Xây dựng hành lang pháp lý về an ninh mạng

Quy định lưu trữ dữ liệu và đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam không trái với thông lệ quốc tế

Thứ Tư, 26/12/2018, 08:37
Quy định lưu trữ dữ liệu và đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài phản ánh chính sách quản lý nhà nước về an ninh mạng đối với các loại hình dịch vụ được cung cấp trên không gian mạng có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Theo thống kê, hiện đã có 18 quốc gia trên thế giới quy định phải lưu trữ dữ liệu trong nước như: Mỹ quy định tại Điều 9.3.15.7, hướng dẫn số 1075 cơ quan thuế vụ Mỹ; dự luật S3713, dự luật 459; Canada quy định tại Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Liên bang Nga có Luật liên bang số 152-FZ quy định về dữ liệu cá nhân có quy định việc này; Pháp quy định tại đạo luật ngăn chặn số 80-538, Luật Điện toán đám mây; Đức quy định tại Luật thuế, Đạo luật viễn thông, Luật lưu trữ dữ liệu; Trung Quốc quy định trong rất nhiều văn bản luật được ban hành từ năm 2006 đến nay như Luật An ninh mạng, Luật phòng, chống khủng bố; quy định về xuất bản trực tuyến; quy định trong ngành bảo hiểm, y tế, tín dụng, ngân hàng điện tử…

Các quốc gia khác như Indonesia, Hi Lạp, Bulgari, Đan Mạch, Phần Lan, Thuỵ Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuala, Colombia, Argentina, Brazil cũng ban hành các luật với những quy định cụ thể về lưu trữ dữ liệu và đặt văn phòng đại diện.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng phương pháp này, thậm chí còn áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn như truy tố trong phỉ báng hoàng gia (Thái Lan), phạt tiền tới 60 triệu USD (Đức), yêu cầu thành lập trung tâm giải quyết tin tức xấu độc (châu Âu), đặt trung tâm lưu trữ dữ liệu (Trung Quốc áp dụng đối với Apple), yêu cầu đặt máy chủ nếu không sẽ yêu cầu ngừng hoạt động (Nga).

Tại châu Á, nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách quản lý chặt dữ liệu quan trọng quốc gia, trong đó có Indonesia, Philippines. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài đều tuân thủ những quy định này có sự thay đổi chính sách phù hợp bởi vì thị trường mỗi quốc gia mang lại nguồn doanh thu dài hạn và nhiều hơn chi phí chấp hành quy định của quốc gia sở tại.

Tháng 3-2018, các phương tiện truyền thông quốc tế đồng loại đưa tin về vụ 87 triệu tài khoản của Facebook bị lộ và chia sẻ trái phép vì mục đích thương mại và chính trị. Ngày 30-3, vì lý do an ninh quốc gia, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lấy ý kiến về chính sách siết chặt kiểm soát nhập cư của Tổng thống Donaln Trump, yêu cầu người nhập cảnh phải cung cấp thông tin về tài khoản mạng xã hội trong vòng 5 năm gần nhất.

Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác rất quan tâm đến dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư trên mạng xã hội bao gồm cả hai khía cạnh là thu thập và bảo vệ. Dữ liệu người dùng được coi như tài sản quốc gia, giá trị mang lại từ những dữ liệu này không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, chính trị và còn là an ninh quốc gia.

Việc yêu cầu cơ quan, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên không gian mạng và sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải đặt văn phòng đại diện hoặc lưu trữ một số dữ liệu quan trọng tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ là khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, không bao gồm toàn bộ các doanh nghiệp, cũng không yêu cầu hạn chế, lưu trữ tại Việt Nam toàn bộ dữ liệu mà chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết vì lý do an ninh.

Việc lưu trữ dữ liệu người dùng và các dữ liệu quan trọng của quốc gia Việt Nam, không phải là dữ liệu nền tảng – platform nên không ảnh hưởng và cản trở việc lưu thông của “dòng chủ dữ liệu”, không tạo rào cản đối với các doanh nghiệp tham gia nền kinh tế của Việt Nam. Thực tế, một số doanh nghiệp này đã đặt tuân thủ yêu cầu của một số quốc gia trên thế giới về địa phương hoá dữ liệu.

Phạm Tấn
.
.
.