Nỗi lo mất an toàn lao động tại các công trình giao thông

Bài 2: Đêm không yên tĩnh trên công trường thi công đường sắt đô thị

Thứ Năm, 21/05/2015, 08:47
Thống kê chưa đầy đủ của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, hơn 73% nguyên nhân tai nạn lao động là do ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động. Người lao động cũng chưa tự trang bị kiến thức phòng chống tai nạn. Nhằm tận mắt chứng kiến công tác an toàn lao động (ATLĐ) tại công trường trọng điểm được thực hiện ra sao, phóng viên Báo CAND đã có cuộc khảo sát dọc công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) về đêm, thời điểm thi công nhộn nhịp nhất.
>> Nỗi lo mất an toàn lao động tại các công trình giao thông
Công nhân “lơ” quy định, tư vấn giám sát vắng mặt 

22h, đường Nguyễn Trãi - Hà Đông không còn cảnh ồn ào, người và xe ken nhau chật cứng. Thay vào đó là sự tấp nập tại các đơn vị thi công các hạng mục của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Dẫn chúng tôi đi tham quan công trường dọc tuyến, anh Lê Văn Dương, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án đường sắt chia sẻ, hơn bất cứ lúc nào, thời điểm này, vấn đề ATLĐ tại các công trường luôn được đặt lên hàng đầu.

Thế nhưng, theo quan sát của phóng viên, không phải lúc nào mọi quy định cũng được thực hiện nghiêm túc. Tối đó, tại hạng mục thi công ga La Khê, đứng từ đường Quang Trung (Hà Đông) nhìn lên công trường, phóng viên nhận thấy rõ 2-3 công nhân đang thi công trên cao nhưng không đội mũ bảo hiểm.

Sau khi lấy ngay điện thoại gọi thẳng thắn phê bình tư vấn giám sát (của Viện Khoa học công nghệ giao thông) và yêu cầu vị này sớm ra công trường để chấn chỉnh công nhân thực hiện đúng quy tắc về đảm bảo an toàn lao động, anh Lê Văn Dương quay sang chúng tôi cho biết: Theo quy định, khi đang thi công thì yêu cầu các bên gồm tư vấn giám sát, nhà thầu, chủ đơn vị thi công… đều phải có mặt, cho đến khi dừng mới thôi.

Thế nhưng, thi thoảng vẫn có trường hợp vắng mặt thế này. Nên là người làm công tác quản lý, đêm nào chúng tôi cũng phải đi kiểm tra vài lượt từ đầu tuyến đến cuối tuyến, để gặp những trường hợp “lơ” quy định thế này thì nhắc nhở ngay. Vì chỉ cần chủ quan, sơ suất nhỏ thôi, hậu quả sẽ khó lường.

23h15’, chiếc xe chuyên dụng chở phiến dầm bê tông di chuyển từ bãi đúc Đông Nội tiến vào công trường trên đường Nguyễn Trãi đoạn gần Học viện An ninh. Ở đây, công tác lao dầm chuẩn bị được tiến hành. Đây cũng được coi là một công đoạn cực kỳ quan trọng,  đòi hỏi tính chính xác, độ an toàn tuyệt đối, bởi mỗi phiến dầm nặng 230 tấn, dài 32m và rộng 4,5m.

Mỗi phiến dầm được lao lắp lên trụ, ngoài hệ thống máy móc hiện đại thì cần khoảng 10 nhân công tham gia hỗ trợ, trong đó bao gồm đại diện Ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu. Để phục vụ cho việc lao lắp dầm mỗi đêm, mọi công tác chuẩn bị được tiến hành từ sáng, mỗi bộ phận một công việc được thực hiện theo chuỗi liên hoàn và yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật.

Chỉ riêng thời gian vận chuyển dầm từ bãi đúc ra công trường đã mất 45 phút/6km đường. Phải mất khoảng 1 giờ để đưa được một phiến dầm lên trụ đảm bảo an toàn và chắc chắn, chính xác tuyệt đối. Thông thường, mỗi đêm sẽ lao lắp 2 phiến dầm, vào thời gian cao điểm là 4 phiến. Hoạt động thi công sẽ diễn ra trong khoảng 4 tiếng, sau đó sẽ dừng để đảm bảo giao thông thông suốt cho các phương tiện, bắt đầu từ 2h sáng ngày hôm sau.

Tại vị trí này, dường như ai cũng hiểu được việc đảm bảo an toàn lao động quan trọng thế nào, vậy nên từ khâu trang phục vào công trường đến các thao tác thực hiện rất chuẩn chỉ. 

Một phần công trình đua ra xa hẳn hàng rào bảo vệ trên công trường đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Mất an toàn do công trình thi công nhô ra ngoài hàng rào bảo vệ

Đi từ đầu tuyến đến cuối tuyến của Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, phóng viên cũng nhận thấy rằng, còn khá nhiều vị trí, công trường đều có phần nhô ra đường (vượt qua cả hàng rào bảo vệ).  Cụ thể, hiện có 7 nhà ga thi công thiết kế phần trên thì có tới 4 nhà ga, người dân phải đi dưới cổng (một phần của công trình trên cao).

Việc này là hết sức nguy hiểm, bởi trên thực tế đã từng có vụ rơi thanh thép xuống người dân đi đường là do công trình đã vượt ra ngoài hàng rào bảo vệ. Về vấn đề này, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường sắt cho hay, do Dự án thi công trong nội đô, lại vừa thi công bên cạnh đường khai thác nên vấn đề rào hàng rào đủ để công trường nằm trọn trong một khuôn viên là rất khó khăn.

Song, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân lưu thông qua khu vực công trường, đơn vị cũng đã đề xuất lên thành phố cho phép xén mở hè đường để dịch chuyển hàng rào thi công. Nhưng đến nay vẫn chưa được đồng ý. Hiện có 3 nhà ga có thể đóng được (nghĩa là mở rộng hè đường để người dân không phải lưu thông ngay phía dưới công trình), gồm đoạn gần Đại học Quốc gia, Bến xe Hà Đông và ga Thanh Xuân 3.

Như vậy, có thể nói rằng, sau nhiều sự cố, những người làm quản lý dự án đường sắt đã chú trọng và quan tâm nhiều hơn đến công tác an toàn lao động. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những người chưa thật sự ý thức được chuyện này. Và nếu từ trong mỗi người công nhân, mỗi người giám sát, mỗi người làm công tác thi công… không tự dặn mình phải thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thì nỗi lo tai nạn sẽ khó nguôi.

Công nhân phải được phổ biến về kiến thức an toàn trước khi vào ca.

Anh Phạm Bá Tiên, kỹ sư kỹ thuật của Công ty cổ phần nhà X4, đơn vị thi công nhà ga Cát Linh cho biết: Nhằm nâng cao công tác an toàn lao động, an toàn thi công trong công trường,  tại hạng mục đơn vị anh thi công, trước khi vào làm, nhà thầu đều phải tập hợp công nhân, cán bộ kỹ thuật phổ biến về kiến thức an toàn lao động trong thời gian 30 phút, bất kể cả ca sáng và đêm.

Riêng về ban đêm, công nhân lái máy cẩu có thể do đồng hồ sinh học thay đổi nên có trường hợp buồn ngủ, phải theo dõi, giám sát kiểm tra thường xuyên. Lái cẩu thay đổi nhau, 8 tiếng/ca, trong trường hợp mệt, buồn ngủ, nhà thầu có bố trí các lái cẩu thay thế. Các thao tác kỹ thuật về lái cầu đều theo các quy trình lao động như móc cẩu như thế nào, vận hành máy móc ra sao…

“Đôi khi trong quá trình thi công, công nhân xao nhãng, sơ xuất thì vẫn xảy ra tai nạn, dù các quy trình an toàn đều được hướng dẫn và phổ biến hằng ngày”, kỹ sư Tiên nói.

Hà Nội sẽ từ chối cấp phép công trường thi công mất an toàn

 Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, sau khi nhiều vụ tai nạn liên tiếp xảy ra tại các dự án đường sắt đô thị, Sở sẽ quản chặt việc cấp phép thi công và chỉ cấp phép thi công đối với những công trường đã được liên ngành Công an - Giao thông Vận tải - Lao động, Thương binh và Xã hội của Hà Nội rà soát, kiểm tra, đánh giá là đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, Sở sẽ từ chối cấp phép thi công đối với các công trường thi công ẩu, mất an toàn và gây ra các vụ tai nạn. (Đặng Nhật)

Phạm Huyền
.
.
.