Các vấn đề cần trưng cầu ý dân

Chủ Nhật, 15/05/2016, 08:10
Hỏi: Qua báo đài thông tin tôi được biết, kể từ ngày 1-7-2016, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 có hiệu lực thi hành. Xin tòa soạn cho biết, pháp luật quy định các vấn đề gì cần phải trưng cầu ý dân ? (Lê Đức Thuận, Thanh Oai - Hà Nội)


Trả lời: Theo quy định tại Điều 3 Luật Trưng cầu ý dân năm 2015: 

1. Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của Luật này. 

2. Đề nghị trưng cầu ý dân là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này đề xuất vấn đề cần trưng cầu ý dân để Quốc hội xem xét, quyết định. 

3. Phiếu trưng cầu ý dân là phiếu theo mẫu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, trong đó ghi rõ nội dung trưng cầu ý dân để sử dụng trong từng cuộc trưng cầu ý dân. 

4. Cử tri là người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật này.

Các vấn đề cần trưng cầu ý dân được quy định tại Điều 6 Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 như sau: Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau đây: 

1. Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; 

2. Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; 

3. Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; 

4. Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Như vậy, việc trưng cầu ý dân không phải lúc nào cũng được thực hiện mà chỉ khi cần lấy ý kiến nhân dân về những vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước thì Quốc hội mới tổ chức trưng cầu ý dân.

Thạc sỹ, luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật số 5 – Quốc gia)
.
.
.