Đêm “Nguyệt hạ”, tiếng hát lênh đênh và những khuôn hình đẹp

Thứ Hai, 18/07/2016, 15:54
Sau "một cơn yêu dấu", Giang Trang, Thư Hương, Lê Thu và Phi Phi Anh cùng nhau bước vào vùng "nguyệt hạ" trong một đêm mùa hạ nóng nực giữa tháng Bảy.

Tối qua (17-7), khán giả của L’Espace gần như bị hút vào sân khấu sắp đặt nhuốm màu thị giác của Phi Phi Anh trong đêm “Nguyệt Hạ”. Sân khấu qua bàn tay dàn dựng của đạo diễn “Đêm hè sau cuối” với ánh trăng lúc mờ lúc tỏ được treo lơ lửng trên cao, gợi một trường liên tưởng đầy mạnh mẽ đến mảnh trăng hao gầy trong “Cũng sẽ chìm trôi”: “Nhật nguyệt í a trên cao/ Ta ngồi ôi à dưới thấp”…

Và dưới ánh trăng soi tỏ “trái sầu rực rỡ” của đời sống này, những người nghệ sỹ ngồi dưới, trầm mặc, cô liêu, lặng lẽ trong căn phòng nhỏ, có tiếng chim hót, có mưa rơi và những đồ vật biểu thị năm tháng đi qua gần như tối giản ấy.

Không gian "Nguyệt hạ" nhuốm màu thị giác trong tưởng tượng của đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh.

Nếu trong “Hạ huyền 2”, tiếng sáo Lê Thư Hương, đàn tranh Vân Mai, piano Trọng Kiều và giọng hát Giang Trang hòa vọng vào nhau (hay nói cách khác là bị nhòe vào nhau) thì trong vùng “Nguyệt hạ” lần này, tiếng sáo Lê Thư Hương là một nhân vật, cây guitar cổ điển Lê Thu là một nhân vật, giọng hát của người đàn bà “trồng cỏ sau vườn, vãi hoa đầy đất” Giang Trang là một nhân vật. Mỗi người cất tiếng trong vùng cảm nhận của mình, người này chờ người kia cùng nhau “tam tấu” 12 sáng tác của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Sân khấu L’Espace không còn một chỗ trống trong đêm “Nguyệt Hạ”. Khán giả im lặng, chờ đợi và bị cuốn hoàn toàn vào thứ ánh sáng lúc rực rỡ, lúc hiu quạnh đó; bị cuốn vào “những tiếng hát lênh đênh” của ba người đàn bà mà mỗi người đều hiện lên trong đó một khuôn hình đẹp đó.

Giang Trang luôn nhận mình là một người nghiệp dư hát Trịnh.

Khác với những đêm nhạc trước, Giang Trang nói đêm nhạc trở lại này sẽ đề cao “tính nhạc”. Vì vậy khán giả dễ dàng nhận ra trên sân khấu “Nguyệt Hạ” tối qua, không có ai là nhân vật chính và cũng không có ai là nhân vật phụ. Tất cả đều bình đẳng trong âm nhạc của người nhạc sỹ họ Trịnh.

Giang Trang với dáng ngồi cô liêu cất lên giọng hát mảnh, nhẹ nhưng trầm mặc như đang trò chuyện. Tiếng hát Giang Trang đối thoại cùng tiếng sáo Thư Hương và tiếng  guitar cổ điển của Lê Thu. Tất cả hòa hòa trong thứ ánh sáng thi vị, bảng lảng, sương khói. Bản radio ca khúc "Dis, quand reviendras-tu?" (Hãy nói đi, khi nào anh sẽ quay về?) của ca sỹ nổi tiếng người Pháp Barbara vang giữa quãng lặng như một kết nối đồng điệu.

Trong lần trở lại này, Giang Trang có đưa vào một số ca khúc cũ mà cô từng hát nhưng được thể hiện với một tinh thần mới. Cũng có ca khúc lần đầu tiên Giang Trang hát, ví dụ như “Em còn nhớ hay em đã quên”. Có ca khúc trước đây Trịnh Vĩnh Trinh với tiếng hát gọi nắng của mình gần như đóng đinh trong lòng công chúng, chẳng hạn như “Cho đời chút ơn” thì bản phối ca khúc này trong đêm “Nguyệt Hạ” gợi cảm xúc tươi mới, nhịp nhàng và đầy thú vị.

Trong "Nguyệt Hạ", không có ai là nhân vât chính, không có ai là nhân vật phụ. Tất cả hòa vào nhau.

15 năm trước, cũng là một đêm hè tháng 7 như thế này, Giang Trang đã cầm micro hát lên những tiếng hát đầu tiên của ca khúc “Diễm xưa” tại quán Nhạc Tranh. Để rồi từ đó, thứ âm nhạc hòa ái của Trịnh Công Sơn ngày một đầy lên trong lòng. Và rồi, chúng ta có “Hạ Huyền 1”, “Lênh đênh nhớ phố”, “Chiều qua vẫn qua”, “Hạ Huyền 2” và rồi bây giờ là “Nguyệt Hạ”. “Nguyệt Hạ” chính là một tiếp nối tinh thần âm nhạc Trịnh Công Sơn theo cách chơi đầy lênh đênh, đầy phiêu bạt của cô gái thuộc thế hệ sinh sau năm 1975 này.

Đêm “Nguyệt Hạ” có lẽ sẽ hoàn chỉnh hơn nếu như không có một vài sự cố về âm thanh ở mười mấy phút đầu. Nhưng như cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng nhắn nhủ trong sáng tác của mình, cuộc sống có cái gì là tròn vẹn đâu. Ông Trịnh Công Sơn vẫn thường nói “Thôi kệ” với những lần buồn vui vô thường đã đến, đã đi trong đời.

Trịnh Công Sơn “thôi kệ”. Giang Trang cũng “thôi kệ”. Còn khán giả lại tò mò, sau “Nguyệt Hạ”, bao giờ Giang Trang sẽ làm đêm nhạc tiếp nối mang tên “Hạ huyền 3”? Chắc tùy duyên vậy!

Đậu Dung
.
.
.