Điện ảnh Việt vẫn chật vật vì... công nghệ

Thứ Hai, 04/11/2019, 07:51
Với đà tăng trưởng mạnh, tốc độ trung bình là 20 đến 25%/năm, điện ảnh Việt Nam đang được kỳ vọng có thêm nhiều “kỷ lục” phát triển khác trong tương lai gần. Trong đó, những thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 giống như “chiếc gậy vạn năng”, tác động mạnh mẽ vào quá trình phát triển của công nghiệp điện ảnh Việt. Nhưng, thực tế không hẳn như vậy.


Chuyên gia, đạo diễn kỹ xảo - hậu kỳ tại Hãng Phim truyện Việt Nam, ông Bùi Hoài Thanh phân tích: Với cách mạng 4.0, điện ảnh đã có sự chuyển mình “ngoạn mục”. Nhưng đó là với công nghệ điện ảnh thế giới. Nhiều năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam đã cố gắng để bắt nhịp theo, trong đó, quy trình sản xuất phim số hóa từ khâu tiền kỳ đến hậu kỳ đã có thành công.

Từ năm 2010, nhiều phim được thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số ra đời. Phim “Mùi cỏ cháy” của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, tác phẩm từng đạt giải Bông sen bạc, Cánh diều vàng năm 2010 là phim cuối cùng được quay bằng chất liệu phim nhựa 35mm và ít ai biết phim đã được ứng dụng kỹ xảo công nghệ số trong các cảnh quay dưới nước.

Năm 2012, phim “Những người viết huyền thoại” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng – tác phẩm đạt giải Bông sen vàng đã được sản xuất hoàn toàn bằng kỹ thuật số và được khán giả yêu thích. Đến nay, sản xuất phim kỹ thuật số là chuyện bình thường, bắt buộc với người làm điện ảnh Việt.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn quan niệm công việc thực hiện kỹ xảo trong phim là đơn giản. Đội ngũ đạo diễn kỹ xảo, hậu kỳ vẫn chỉ được coi là bộ phận kỹ thuật thuần túy, trong khi thực tế, họ là những nghệ sĩ thực thụ. Kỹ xảo ở phim Việt Nam vẫn chỉ là mơ hồ, chưa được đánh giá đúng như vai trò thực tế.

Thạc sĩ Nguyễn Lâm Tuấn Anh, cán bộ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhận định: Sự phát triển nhanh và mạnh của công nghệ sản xuất, chiếu phim, lưu trữ trong điện ảnh trên nền tảng số là cơ hội song cũng là thách thức, đòi hỏi nền điện ảnh dân tộc phải đầu tư, tìm ra con đường đi của mình trên nền tảng văn hóa dân tộc.

Phim “Cô Ba Sài Gòn” từng là tâm điểm chú ý khi vừa phát hành đã bị người xem livestream để phát tán trên mạng xã hội.

Thống kê cho thấy, năm 2018, Việt Nam có 500 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh sản xuất phim nhưng thực tế chỉ có từ 15 đến 20 doanh nghiệp sản xuất phim chiếu rạp, số còn lại chủ yếu sản xuất các chương trình truyền hình, quảng cáo. Thiết bị kỹ thuật và công nghệ sản xuất, chiếu phim lạc hậu và tụt hậu.

Số lượng phòng chiếu tăng gấp 10 lần so với năm 2009, doanh thu phim đạt 3.500 tỷ đồng nhưng chủ yếu là thuộc về thành phần kinh tế tư nhân, trong đó, phần lớn là công ty nước ngoài. Các công ty này chủ yếu nhập phim về phát hành và hầu hết là nhập phim giải trí, thương mại, ít nhập phim nghệ thuật. Hệ thống rạp do nhà nước quản lý xuống cấp trầm trọng, công nghệ thiết bị chiếu phim lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu chiếu phim và nhu cầu thưởng thức của khán giả. Hoạt động chiếu phim lưu động cũng gặp khó khăn do trang thiết bị kỹ thuật máy chiếu lạc hậu.

Chưa kể, điện ảnh ở địa phương đang gặp nhiều khó khăn vì Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, Trung tâm điện ảnh bị “xóa sổ” hoặc sáp nhập với cơ sở văn hóa khác. Hiện nay, cả nước có 14 Trung tâm điện ảnh, Trung tâm phát hành và chiếu bóng không có rạp chiếu phim.

Đại diện Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, ông Nguyễn Mạnh Cường cũng cho biết, việc thế giới chuyển đổi công nghệ quá nhanh từ phim nhựa sang phim số khiến cho một loạt máy chiếu phim nhựa đang còn dùng rất tốt phải xếp kho vì không có phim để chiếu.

Chưa kể, công nghệ chiếu phim số là một công nghệ mới nên bắt buộc các đơn vị phải bồi dưỡng, đào tạo lại cho các kỹ thuật viên máy chiếu. Những người trẻ, có năng lực nắm bắt nhanh nhưng kỹ thuật viên có tuổi, được đào tạo theo kỹ thuật cũ sẽ chậm nắm bắt công nghệ mới dẫn đến những nhầm lẫn, sai sót.

Đôi khi, chỉ một thao tác sai đã gây ra lỗi làm cả hệ thống, cơ sở dữ liệu bị mất, gây ảnh hưởng đến công việc bán vé, chiếu phim, tuyên truyền quảng cáo. Với công nghệ số, tin tặc rất dễ xâm nhập, phá hoại, làm tê liệt hệ thống hoặc ăn cắp thông tin, ăn cắp tiền trong các giao dịch với khách hàng.

Khẳng định công nghệ số là “xương sống” cho công nghệ sản xuất phim thời 4.0, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Đỗ Duy Anh còn chỉ ra rằng, phương tiện truyền tải tác phẩm điện ảnh hiện nay không chỉ bó hẹp trong rạp mà trải ra 3 loại màn hình: Màn hình lớn để tập trung đông người xem, như hệ thống rạp chiếu; màn hình phục vụ gia đình, một nhóm người xem như tivi, máy tính bàn; màn hình phục vụ cá nhân như máy tính xách tay, điện thoại thông minh…

Ba loại màn hình này đòi hỏi những bản phim có kỹ thuật khác nhau mà phim Việt phải đáp ứng được. Việc áp dụng công nghệ số trong phát hành phim, có thể truyền trực tiếp từ nhà sản xuất đến cơ sở chiếu phim thông qua vệ tinh, việc số hóa để bảo vệ bản quyền là những thách thức với người làm phim Việt.

Để giải quyết các vướng mắc nói trên, theo ông Đỗ Duy Anh, Nhà nước cần hoạch định chiến lược phát triển điện ảnh phù hợp, trong đó xác định từng bước cụ thể như xây dựng nền tảng dữ liệu số hóa toàn bộ quá trình sản xuất, phát hành, phổ biến phim; xây dựng cơ sở cung cấp dịch vụ kỹ thuật số, bản quyền tác giả; cải tiến hoặc xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo phù hợp với sự phát triển của công nghệ điện ảnh…

Thạc sĩ Nguyễn Lâm Tuấn Anh cũng khẳng định, để phát triển điện ảnh Việt Nam trong thời 4.0, cần có thêm nhiều giải pháp về chính sách như: Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo cơ chế khuyến khích đầu tư hợp tác nước ngoài, thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân, chú trọng đầu tư phát triển sản xuất phim trong nước, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là các thành phần sáng tác, sản xuất phim, chyên gia kỹ thuật và cải thiện chế độ kiểm duyệt phim, tăng cường hiệu quả bảo hộ quyền tác giả và bản quyền sở hữu tác phẩm điện ảnh.

N.Nguyễn
.
.
.