11 điểm mới cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Thứ Hai, 08/01/2018, 07:39
Cùng với Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 cũng chính thức có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018.

(Tiếp theo và hết)

Sáu là, bổ sung Chương Bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự

Để cụ thể hóa các quy định liên quan đến bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự theo Hiến pháp năm 2013, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung một chương (Chương V) gồm 13 điều quy định về bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

Theo đó, bổ sung khái niệm người bào chữa; bổ sung người bị bắt thuộc đối tượng được bảo đảm quyền bào chữa; bổ sung Trợ giúp viên pháp lý có thể là người bào chữa trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý; bổ sung diện những người không được bào chữa; bổ sung các quyền, nghĩa vụ của người bào chữa; bổ sung các quy định liên quan về lựa chọn người bào chữa; chỉ định người bào chữa; thay đổi và từ chối người bào chữa; thủ tục đăng ký bào chữa; trách nhiệm thông báo cho người bào chữa; thu thập, giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến bào chữa; đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, kiến nghị khởi tố.

Bảy là, đổi mới chế định chứng cứ và chứng minh

BLTTHS năm 2015 đã có những đổi mới quan trọng khi quy định về chứng cứ và chứng minh, đó là: bổ sung cho người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ, người bị buộc tội có quyền đưa ra chứng cứ; quy định cụ thể cách thức người bào chữa thu thập chứng cứ; bổ sung và quy định cụ thể trách nhiệm, trình tự, thủ tục các cơ quan tố tụng tiếp nhận và đánh giá chứng cứ do những người tham gia tố tụng cung cấp; bổ sung vào hệ thống nguồn chứng cứ gồm: dữ liệu điện tử; kết quả định giá tài sản; quy định cụ thể trình tự, thủ tục thu thập, phục hồi dữ liệu điện tử nhằm bảo đảm tính khách quan, tính nguyên trạng và tính có thể kiểm chứng của loại chứng cứ đặc thù này; bổ sung nguyên tắc loại trừ chứng cứ.

Tám là, hoàn thiện chế định giám định tư pháp

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, BLTTHS năm 2015 đã có những điều chỉnh quan trọng để hoàn thiện chế định giám định tư pháp, đó là: bổ sung những người có quyền yêu cầu giám định trên cơ sở giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa trách nhiệm chứng minh trong vụ án hình sự với việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng; xác lập cơ chế nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình trưng cầu và sử dụng kết quả giám định; bổ sung cơ chế nhằm giải quyết xung đột giữa các kết luận giám định.

Chín là, luật hóa các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Trước yêu cầu của Hiến pháp năm 2013: mọi biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật định đã đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu và xử lý nghiêm túc, thấu đáo vấn đề này. Trên cơ sở cân nhắc các điều kiện cụ thể của nước ta về mọi mặt, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, các cam kết quốc tế của Việt Nam, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung một chương mới để luật hóa biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Theo đó, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt bao gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử (Điều 223); các biện pháp này áp dụng trong quá trình tiến hành tố tụng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền và các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng (Điều 224); thẩm quyền áp dụng: chỉ Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên và được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn (Điều 225); thời hạn áp dụng không quá 2 tháng, trường hợp đặc biệt có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra (Điều 226); cho phép sử dụng làm chứng cứ đối với những thông tin, tài liệu thu thập từ biện pháp điều tra đặc biệt; đồng thời, quy định nghiêm ngặt việc sử dụng các thông tin, tài liệu nhằm bảo vệ bí mật riêng tư của các cá nhân, tổ chức (Điều 227).

Mười là, sửa đổi, bổ sung các thủ tục tố tụng nhằm đáp ứng những đổi mới của Bộ luật Hình sự năm 2015

Mối quan hệ giữa Bộ luật Hình sự và BLTTHS là mối quan hệ giữa luật nội dung và luật hình thức. Nội dung nào thì phải có hình thức tương ứng; hình thức phù hợp sẽ là điều kiện để đưa nội dung vào cuộc sống. Bộ luật Hình sự là đạo luật quy định về tội phạm và hình phạt, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về cách thức phát hiện và xử lý tội phạm.

Do đó, yêu cầu đặt ra đối với quá trình sửa đổi BLTTHS là phải phản ánh kịp thời những đổi mới trong Bộ luật Hình sự, từ đó quy định đầy đủ thủ tục tố tụng cho việc xử lý vấn đề mới, đưa chính sách hình sự nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Mười một, bảo đảm quá trình giải quyết vụ án hình sự phải có sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ

Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Quán triệt yêu cầu nêu trên của Hiến pháp năm 2013, BLTTHS năm 2015 đã có sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung.

Trước hết, bổ sung nguyên tắc kiểm tra, giám sát, kiểm soát trong tố tụng hình sự vào hệ thống các nguyên tắc cơ bản; quy định cụ thể việc giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan dân cử đối với hoạt động tố tụng hình sự và trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc trả lời yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan này; quy định cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tố tụng, theo đó khâu sau có trách nhiệm giám sát kết quả của khâu trước, loại bỏ chứng cứ do khâu trước thu thập bằng các biện pháp trái luật; đồng thời, quá trình tiến hành tố tụng, khâu sau có trách nhiệm thông báo các kết quả giải quyết vụ án cho các giai đoạn tố tụng trước; quy định cụ thể, minh bạch các thủ tục tố tụng, bổ sung trách nhiệm và hình thức công khai các quyết định tố tụng nhằm tạo điều kiện để người dân dễ tiếp cận công lý và tăng khả năng giám sát của xã hội đối với quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Trung tướng, GS Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an
.
.
.