Tranh cãi về nguyện vọng hiến tạng của "sát thủ giết 5 người ở Bình Tân"

Thứ Tư, 11/07/2018, 19:55
Tại phiên tòa xét xử vụ án thảm sát cả gia đình 5 người ở quận Bình Tân, TP HCM mới đây, bị cáo Nguyễn Hữu Tình khi nói lời sau cùng trước khi bị tuyên án tử đã "xin được hiến tạng cho y học". Dù việc hiến tạng của tử tù không phải là vấn đề mới đặt ra nhưng nguyện vọng này của bị cáo Nguyễn Hữu Tình đã khiến dư luận có những ý kiến trái chiều.

"Tôi xin lỗi gia đình bị hại... Bị cáo xin pháp luật cho bị cáo hiến tạng cho y học để được cảm thấy thanh thản" - Nguyễn Hữu Tình nói sau khi biết mình bị đề nghị án tử hình.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM (VKS) giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử vụ án giết người và cướp tài sản này cho rằng hành vi của Nguyễn Hữu Tình là đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tính chất côn đồ, dã man, một lúc giết nhiều người, đâm nhiều lần.

Đồng thời, nhằm mục đích che giấu hành vi phạm tội, bị cáo giết những đứa trẻ vô tội, không có lỗi, dưới 16 tuổi. Sau khi thực hiện xong hành vi giết 5 người, bị cáo còn lấy đi nhiều tài sản.

VKS nhận định bị cáo không còn tính người, không thể giáo dục, cần thiết phải loại bỏ khỏi xã hội và đề nghị áp dụng hình phạt tử hình với bị cáo Nguyễn Hữu Tình về tội Giết người, 7 năm tù về tội Cướp tài sản, hình phạt chung là tử hình.

Vào năm 2009, khi thảo luận tại diễn đàn Quốc hội về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, câu hỏi có nên cho tử tù hiến xác, hiến tạng hay không đã được nhiều đại biểu nêu ra. Sở dĩ phải đặt ra vấn đề này là do thời điểm đó có một nội dung rất mới được đưa vào dự thảo luật là chuyển hình thức thi hành án tử hình từ xử bắn sang tiêm thuốc độc.

Khi ấy, các đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến khác nhau. Người thì nói nên cho phép vì đó là nguyện vọng chính đáng của người phạm tội, thể hiện họ biết quay đầu khi phải trả giá cho tội ác. Người thì phản đối vì cho rằng về tâm lý sẽ không ai chấp nhận được nếu biết một phần cơ thể mình có nguồn gốc từ một tử tù...

Năm 2010 , Luật Thi hành án hình sự được Quốc hội thông qua và nội dung trên không được đề cập đến.

Năm 2015, câu hỏi "tử tù có thể hiến xác được không?" một lần nữa được đặt ra tại hội thảo về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức. Tại hội thảo này, nhiều ý kiến tranh luận thẳng thắn, thú vị.

Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an, cho biết một số trường hợp tử tù có nguyện vọng hiến xác cho y học sử dụng vào mục đích nhân đạo nhưng do thi hành án bằng tiêm thuốc độc và pháp luật cũng chưa quy định về vấn đề này nên chưa thể đáp ứng.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tình tại phiên tòa xét xử.

Đại diện Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia cũng nói việc thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc nên nội tạng tử tù sẽ bị hỏng, kể cả có cơ sở pháp luật cũng không thể lấy mô tạng ghép cho người bệnh.

Cũng có ý kiến cho rằng người bị kết án tử hình thì phải chịu thi hành bản án nghiêm khắc của pháp luật, nhưng nguyện vọng cuối cùng của họ được hiến tặng thân xác mình để có thể phục vụ mục đích khoa học hoặc cứu sống người bệnh đang cần là nguyện vọng chính đáng, nhân văn.

Có người thì gợi ý nên chăng nghiên cứu có thêm một hình thức tử hình khác phù hợp để có thể cho phép tử tù được hiến xác, mô, bộ phận cơ thể theo tâm nguyện.

Việc bị cáo Nguyễn Hữu Tình xin được hiến tạng cho y học khi nói lời sau cùng trước khi bị tuyên án tử hình, cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Thậm chí, có người còn nặng lời cho rằng, dù có phải chết cũng không chấp nhận mang trong mình một phần cơ thể của kẻ sát nhân…

V.Cường (tổng hợp)
.
.
.