10 năm tới, quốc lộ cần vốn “khủng” 300.000 tỷ đồng để bảo trì

Thứ Hai, 22/10/2018, 16:19
Do thiếu nguồn vốn bảo trì nên hiện nay, trên toàn quốc đang có tới hơn 13.000km quốc lộ, chiếm 66% mạng lưới quốc lộ trên cả nước chưa được sửa chữa định kỳ, dù đã quá thời hạn. 

Do thiếu nguồn vốn bảo trì nên hiện nay, trên toàn quốc đang có tới hơn 13.000km quốc lộ, chiếm 66% mạng lưới quốc lộ trên cả nước chưa được sửa chữa định kỳ, dù đã quá thời hạn
Do thiếu nguồn vốn bảo trì nên hiện nay, trên toàn quốc đang có tới hơn 13.000km quốc lộ, chiếm 66% mạng lưới quốc lộ trên cả nước chưa được sửa chữa định kỳ, dù đã quá thời hạn


Ước tính, chỉ riêng năm 2019, nhu cầu vốn cần để sửa chữa đường đã đến trên 49.000 tỷ đồng nhưng do thiếu tiền, nhiều quốc lộ đã quá thời hạn phải bảo trì vẫn chưa được khắc phục ổ gà, ổ voi cũng như có nhiều đoạn vẫn trong tình trạng đường đất.

Theo báo cáo của của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), tính đến ngày 30-4, hệ thống quốc lộ toàn quốc có 154 tuyến, tổng chiều dài 24.598km. Tuy nhiên, hiện 16.320km đường (khoảng 66%) đã quá thời gian sửa chữa định kỳ theo quy định do thiếu nguồn vốn. Trong đó, 10.631km đường đã quá thời hạn trung tu và 5.689km đã quá thời hạn đại tu. 

Được biết, từ năm 2013, khi Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đi vào hoạt động, công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, nguồn của Quỹ còn rất hạn chế so với nhu cầu tối thiểu của công tác bảo trì hệ thống quốc lộ. Tính đến thời điểm hiện tại, năm 2018, Quỹ mới đáp ứng được 34,81% nhu cầu. Tổng kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm chiếm khoảng 1% tổng giá trị tài sản đường bộ.

Nhiều quốc lộ qua các địa bàn miền núi cần bảo trì thường xuyên do liên tục bị sạt lở vì mưa lũ. Ảnh: Vi Phong

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, thực trạng trên dẫn đến hệ quả, ngoài việc hơn 16.000 km đường quốc lộ đang quá hạn sửa chữa định kỳ (5 năm trung tu, 10 năm đại tu), ưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh cùng với tình hình mưa bão phức tạp trong thời gian vừa qua cũng đang là mối đe dọa với những cung đường này. 

Đến hết tháng 5, tốc độ tăng trưởng phương tiện ô tô đang lưu hành giai đoạn 2010-2017 là 12,48%. Mật độ phương tiện lưu thông lớn, gia tăng nhanh, nhất là khu vực gần đô thị như tuyến Quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây-TP Hồ Chí Minh tăng trưởng 34,5%; đoạn Tân An-Mỹ Thuận tăng trưởng 27,2%, đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ tăng 18,4%, đoạn Cầu Giẽ-Ninh Bình tăng trưởng 16,8%... Nhiều đoạn tuyến có lưu lượng vượt quá lưu lượng thiết kế cùng với sự gia tăng của các xe tải trọng lớn là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây xuống cấp nhanh chóng các công trình đường bộ.

Hệ thống quốc lộ còn có khoảng 40% thuộc khu vực miền núi chịu ảnh hưởng lớn của các điều kiện thời tiết, đặc biệt là mưa lũ làm sạt lở, hư hỏng công trình. Ông Huyện nhận định, một số quốc lộ đi qua khu vực đồi núi vẫn còn đoạn tuyến mặt đường đất, hiện tượng sụt trượt xảy ra nhiều nơi gây ách tắc giao thông, khi mưa lớn gây ngập sâu và lũ lụt làm phá huỷ công trình giao thông… Những sự cố này đòi hỏi kinh phí cho bảo trì rất lớn và năm sau cao hơn năm trước, quá trình xây dựng lại rất lâu và tốn kém, đặc biệt là những công trình cầu. 

Theo “Đề án xác định nhu cầu vốn bảo trì quốc lộ đến năm 2030” do Tổng cục đường bộ Việt Nam đã trình lên Bộ Giao thông vận tải mới đây, căn cứ vào khối lượng, đơn giá và trượt giá, nhu cầu vốn dành cho công tác bảo trì đường bộ giai đoạn 2019 - 2030 theo phương án cơ sở là gần 300.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2019, nhu cầu cần đến trên 49.000 tỷ đồng. Phương án này đảm bảo đến năm 2020 tất cả các hệ thống quốc lộ sẽ được sửa chữa định kỳ theo đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác thực tế cũng như nhu cầu số vốn bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải đánh giá đúng thực trạng, sát thực tế công tác bảo trì đường bộ tại từng địa phương, lấy ý kiến các địa phương để báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội. 

 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu cần rà soát lại, trong đó phải tham khảo các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng Việt Nam để có con số tổng quan, rõ ràng về cách tính thời gian trung tu, đại tu đường phù hợp với điều kiện Việt Nam. 




N.Yến
.
.
.