Về đâu, phim remake Việt?

Thứ Hai, 29/10/2018, 09:00
Vài năm trở lại đây, các bộ phim Việt hóa (hay còn gọi là phim remake - làm lại từ phim khác đã phát hành trước đó) xuất hiện với tần suất dày đặc trên truyền hình lẫn màn bạc. Bàn tán sôi nổi nhất mới đây là bộ phim "Hậu duệ mặt trời" phiên bản Việt. Bộ phim này không chỉ làm theo kịch bản mà còn sao y hình thức "quay đến đâu, chiếu đến đó" của truyền hình xứ kim chi.


"Hậu duệ mặt trời" phiên bản Việt chưa thực thuyết phục khán giả vì còn nhiều "sạn"

"Hậu duệ mặt trời" là phim truyền hình nổi đình nổi đám của Hàn Quốc năm 2017. Hai ngôi sao Song Joong Ki và Song Hyo Kyo đưa bộ phim làm mưa làm gió khắp châu Á. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngay khi phim kết thúc, ở Việt Nam đã rục rịch thông tin làm lại bộ phim này. Khán  giả hồi hộp mong chờ lẫn lo âu nghi ngại bởi bản gốc đã quá tuyệt vời. 

Khi phiên bản Việt lên sóng đầu tháng 10 này, dàn diễn viên tuy được khen ngợi ngoại hình nhưng cách diễn xuất lẫn các tình tiết đều chưa ép phê, thậm chí là nhiều "sạn". Tuy nhiên, phim vẫn được công chúng theo dõi chi tiết và bàn tán sôi nổi, nhất là khi hình ảnh người quân nhân Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được tái hiện đầy khí phách, can trường trên màn ảnh.

"Hậu duệ mặt trời" phiên bản Việt chưa thực thuyết phục khán giả vì còn nhiều "sạn".

Khái niệm phim remake không quá xa lạ với khán giả Việt. Giai đoạn từ năm 2003 - 2010, các phim truyền hình như "Anh em nhà bác sĩ", "Ngôi nhà hạnh phúc", "Người mẫu" (Hàn Quốc), "Cô gái xấu xí" (Colombia)… ồ ạt đổ bộ giúp khán giả biết tới những phim ăn khách nước ngoài được Việt hóa. Tuy nhiên, các phim này không để lại nhiều tiếng vang, thậm chí rất nhiều trong số đó là thảm họa. 

Thời điểm ấy, người ta ngán ngẩm mỗi khi nghe nhắc tới một dự án phim Việt hóa mới. Chỉ đến năm 2017, "Sống chung với mẹ chồng", "Người phán xử" mới thực sự khiến dòng phim remake trên truyền hình được chấp nhận.

Phải đến năm 2015, phim remake "Em là bà nội của anh" (làm lại "Miss Granny" Hàn Quốc) của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh mới gặt hái thành công rực rỡ, vượt qua mốc 100 tỷ đồng doanh thu. Thậm chí, sang Việt Nam giao lưu, đạo diễn và các diễn viên xứ Hàn đều thừa nhận bản Việt hay hơn hẳn bản gốc. 

Sự bứt phá của "Em là bà nội của anh" khiến phim remake trở thành trào lưu bùng nổ trên màn ảnh rộng. Những tác phẩm được quảng cáo rùm beng nhất phải kể đến "Sắc đẹp ngàn cân", "Bạn gái tôi là sếp", "Mối tình đầu của tôi", "Yêu em bất chấp", "Ông ngoại tuổi 30"… Đa phần các phim làm lại đều lấy kịch bản từ Thái Lan, Hàn Quốc vì sự tương đồng văn hóa.

Giữa tình hình phim Việt đang phát triển rầm rộ, số lượng không ngừng tăng và cạnh tranh khốc liệt thì kịch bản trở thành vấn đề sống còn cấp bách. Số lượng nhiều nhưng chất lượng kịch bản thuần Việt đa số là từ trung bình đến thảm họa, hiếm hoi lắm mới có một kịch bản tạm được. 

Đạo diễn Việt Linh ví von điện ảnh Việt giống như giao thông. "Chúng ta có ô tô, máy bay hiện đại. Thế nhưng thiếu kịch bản không khác gì chúng ta đang di chuyển bằng những phương tiện tối tân trên nhưng lại không có bản đồ. Nên chúng ta cứ đi lạc hoài và loay hoay không tìm được lối ra".

Trong cơn khát đó, "mượn đỡ" phim nước ngoài trở thành lối thoát khá an toàn vì kịch bản đã được thẩm định chất lượng, độ hút khách đã được kiểm chứng. Tuy nhiên, lợi thế đó cũng chính là thách thức mà các phim remake phải vượt qua. Bởi xem phim remake, khán giả luôn có tâm lý so sánh với bản gốc. Có những cái bĩu môi "phán" rằng: phim remake chỉ là phim "ăn theo" nên "không tốn nhiều công sáng tạo".

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng, trào lưu làm phim remake là trào lưu chung của thế giới nên nhà sản xuất không có gì phải xấu hổ. Ngay cả những kinh đô điện ảnh lớn như Hollywood, Trung Quốc… vẫn làm lại những bộ phim hay của nước khác dù họ không thiếu kịch bản tốt. Cái chính yếu là họ muốn tiết kiệm thời gian đầu tư nhưng vẫn đạt hiệu quả cao bởi kinh doanh điện ảnh là cuộc chơi đầy rủi ro, người ta phải tính đến bài toán an toàn. Với điện ảnh Việt, nó không chỉ là lối thoát cho cơn bí bách kịch bản mà còn giúp khán giả có thêm món ăn tinh thần mới lạ, hấp dẫn…

Theo Phan Gia Nhật Linh, một trong những điều quan trọng nhất khi làm phim, chính là bạn phải trả lời được câu hỏi "Bộ phim này nó nói về cái gì" và "Tại sao bạn muốn làm bộ phim này?". Anh phân tích: "Tôi nghĩ rằng, có những phim remake cố gắng bắt chước cho giống phiên bản gốc. Và có những phim remake cố gắng làm sao cho khác phiên bản gốc. Và dù cách nào thì cũng là sai lầm trong cách tiếp cận ngay từ đầu. Lẽ ra mọi "cố gắng" không nên đặt vào việc so sánh với phiên bản gốc mà phải đặt vào việc "làm sao để làm một bộ phim hay".

Khâu "làm sao để làm một bộ phim hay" rõ ràng phụ thuộc vào khả năng Việt hóa, "thêm mắm dặm muối" của biên kịch và đạo diễn, phụ thuộc vào khả năng diễn xuất của diễn viên. Những điều này nghe qua có vẻ đơn giản nhưng để làm được là cả một vấn đề. 

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cho rằng phim remake cũng như con tắc kè, nó vẫn là con tắc kè nhưng nó cần đổi màu để thích ứng với công chúng ở đó. Nếu không sẽ mang tiếng lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Điểm này buộc phim remake phải có sự sáng tạo riêng từ bối cảnh, lời thoại, tình huống… và sự sáng tạo đó phải lắp ghép logic với đường dây kịch bản gốc.

Nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương cho biết đa số phim remake gây khó chịu cho khán giả là do nhà làm phim bê nguyên xi kịch bản của nước ngoài mà không có sự thay đổi để phù hợp với văn hóa Việt. 

Đàn bà con gái túm tụm dốc chai bia, chai rượu ừng ực khi có chuyện buồn, ăn nói to tiếng bỗ bã, trừng mắt quát oang oang là kiểu bắt chước văn hóa Hàn Quốc. Các món ăn cũng bị thay bằng món Hàn, món Tây chứ không thấy bóng dáng món Việt đâu. 

"Sắc đẹp ngàn cân" thất bại vì người ta cảm thấy TP Hồ Chí Minh trở thành một Seoul thu nhỏ từ góc phố, quán ăn đến phương tiện di chuyển. Riêng các phim nổi tiếng của Mỹ thì những yếu tố như sự cởi mở tình dục gây khó khăn khi Việt hóa. "Glee Việt Nam" trở thành thảm họa vì vấp phải điểm "chết người" này.

"Tháng năm rực rỡ" là một trong số ít phim remake gặt hái thành công.
"Glee Việt Nam" là bộ phim remake thảm bại vì có nhiều yếu tố văn hóa Âu Mỹ không phù hợp với khán giả Việt.

Đi tìm thành công của "Em là bà nội của anh" và "Tháng năm rực rỡ", dễ dàng nhận thấy, đó là yếu tố sáng tạo thuần Việt dựa trên sườn nền kịch bản gốc quá xuất sắc.  

"Tháng năm rực rỡ" đạt mốc doanh thu cao, liên tục tạo được hiệu ứng nhờ dàn diễn viên đa tài, xinh đẹp cộng với sự Việt hóa khá chắc tay và thuyết phục của nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân. Seoul, Hàn Quốc những năm 1980 được ông chuyển biến tài tình thành Đà Lạt, Việt Nam vào quãng thời gian 1974- 1975. Phong trào đấu tranh dân chủ của sinh viên Hàn Quốc được chuyển thành phong trào đấu tranh tự do - dân chủ của sinh viên dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa.  

Trong "Em là bà nội của anh", món canh kim chi biến thành bún bò Huế. Những bài hát thuần Việt như "Diễm xưa", "60 năm cuộc đời", "Ô mê ly", "Còn tuổi nào cho em", "Ca dao mẹ"… được sử dụng vô cùng tinh tế, đẩy cảm xúc lên cao trào.

Nhà nghiên cứu điện ảnh Đào Lê Na cho rằng phim remake vốn thuộc dòng tác phẩm cải biên (tức sáng tác lại). Bởi nó không đơn thuần làm lại y chang bản gốc mà có yếu tố sáng tạo riêng của ekip mới. Tuy nhiên, do phim remake không thay đổi về hình thức thể loại nên sự sáng tạo của nó không nhiều như phim cải biên từ kịch, văn học... 

Thành công với "Tháng năm rực rỡ" nhưng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vẫn thấy tự ái vì mình chỉ là người bám víu vào những cái có sẵn, chứ không phải là một tác phẩm mang bản sắc riêng mình. Nhất là khi nó thuộc phim điện ảnh - nơi nghệ thuật thứ bảy thể hiện đỉnh cao sáng tạo.

Cùng quan điểm, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân thừa nhận: "Đúng là khi nhà biên kịch được mời tham dự làm phim remake, công việc của họ rất nhàn nhã, chỉ việc dựa vào đường dây, vào nhân vật của người ta. Sự sáng tạo của mình có nhưng không nhiều. Do đó, khi phim remake chiếm thế thượng phong ở phòng vé, nhà biên kịch trong nước dễ bị tự ái. Tuy nhiên, chúng ta đừng quá lo lắng về tương lai điện ảnh Việt khi phim remake áp đảo. Tôi cho rằng thị trường sẽ là nơi đào thải khắc nghiệt nhất. Nếu bản remake tồi thì nó sẽ bị khán giả tẩy chay, thờ ơ như rất nhiều phim truyền hình từng hứng chịu. Còn nếu nó hay, hút khách thì rất đáng được khen ngợi".

Cũng theo nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, nhờ làm phim remake, người viết kịch bản như ông học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thú vị. Bởi những phim mà ta mua kịch bản đều là phim xuất sắc. Chẳng hạn khi tham gia sửa lại kịch bản remake phim "Tháng năm rực rỡ", ông thầm thán phục cách chuyển cảnh từ hiện tại về quá khứ của nhà làm phim Hàn Quốc rất mới lạ, sáng tạo. Chính vì tiếp thu những điều hay đó, nếu là một nhà biên kịch giàu lòng tự trọng, họ sẽ được lửa nghề thúc giục để làm nên một kịch bản đậm tính thuần Việt.

Mai Quỳnh Nga
.
.
.