Khám phá công nghệ “sản xuất sao” của Hàn Quốc

Thứ Tư, 23/08/2017, 14:16
Lần thứ 2 trở lại Hàn Quốc trong một chương trình trải nghiệm văn hóa của các nhà báo ASEAN, tôi đã có dịp “mục sở thị” công nghệ “sản xuất sao” của xứ sở kim chi. Để cho ra đời những girl band, boy band hoặc các siêu sao màn bạc lấy đi bao nước mắt và nụ cười của khán giả trong các series phim truyền hình, Hàn Quốc đã phải tạo nên một quy trình đào tạo chuẩn chỉ và khắt khe đến không ngờ.

Có thể nói rằng, cơn sốt hallyu (một thuật ngữ liên quan đến làn sóng Hàn Quốc bao gồm K-POP, phim truyền hình, điện ảnh, thời trang, ẩm thực và làm đẹp) đang ngày càng bùng nổ ở khắp châu Á và trên thế giới. Thành công của nó không chỉ tạo ảnh hưởng đáng kể cho Hàn Quốc trong làng văn hóa thế giới mà còn làm tăng thêm những phát triển vượt bậc về kinh tế.

Trong một tuần lưu lại Hàn Quốc, chúng tôi được các chuyên viên và nhóm hướng dẫn của Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đưa đi khắp nơi, đặc biệt là thăm Viện nghiên cứu Vua Sejong, Trung tâm thương mại “sao” Hàn và các lò đào tạo ngôi sao. Cô bạn Hoomi, hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi cho biết, kể từ khi sự nổi tiếng của K-POP và các bộ phim truyền hình Hàn Quốc bắt đầu bùng nổ vào cuối những năm 1990, chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế văn hoá Hàn Quốc, trong đó có việc đưa ra một quỹ đầu tư trị giá 1 tỷ USD để hỗ trợ ngành công nghiệp POP năm 2005.

Một buổi tập của K-POP của các học viên nước ngoài tại Sinsa-dong, Seoul. Ảnh: Thu Phương.

Đến nay, Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 5,2 tỷ USD hoặc 1,4% GDP vào văn hóa và truyền thông với mục tiêu tăng thêm thành 7,8 tỷ USD hay 2% GDP vào năm tài khóa 2017-2018.

Để các nhà báo ASEAN chúng tôi hiểu rõ hơn về chiến lược này, Hoomi đã đưa chúng tôi đến tham quan Viện Nghiên cứu Vua Sejong. Viện này có 143 trung tâm ở 57 quốc gia và chính là nơi giảng dạy, truyền bá ngôn ngữ, văn hóa và làn sóng hallyu ra nước ngoài.

Đi bộ từ  Viện Nghiên cứu Vua Sejong, chúng tôi tới Sinsa-dong, nơi có một trung tâm đào tạo K-POP dành cho người Hàn Quốc và các các bạn trẻ nước ngoài. Tại đây chúng tôi được gặp hàng trăm bạn trẻ đến từ Brazil, Mexico, Uganda, Nam Phi, Bulgaria, Nga, Ukraine, Campuchia, Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran… và cả Việt Nam. Tất cả đều đang rất say sưa với những bài hát được luyện tập hoặc những điệu nhảy K-POP nổi tiếng.

Thanh, bạn trẻ Việt Nam đến từ tỉnh Sơn La cho tôi biết, em vốn là giáo viên dạy tiếng Hàn trong một trung tâm dạy tiếng Hàn ở Cầu Giấy. Trong một cuộc thi hùng biện tiếng Hàn ở các trường đại học trên địa bàn Hà Nội, em đã giành giải nhất và nhận được tấm vé trải nghiệm K-POP ở Hàn Quốc trong 10 ngày. Thanh kể rằng, em mới sang Hàn Quốc được 5 ngày và thực sự bị cuốn hút bởi cách thức đào tạo ở đây.

Các bạn cùng lớp học nhảy của Thanh đến từ nhiều nước như Hà Lan, CH Czech, Pháp, Đức mỗi ngày đều dành ít nhất 8 tiếng để luyện tập. Sáng họ bắt đầu tập từ 9h và chỉ nghỉ trưa có 1 tiếng rồi sau đó luyện tập đến 8h tối. Cũng theo lời Thanh thì các giáo viên người Hàn Quốc tại trung tâm rất khắt khe trong quá trình luyện tập của học viên.

Họ nói rằng, đối với học viên nước ngoài đang trong quá trình học trải nghiệm thì lịch luyện tập đã được cắt ngắn và giảm tải đi rất nhiều. Còn đối với người bản xứ, nhất là các bạn trẻ muốn theo đuổi giấc mơ K-POP thì phải luyện tập nhiều hơn nữa.

Lý giải rõ hơn cho chúng tôi về vấn đề này, Tổng Thư ký Uỷ ban Du lịch Hàn Quốc Han Kyung Ah cho biết, hallyu được dùng làm đòn bẩy để thu hút thêm nhiều người đến Hàn Quốc. Năm 2016, khách đến từ Trung Quốc tới Hàn Quốc đã gần chạm mốc 6 triệu lượt người, tiếp đó là Nhật Bản với 1,8 triệu lượt… Đáng chú ý là lượng khách du lịch đến từ các châu lục khác như Trung Đông và Mỹ ngày càng gia tăng.

Các trung tâm đào tạo ngôi sao ở Hàn Quốc thường có một chương trình đào tạo khắc khe và khắc nghiệt. Ảnh: Reuters.

Phần lớn trong số họ đến là để gia nhập các trung tâm dạy K-POP hoặc đào tạo ngôi sao. Như ở Sinsa-dong, các bạn trẻ như Thanh nếu sau khi kết thúc chương trình học bổng mà có nhu cầu quay trở lại học tiếp, trung tâm sẵn sàng tiếp đón và hỗ trợ mức học phí hợp lý.

Bà Han Kyung Ah cho biết thêm, các công ty truyền thông ở Hàn Quốc bao gồm S.M.Entertainment, JYP Entertainment và CJ E & M Corporation đã được công nhận là có khả năng sản xuất ra các ngôi sao, tạo ra nội dung hấp dẫn và những video âm nhạc xuất sắc.

Đằng sau ánh hào quang của sự thành công trên sân khấu K-POP là một quá trình đào tạo còn khắc nghiệt hơn cả kỳ nghĩa vụ quân sự. Và Sinsa-dong, nơi chúng tôi đã đến chỉ là một trung tâm đào tạo diện rộng (tức là mở cho tất cả mọi người). Còn đối với những bạn trẻ Hàn Quốc ôm giấc mộng trở thành ngôi sao thì ngoài việc tham gia các khóa học kiểu cộng đồng như vậy, họ phải chăm chỉ luyện tập ngày đêm để có thể lọt vào danh sách tuyển chọn của các trung tâm đào tạo ngôi sao. Tức là trước khi trải qua các kỳ thi loại trực tiếp, các bạn trẻ này có một thời gian kéo dài 1-2 năm được goi là  thực tập để được đào tạo trở thành thần tượng. Trong khoảng thời gian đó, việc tập luyện của thực tập sinh vô cùng gian khổ, không khác gì "địa ngục".

Họ không có thời gian để đi chơi, du ngoạn và thậm chí là học hành bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Học cũng phải tuân thủ theo lịch trình dày đặc từ sáng sớm cho tới tối mịt với những bài học luyện thanh, vũ đạo, ngoại ngữ và cả diễn xuất; tập luyện với cường độ dày đặc như vậy, việc bị chấn thương liên tục là không thể tránh khỏi.

Nhưng bất chấp những ngày tháng đầy khắc nghiệt trong những lò luyện sao ấy, có tới hơn 40% cô bé, cậu bé Hàn Quốc khi được hỏi đều mong muốn được tham gia để trở thành “ngôi sao” còn đối với giới trẻ nước ngoài, họ bị cuốn hút bởi làn sóng hallyu và sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn để có được cơ hội trải nghiệm lớp đào tạo sao ở Hàn Quốc.

Một điều đáng nói nữa là “tuổi thọ” của các ngôi sao ở Hàn Quốc thường rất ngắn nên vì thế, các trung tâm đào tạo ngôi sao vẫn hàng năm cho ra lò những “sao trẻ và nổi bật hơn” để thu hút công chúng.

Mỗi năm, các trung tâm đào tạo ngôi sao ở Hàn Quốc đều tổ chức thi tuyển và mỗi trung tâm chỉ lựa chọn khoảng 20 tài năng trẻ cao điểm nhất. Và thời gian rèn luyện cho mỗi một tài năng trẻ này thường mất 5 năm với mức chi phí đầu tư vào khoảng 150.000 USD-200.000 USD.

Giám đốc nhóm Quan hệ công chúng của một trung tâm đào tạo ngôi sao ở Hàn Quốc tiết lộ, Hàn Quốc có khoảng 700 trung tâm đào tạo ngôi sao. Nhưng cuộc sống trong các lò đào tạo ngôi sao không như những đứa trẻ vẫn tưởng tượng. Phần lớn các tài năng trẻ được nhận vào các trung tâm đào tạo ngôi sao ở độ tuổi 11-13 tuổi và phải chấp nhận chấp nhận sống xa gia đình suốt thời gian rèn luyện có thể kéo dài từ 6 tháng đến hàng năm.

Sông Thương
.
.
.