Người thi hành nhiệm vụ được nổ súng vào đối tượng đang sử dụng vũ khí thực hiện hành vi khủng bố, giết người

Thứ Năm, 13/07/2017, 08:27
Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định cụ thể về các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. 

“Người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong trường hợp đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó”, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định điều này. Các quy định trước đây bị bãi bỏ khi Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. 

Luật quy định: Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí; Tổ chức, doanh nghiệp khác khi có đủ điều kiện được tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí. 

Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát kiểm tra vũ khí quân dụng.

Theo luật, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng gồm: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cảnh sát biển, Dân quân tự vệ, Cơ yếu, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao, Kiểm lâm, Kiểm ngư, An ninh hàng không, Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan. Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng chỉ cấp cho cơ quan, đơn vị được trang bị và có thời hạn 5 năm.

Điều 23 Luật này quy định cụ thể về các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. 

Theo đó, người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong các trường hợp: Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khoẻ của người thi hành công vụ hoặc người khác;

 người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khoẻ của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang đánh tháo người bị dẫn giải, người bị giam, giữ, áp giải do phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; 

được nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thuỷ nội địa, trừ phương tiện giao thông của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế để dừng phương tiện đó trong trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; 

khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin; khi biết rõ trên phương tiện đó chở đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma tuý, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc con tin.

Điều 23 cũng quy định rõ, người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong các trường hợp: đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó; 

đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ; đối tượng đang sử dụng vũ khí vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật; 

đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Ngoài quy định đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, Luật cũng quy định rõ đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ gồm: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cảnh sát biển, Dân quân tự vệ, Cơ yếu, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao, Kiểm lâm, Kiểm ngư, An ninh hàng không, Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan; Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; 

Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh. “Người được giao vũ khí thô sơ khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ quy định tại Điều 23 của Luật này, ngoài ra được sử dụng trong trường hợp ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khoẻ của người khác; phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật”, Điều 31 nêu rõ.

Về vũ khí thể thao, Luật quy định đối tượng được trang bị gồm: Quân đội nhân dân; Công an nhân dân; Dân quân tự vệ; Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh; Cơ quan, tổ chức khác được thành lập, cấp phép hoạt động trong luyện tập, thi đấu thể thao.

“Vũ khí thể thao được sử dụng trong tập luyện, thi đấu thể thao tại trường bắn hoặc địa điểm tổ chức, được cảnh giới và có biện pháp bảo đảm an toàn, tuân thủ giáo án tập luyện, luật thi đấu và điều lệ giải”, Điều 27 quy định.

Nguyễn Hưng
.
.
.