Giới hạn pháp luật việc ghi âm, ghi hình hoạt động của CSGT khi làm nhiệm vụ

Chủ Nhật, 19/01/2020, 07:31
Người dân được phép ghi âm, ghi hình hoạt động của Cảnh sát giao thông (CSGT) khi làm nhiệm vụ - đó là nội dung đã được quy định tại Thông tư số 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Tuy nhiên, đâu là giới hạn pháp luật của việc ghi âm, ghi hình này? Ghi âm, ghi hình làm sao để không vi phạm pháp luật?

Nhằm giúp người dân hiểu rõ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng CSGT thực thi nhiệm vụ, phóng viên Báo CAND có cuộc trò chuyện với luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội xung quanh nội dung này.

Phóng viên (PV): Thưa luật sư, đây có phải là lần đầu tiên chúng ta có quy định về việc ghi âm, ghi hình, giám sát hoạt động của CSGT hay không?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Thông tư 67/2019 có hiệu lực từ ngày 15-1-2020 có thể được coi là lần đầu tiên Bộ Công an quy định chi tiết về hình thức giám sát của người dân đối với lực lượng CSGT thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật thì người dân được làm những gì pháp luật không cấm.

Ngày 23-8-2013, Cục CSGT đã có Văn bản số 2315/C67-P6 nêu rõ “Lực lượng CSGT tăng cường phối hợp cơ quan báo, đài để tuyên truyền pháp luật, các hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của CSGT; tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân tham gia xây dựng lực lượng CSGT. Trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài quay phim, chụp ảnh thì không được ngăn cản (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh). Trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài cung cấp thông tin, hình ảnh về sai phạm, tiêu cực của CSGT thì thủ trưởng đơn vị phải tiếp nhận, giải quyết và xử lý kịp thời, nghiêm túc theo đúng quy định”.

Như vậy, Văn bản số 2315 đã chính thức khẳng định một cách rõ ràng, người dân được quyền quay phim, chụp ảnh (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh) CSGT đang làm nhiệm vụ; không ai được phép ngăn cản quyền hợp pháp này của người dân.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

PV: Nhiều người cho rằng, hiệu quả nhìn thấy được của việc ghi âm, ghi hình hoạt động của CSGT khi làm nhiệm vụ là giúp phòng ngừa tiêu cực, nâng cao ý thức người thực thi pháp luật, tăng quyền giám sát của nhân dân. Luật sư đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Điều này là hoàn toàn chính xác. Ngoài việc giúp phòng ngừa tiêu cực, nâng cao ý thức trách nhiệm người thực thi pháp luật, tăng quyền giám sát của nhân dân thì còn giúp nâng cao ý chấp hành pháp luật của người dân trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. 

PV: Về việc ghi âm, ghi hình hoạt động của CSGT khi làm nhiệm vụ, Thông tư đã quy định điều kiện “Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ”. Người dân phải hiểu điều kiện này như thế nào để thực hiện, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ được hiểu là có những hành vi cản trở công vụ hoặc gây mất trật tự công cộng, làm ùn tắc giao thông. Giám sát qua ghi âm, ghi hình phải có văn hóa, không cầm máy quay, điện thoại gí sát vào CSGT hoặc có lời nói, cử chỉ lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ.

PV: Còn điều kiện “Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”, luật sư bình luận gì?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Việc ghi âm ghi hình phải được thực hiện ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT). Khu vực đảm bảo ATGT được xác định là nơi giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT và ANTT. Ví dụ, ở những nơi chăng dây, đặt cọc tiêu mà lực lượng CSGT phối hợp với các lực lượng Công an khi thực thi công vụ liên quan đến ANTT như Tổ công tác 141 hoặc những địa điểm đang xảy ra phòng chống cháy nổ, bạo động, vụ án hình sự,…

PV: Ngoài 2 điều kiện trên, luật sư có thể phân tích điều kiện “những quy định pháp luật khác có liên quan” khi người dân ghi âm, ghi hình và quan sát trực tiếp hoạt động của CSGT làm nhiệm vụ theo quy định của Thông tư?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Các quy định khác có liên quan khi ghi âm ghi hình CSGT như về địa điểm quay phim phải thực hiện theo Quyết định số 160/2004/QĐ-TTG ngày 6-4-2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định về khu vực, địa điểm cấm, gồm các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển; các khu vực công nghiệp quốc phòng, Công an; các khu quân sự, khu Công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân...

PV: Trên thực tế, trước khi Thông tư được ban hành và có hiệu lực, người dân đã tự ý ghi âm, ghi hình hoạt động của CSGT. Nhiều trường hợp gí máy quay sát mặt lực lượng CSGT, thậm chí vừa ghi hình vừa livestream. Theo quy định của Thông tư thì những hành vi như thế này có bị cấm hay không? Nếu có, sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Người dân có quyền ghi âm ghi hình CSGT công khai hoặc không công khai. Nếu ghi âm, ghi hình công khai hoặc livestream mà có hành vi gí máy quay sát mặt lực lượng CSGT làm cản trở hoạt động hoạt động thực thi nhiệm vụ thì CSGT có quyền yêu cầu chấm dứt vi phạm.

Trong trường hợp này, lực lượng chức năng có thể cưỡng chế người có hành vi vi phạm. Nếu cố tình không chấp hành, tiếp tục vi phạm thì khống chế đưa về trụ sở UBND hoặc Công an phường gần nhất để giải quyết. Tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm có thể sẽ bị xử lý bằng biện pháp hành chính về hành vi cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức theo điểm h, Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013 với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015.

PV: Đã từng xảy ra trường hợp người dân quay video clip quá trình làm việc của CSGT sau đó cắt ghép, chỉnh sửa và tung lên mạng xã hội không đúng sự thật. Luật sư cho biết, hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Người dân cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin giám sát của mình đảm bảo trung thực, khách quan, chịu trách nhiệm về việc phát tán thông tin theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người dân cố ý quay phim, chụp ảnh, ghi hình, cắt dán, chỉnh sửa, đưa ra các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc hoặc tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội nhằm vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì sẽ bị xử lý theo Luật An ninh mạng.

Tùy theo tính chất mức độ, động cơ, mục đích sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội vu khống (Điều 156 BLHS), tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 BLHS), tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331 BLHS)

PV: Luật sư có những kiến nghị gì để Thông tư đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Để Thông tư đi vào cuộc sống thì mỗi cán bộ, chiến sỹ cũng như người dân phải ý thức bản thân chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Trong xử lý vi phạm trật tự ATGT, cán bộ, chiến sĩ CSGT phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực xử lý vi phạm đúng pháp luật, kết hợp với việc hướng dẫn, giải thích, thuyết phục là chính. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với người dân trong việc chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, cũng như với các lực lượng thực thi pháp luật.

PV: Xin cảm ơn luật sư Nguyễn Anh Thơm.

Nguyễn Hương
.
.
.