8 cầu vượt sông tại Hà Nội xuống cấp vẫn chờ tiền sửa chữa

Thứ Ba, 04/07/2017, 09:59
Cầu Chiếc (lý trình Km8+255), án ngữ con đường huyết mạch TL427 nối QL21B (Thanh Oai) với QL1 (Thường Tín), được xây dựng từ năm 1999, tải trọng tối đa 10 tấn; năm 2010 đã phải gia cường mặt cầu bằng tấm đan sắt thép do xuống cấp trầm trọng.

Để đảm bảo an toàn, đơn vị quản lý cũng đã lắp barie hạn chế chiều cao tối đa (2,1m) đối với phương tiện qua cầu. Mới đây, tuyến buýt số 94 Giáp Bát - Kim Bài được đưa vào hoạt động, các xe buộc phải đi qua cầu Chiếc nhưng chiều cao lại lớn hơn 2,1m.

Vậy nên đơn vị quản lý cầu phải đánh cho mỗi xe buýt một chiếc chìa khoá mở barie; khi đến đây, phụ xe buýt phải xuống mở khoá, nâng barie cho xe qua rồi lại đóng khoá để ngăn xe tải lớn.

Ngoài cầu Chiếc, còn có 7 cây cầu khác cũng đã xuống cấp nặng, là: cầu Suối Hai 1, Km11+471, tỉnh lộ 413 (huyện Ba Vì); cầu Phú Tiên vượt sông Nông Giang, nối huyện Phú Xuyên với huyện Duy Tiên (Hà Nam); cầu Hạ Dục (huyện Chương Mỹ) bắc qua sông Bùi thuộc địa bàn 2 xã Đồng Phú và Hồng Phong; cầu Gốm (huyện Chương Mỹ); cầu Hồng Phú nối huyện Thanh Oai với huyện Phú Xuyên; cầu Phú Thứ tại Km6+680, tỉnh lộ 420, dù có vai trò kết nối các địa phương nhưng vẫn tồn tại ở dạng cầu phao dân sinh thô sơ, cũ nát; cầu Ái Mỗ, Km1+690, quốc lộ 21A (thị xã Sơn Tây) khi xây dựng lại không có vỉa hè khiến người đi bộ buộc phải đi dưới lòng đường.

Được biết từ năm 2011, Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với 34 công trình cầu vượt sông mang tính cấp bách trên địa bàn thành phố. Thế nhưng, tính đến giữa năm 2017, sau hơn 6 năm triển khai, vẫn còn 16/34 cây cầu chưa được tu sửa, thay thế; trong đó có 8 cầu kể trên.

Giám đốc Công ty Quản lý đường bộ 1 Hà Tây Phùng Tuấn Minh cho biết, trong số 8 cây cầu nêu trên thì một số là cầu được xây dựng từ thế kỷ trước, quy chuẩn kỹ thuật lạc hậu, tải trọng thấp không đảm bảo an toàn lưu thông. Những cây cầu huyết mạch này chẳng những không đảm bảo lưu thông mà còn biến thành những trở ngại lớn cho giao thông liên khu vực các huyện: Thường Tín, Thanh Oai, Ba Vì, Phú Xuyên.

Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thạch Thất Phí Đình Phùng cho biết, 8 cây cầu này đều đã có kế hoạch sửa chữa, thay thế, được các cấp chức năng phê duyệt nhưng vẫn chưa thể triển khai do chưa được bố trí vốn.

Theo tính toán, 8 cây cầu nêu trên tuy có ý nghĩa rất quan trọng với giao thông khu vực nhưng đều thuộc loại hạng mục nhỏ, vốn đầu tư từ khoảng 10 - 115 tỷ đồng/cầu. Có cầu như: Hạ Dục, Gốm, Hồng Phú, đã phê duyệt đầu tư từ năm 2012; cầu Phú Thứ phê duyệt từ năm 2013…; còn lại được đưa vào kế hoạch đầu tư từ năm 2016 tới nay.

Vào cuối tháng 6 vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã có đề nghị UBND TP Hà Nội bố trí vốn để khởi công dự án cải tạo 8 cầu yếu nói trên trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, tất cả hiện vẫn phải chờ.

Đặng Nhật
.
.
.