Quy định về việc cấp dưỡng cho con sau ly hôn

Thứ Tư, 13/04/2016, 10:54
Hỏi: Vợ chồng tôi chung sống với nhau trước khi kết hôn và có 1 con chung. Khi con được 1 tuổi, chúng tôi mới làm thủ tục đăng ký kết hôn và đăng ký khai sinh cho con theo quy định. Do cuộc sống chung phát sinh nhiều mâu thuẫn nên chúng tôi đang làm thủ tục ly hôn.

Tuy nhiên, chồng tôi không thừa nhận cháu bé là con của mình vì cho rằng cháu bé sinh ra trước khi chúng tôi kết hôn nên từ chối việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. Xin hỏi Quý báo, việc chồng tôi không thừa nhận con và không đồng ý cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn có được tòa án chấp nhận không? (Lê Thị Phương, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh)

Trả lời: Theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì: 1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. 2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Tại Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau: 1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. 2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. 3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Như vậy, về nguyên tắc con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng, trong trường hợp người chồng không nhận đứa trẻ là con thì phải có chứng cứ để chứng minh và phải được Tòa án có thẩm quyền xác định bằng một quyết định hoặc bản án. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con phải nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, việc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con nếu không có lý do chính đáng thì sẽ không được Tòa án chấp nhận.

Thạc sỹ, Luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật số 5- Quốc gia)
.
.
.