Thưởng lãm tác phẩm mỹ thuật online mùa dịch COVID-19

Thứ Bảy, 04/04/2020, 16:41
Các hoạ sĩ vẽ tranh cổ động luôn là người đi đầu phản ánh đời sống xã hội bằng ngôn ngữ đồ hoạ cô đọng, súc tích, tác động mạnh mẽ đến người xem...


Ngày 4/4, Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, để vừa đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, vừa góp phần quảng bá, phát huy giá trị của các tác phẩm mỹ thuật, hiện vật được lưu trữ tại Bảo tàng, đơn vị sẽ đẩy mạnh “trưng bày” trực tuyến. Trước tiên là chùm tranh cổ động sáng tác trong giai đoạn 1967 -1978.

Tranh cổ động “Theo bước Hai Bà Trưng quét sạch thù xâm lược” năm 1978 

Tranh cổ động là thể loại xung kích của mỹ thuật nước nhà trước những sự kiện chính trị, những vấn đề thời sự của đất nước. Các hoạ sĩ vẽ tranh cổ động luôn là người đi đầu phản ánh đời sống xã hội bằng ngôn ngữ đồ hoạ cô đọng, súc tích, tác động mạnh mẽ đến người xem, khích lệ toàn quân, toàn dân tham gia kháng chiến, thi đua lao động sản xuất để phục vụ cách mạng. 

Hiện tại, Bảo tàng đang bảo quản hàng nghìn tranh cổ động được sáng tác qua nhiều thời kỳ khác nhau. Đây là kho tư liệu quý, không chỉ phản ánh lịch sử hào hùng của dân tộc mà ý nghĩa của nó còn gắn bó chặt chẽ với thời cuộc, góp phần động viên, khích lệ tinh thần lao động, chiến đấu của quân và dân ta trong những giai đoạn lịch sử, thời điểm, sự kiện trọng đại của đất nước.

Tranh cổ động “Đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu” năm 1968

Tuy nhiên, trong đợt trưng bày lần này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ giới thiệu một số tranh cổ động tiêu biểu, cổ vũ tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng của toàn dân tộc, góp phần đánh thắng “giặc COVID-19”: “Theo bước Hai Bà Trưng quét sạch kẻ thù xâm lược” (tác giả: Phạm Văn Đôn, hoàn thiện năm 1978, chất liệu: bột màu); “Đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu” (tác giả: Đào Đức, vẽ năm 1968, chất liệu: bột màu), “Lúa nhiều thắng lợi càng to” (tác giả: Bùi Trang Toàn, chất liệu: bột màu); “Công nhân bám máy, bám lò sản xuất” (tác giả: Nguyễn Văn Thiện, sáng tác năm 1967, chất liệu: bột màu), “Chắc tay lái đưa hàng tới đích” (tác giả: Nguyễn Thụ, sáng tác năm 1967, chất liệu: bột màu), “Vinh quang được là người chiến sĩ” (tác giả: Xuân Đông, sáng tác năm 1978, chất liệu: bột màu), “Chung một ngọn cờ” (tác giả: Huỳnh Phương Đông, sáng tác năm 1976, chất liệu:bột màu).

N.Hoa
.
.
.