Quy định về chấm dứt việc giám hộ

Chủ Nhật, 27/03/2016, 07:55
Hỏi: Do vợ chồng em tôi đi lao động định cư nước ngoài nên có nhờ tôi nhận giám hộ cho đứa con trai và quản lí tài sản mà hai người để lại cho cháu. Nay cháu đã đủ 18 tuổi, xin hỏi, theo quy định, cháu tôi đã có thể nhận lại và tự quản lí số tài sản của mình không? (Vũ Minh, huyện Thanh Trì, Hà Nội)


Trả lời: Theo Điều 72 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về việc chấm dứt việc giám hộ thì việc giám hộ chấm dứt trong các trường hợp sau đây: 1. Người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; 2. Người được giám hộ chết; 3. Cha, mẹ của người được giám hộ đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; 4. Người được giám hộ được nhận làm con nuôi. Như vậy, nếu cháu bạn đã đủ 18 tuổi và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì việc giám hộ đã chấm dứt.

Căn cứ Điều 73 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về hậu quả chấm dứt việc giám hộ như sau:

1. Khi việc giám hộ chấm dứt thì trong thời hạn ba tháng, kể từ thời điểm chấm dứt việc giám hộ, người giám hộ thanh toán tài sản với người được giám hộ hoặc với cha, mẹ của người được giám hộ. Trong trường hợp người được giám hộ chết thì trong thời hạn ba tháng, kể từ thời điểm chấm dứt việc giám hộ, người giám hộ thanh toán tài sản với người thừa kế của người được giám hộ; nếu hết thời hạn đó mà chưa xác định được người thừa kế thì người giám hộ tiếp tục quản lý tài sản của người được giám hộ cho đến khi tài sản được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế và thông báo cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người được giám hộ cư trú. Việc thanh toán tài sản được thực hiện với sự giám sát của người giám sát việc giám hộ.

2. Các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch dân sự vì lợi ích của người được giám hộ được người giám hộ thực hiện như sau: a) Chuyển cho người được giám hộ khi người này đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; b) Chuyển cho cha, mẹ của người được giám hộ trong trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 72 của Bộ luật này; c) Chuyển cho người thừa kế của người được giám hộ khi người được giám hộ chết.

Thạc sỹ, luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật Số 5 – Quốc gia)
.
.
.