“Thầy và trò”: "Lộ sáng" những góc khuất của giáo dục

Thứ Hai, 16/05/2016, 20:25
Những góc khuất trong giáo dục “thầy không ra thầy, trò không ra trò” được “lôi tuột” ra sân khấu, từ chuyện mua –bán suất vào trường, đến chuyện giáo viên ăn chơi trác táng, vi phạm đạo đức người thầy...


Câu chuyện “Thầy và trò” (tác giả: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSND Ngọc Giàu) của Nhà hát kịch Việt Nam (NHKVN) vừa ra mắt tối 15-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã nhanh chóng có được sức hút với khán giả.

Không phải không có lý do khi NHKVN phải “vời” NSND Ngọc Giàu từ Sài Gòn ra Hà Nội để đạo diễn cho vở kịch được đích thân Bộ trưởng Bộ VHTTDL “đặt hàng”. Kịch bản chắc tay của một biên kịch có nghề, lại do dàn diễn viên của Nhà hát hàng đầu như NSND Lan Hương, NSƯT Trung Anh, Phương Nga, Minh Hiếu vv… thể hiện, và được một đạo diễn đã thành danh qua nhiều vở kịch ăn khách dàn dựng, đã tạo được dấu ấn riêng giữa sân khấu Thủ đô.

Câu chuyện mạnh dạn đi sâu vào những tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục, lột trần được những mánh khóe của một bộ phận giáo viên thoái hóa biến chất ra ánh sáng. Vì tin tưởng cấp dưới nên Hiệu trưởng Trung (NSƯT Trung Anh) đã giao mọi việc cho Long (Minh Hiếu), Phó Hiệu trưởng và Lan (Phương Nga), Trưởng phòng đào tạo.

Lợi dụng quyền hành trong tay, Long và Lan đã cặp kè với nhau, lợi dụng lẫn nhau rồi trở thành cặp đôi lộng quyền ở trường. Phụ trách mảng đào tạo nhưng họ lại nhận tiền của thí sinh mua điểm để vào trường, bỏ bê việc giáo dục, “biến ngôi trường thành một bãi rác” với đầy tệ nạn: Nữ sinh phá thai, nam sinh nghiện hút, đánh nhau. Thậm chí Long còn ép nữ sinh quan hệ bất chính, nếu không sẽ trù úm.

Cho đến khi Thông (Sơn Tùng) và Linh (Thanh Giang) – hai sinh viên ưu tú của trường làm đơn xin nghỉ học thì mọi chuyện mới bị vỡ lở…Khi có nguy cơ bị vạch mặt, Long và Lan đã không ngại ngần tạo ra một vụ “tai nạn” nhằm trả thù đồng nghiệp. Những người “thầy không ra thầy” này đã đánh mất niềm tin của sinh viên, thậm chí còn là mối nguy của xã hội khi chính họ đã tạo ra những thế hệ sinh viên thiếu cả kiến thức chuyên môn lẫn kiến thức làm người, khi vào trường không phải bằng năng lực mà bằng việc mua điểm.

Cảnh trong vở “Thầy và trò”.

Mang một sắc thái riêng trong dàn dựng, NSND Ngọc Giàu đã làm mới sân khấu của NHKVN qua “Thầy và trò”. Không nhiều cảnh trí phức tạp, bục bệ cầu kỳ, chỉ là những chiếc ghế có thể xoay tròn có thể “biến tấu” trong nhiều hoàn cảnh nhưng đặc biệt mang nhiều ý nghĩa.

Cảnh hiệu trưởng Trung xô đổ chiếc ghế và rồi, ông ngồi phịch trên chính chiếc ghế đã bị xô ngã đó, thực sự gây ấn tượng với khán giả. Cũng với những chiếc ghế, đạo diễn đã tạo nên một sự đoàn kết, sẻ chia khi cho 3 sinh viên ngồi lên quay vòng. Câu chuyện diễn biến không nhiều kịch tính, nhưng tốc độ nhanh, chứa đựng được nhiều thời gian, không gian và mỗi câu, mỗi hình ảnh, hành động của diễn viên đều được chọn lọc kỹ càng, cho thấy, vai trò của đạo diễn cũng như sự phối hợp ăn ý giữa diễn viên và người dàn dựng rất hiệu quả.

Vở diễn kết thúc mở và có vẻ bất ngờ, nhưng để cho người xem những suy ngẫm về câu chuyện, về “người đàn ông giấu mặt” cũng là người điều hành mọi chuyện tiêu cực ở một ngôi trường có đủ các cờ thưởng, danh hiệu đều “thật 100%” nhưng có được từ những báo cáo thành tích “láo” và chạy chọt mà nên. Thiết kế sân khấu của NSND Hoàng Song Hào tinh tế và ấn tượng cũng đã phụ trợ rất nhiều cho vở diễn.

“Thầy và trò” là một tiếng nói thẳng thắn và mạnh mẽ đối với ngành giáo dục. Câu chuyện không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi nhà trường, mà còn có ý nghĩa và ảnh hưởng xã hội: Con người sinh ra những quy định nhưng đôi khi chính con người lại không tự rèn mình trong khuôn khổ của quy định. Với ý nghĩa đó, tác phẩm mong muốn sẽ mang lại đóng góp tích cực cho ngành giáo dục, như một tiếng nói nho nhỏ vào sự nghiệp trồng người, để từ đó, nhìn nhận và rút kinh nghiệm để vững vàng và trong sáng hơn.
Thanh Hằng
.
.
.