Quản lý vận tải từ thiết bị giám sát hành trình:

Bài toán dễ nhưng doanh nghiệp 'lười' giải

Thứ Sáu, 08/05/2015, 09:15
Theo thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 700 xe khách bị thu hồi phù hiệu, hơn 100 xe bị từ chối cấp phù hiệu.

Có được kết quả này là do vi phạm được phát hiện nhiều lần qua thiết bị giám sát hành trình (GSHT) truyền về Trung tâm Quản lý dữ liệu của Tổng cục ĐBVN. Như vậy, chỉ cần ngồi tại trung tâm, Tổng cục Đường bộ cũng có thể theo dõi và phát hiện, các xe có gắn thiết bị đang chạy trên đường với tốc độ nào, dừng đỗ ra sao.

Đánh giá từ lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho rằng, nhờ có hệ thống giám sát vô hình nên ý thức chấp hành các quy định về ATGT của doanh nghiệp, lái xe đã được cải thiện một bước, góp phần kéo giảm TNGT do các phương tiện kinh doanh vận tải gây ra.

Thế nhưng, bài toán dễ này, không phải doanh nghiệp nào cũng muốn “giải”. Bởi trên thực tế, cho đến thời điểm này, cả nước có trên 84 nghìn phương tiện chuyển dữ liệu về Trung tâm Xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT của Tổng cục ĐBVN với các nội dung về tốc độ xe chạy, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe, hành trình xe chạy.

Hàng tháng, Tổng cục Đường bộ vẫn có thống kê số lần xe vi phạm để gửi về cho các địa phương. Song, không tháng nào là báo cáo không nhắc đến tình trạng lái xe cố tình làm hỏng thiết bị giám sát hành trình, thậm chí còn có tình trạng doanh nghiệp “cố tình” bơ vi phạm, hay cao hơn nữa là tình trạng chính cơ quan chức năng cũng “thờ ơ” với việc xử phạt.

Vì sao lại thế? Một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải từng lý giải, có thể vì doanh nghiệp “sợ” quản chặt sẽ khó làm ẩu; thậm chí vì lợi ích trước mắt (không đầu tư thiết bị giám sát hành trình đúng quy định, thuê lái xe không theo hợp đồng) mà quên mất lợi ích lâu dài…

Không thể để một số doanh nghiệp, một số lái xe vì lợi ích riêng mà ảnh hưởng đến hiệu quả của quy định chung, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục ĐBVN cho biết, theo quy định, đối với những trường hợp không truyền dữ liệu đầy đủ theo quy định sẽ bị xử lý với các hình thức như: Thu hồi phù hiệu, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh nếu có trên 20% số phương tiện bị thu hồi phù hiệu.

Hiện nay, tỷ lệ phương tiện truyền dữ liệu về trung tâm đạt trên 70% số phương tiện. Số còn lại có thể do phương tiện nghỉ không hoạt động, hoặc bảo dưỡng sửa chữa.

Đối với các trường hợp cố tình tắt thiết bị GSHT, theo quy định mới của Thông tư 09 ban hành ngày 15/4/2015, tất cả các trường hợp có sự dịch chuyển về vị trí mà không có dữ liệu trên hệ thống bị coi là không truyền dữ liệu. Đây là cơ sở xác định xe đó có truyền dữ liệu về trung tâm hay không.

Quy định này sẽ khắc phục được tình trạng các nhà xe lấy lý do xe không hoạt động nên không có tín hiệu. Đồng thời, để  nâng cao hiệu quả khai thác từ thiết bị GSHT, tới đây, Tổng cục sẽ công bố danh sách các nhà cung cấp thiết bị GSHT đã được cấp chứng nhận hợp quy có số lượng cung ứng ra thị trường từ cao xuống thấp, có chế độ bảo hành, làm dịch vụ truyền dữ liệu tốt để các đơn vị vận tải lựa chọn.

Một giải pháp nữa là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện bản đồ số kết hợp với dữ liệu từ dữ liệu thiết bị GSHT để xác định một cách cụ thể, về vi phạm tốc độ của phương tiện đầy đủ hơn, chính xác hơn.

Hiện nay đang so sánh khung tốc độ vượt qua 70 km/h hay 60 km/h với từng loại xe, trong đô thị quy định không được vượt quá 50 km/h. Tuy nhiên, do chưa có bản đồ số nên chưa xác định được phương tiện có vi phạm hay không.

Nếu có bản đồ số sẽ xác định rõ xe đó đang ở vị trí nào, có quy định tốc độ bao nhiêu, kể cả những đoạn đường đô thị, đoạn có biển hạn chế tốc độ... Khi đã đảm bảo thiết bị GSHT đạt độ chính xác cần thiết, hoạt động ổn định sẽ tính tới việc xử phạt nguội đối với những trường hợp vi phạm.

T.Huyền
.
.
.