngày. Lực lượng CSCĐ tập trung xử lý người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện vi phạm quy định của pháp luật về mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ - Trung đoàn Trưởng Trung đoàn CSCĐ - pháp lệnh CSCĐ đã quy định rõ, lực lượng CSCĐ có quyền hạn xử lý vi phạm Luật Giao thông trong bất cứ thời gian, địa điểm nào được Giám đốc CATP Hà Nội cho phép.

Phạm Huyền
.
.
.