Xuân, rộn ràng sắc Sài Gòn...

Thứ Hai, 13/02/2017, 10:29
Xuân, rộn ràng sắc Sài Gòn…Chưa bao giờ mưa đến sớm vậy. Mưa lắc rắc đến sát tết, mưa ào ào chiều 28 Tết. Cứ như điềm mới mang lại mát lành, rửa sạch phố xá. Xưa, đến Noel vẫn có mưa đã là lạ, nay mưa sớm quét đi bụi, nóng của những công trường vội vã đào xới những ngày giáp Tết.


Dân chúng bảo mưa vàng, trái mùa mát mẻ, sẽ mang lại những điềm lành, mát mẻ mới.

Không pháo hoa, không pháo nổ, người Sài Gòn năng động đẩy lên một thú chơi mới: khinh khí cầu. Từng có những phong trào chơi diều sáo, chơi ca nô, tàu thủy, tàu lượn, cả khinh khí cầu thả chơi. Nay khinh khí cầu còn mang cả khách lên cao, ngắm nhìn thành phố đang vươn lên như ước mơ lên đỉnh. Rất có thể, từ Tết này, sẽ lại phát sinh ra một phong trào mới, một trò “du lịch không gian” mới, trải nghiệm phiêu lãng mới.

Phố ông đồ Sài Gòn là một cái mới Tết này. Người phương Nam nay cũng ưa chơi chữ, vài năm nay đã thấy bán chữ treo Tết. Nay có hẳn phố ông Đồ, đông đúc ở góc đường Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Thị Minh Khai. Khí phách dọc ngang xưa, nay có thêm thâm trầm, biền ngẫm, điềm đạm, nho nhã… có thể trở thành một nét mới của người Sài Gòn nay.

+ Ăn Tết và chơi Tết

Dịp Tết, Sài Gòn có nhiều người đi nhất và có nhiều người về nhất. Sài Gòn thu hút nhiều người đến làm ăn nhất, và Tết họ về quê với gia đình. Sài Gòn là gốc của nhiều Việt kiều nhất, và Tết họ trở về thăm quê.

Tết, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng, người về một, người đón mười, nườm nượp xe cộ sắp hàng, nằm dài, nhích tý một. Chưa bao giờ, những sáng kiến giải tỏa được hóng hớt như thế. Đủ mọi phương án, có cả cách nghĩ làm cáp treo để “trèo” vào sân bay.

Người đi cũng ùn ùn.Cả chục triệu dân, mấy ai “quê” Sài Gòn. Nhìn người Trung Quốc “di cư” về quê ăn Tết mà sợ. Rồi nhìn dòng người về quê mỗi khi Tết đến ở mình cũng sợ. Kẹt cứng, và ngày càng kẹt. Tết này, có cả cách làm “lạ”chưa thấy: chính quyền đưa tiễn, dùng xe công phụ giúp đưa công nhân về quê. Cả Cảnh sát giao thông cũng đem xe đặc chủng giúp đưa dân về quê ăn Tết.

Người không về quê, đi phượt, đi chơi. Đám phượt quanh năm chỉ thích đến những nơi hoang dã, lâu nay có “cung”, điểm mới: phượt ngay giữa Sài Gòn. Vắng, thoáng, mát, rất Sài Gòn xưa…

Đất phương Nam mai vàng trên cành khẳng khiu, vụt nở cười trong nắng mới. Xưa nay, người Sài Gòn không “ăn” Tết, mà “chơi” Tết.

Không nhiều những thủ tục nặng nề, Tết là dịp vui chơi, vui đâu chầu đấy. Nhậu quanh năm rồi Tết cũng nhậu vậy, bia thay rượu trong nắng nóng. Đầu hẻm cuối xóm vang tiếng 1, 2, 3… nối đuổi nhau.

Khách Tây đến, cũng hào hứng hùa, nhập gia tùy tục theo phong cách ồn ào đến “vạm vỡ”. Người Sài thành rất “khí thế”, lại dạt dào phong cách anh Hai như từ thời mở cõi.

Người Sài Gòn có thể uống 40 triệu lít bia dịp Tết này là một đồn đoán. Ngay trước Tết, Sở Công Thương đã dự báo nhu cầu Tết này dân Sài Gòn có thể uống tăng khoảng 30% so với năm ngoái…

Người Việt, như thống kê, mỗi năm “dùng” đến 3-4 tỷ lít bia, không biết người Sài Gòn “góp phần to lớn” thêm bao nhiêu phần trăm trong số ấy.

Hơn 2.200 người phải đi cấp cứu do đánh nhau trong 3 ngày Tết, theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế. Sáu ngày Tết cả nước có hơn 3.400 ca nhập viện do đánh nhau, 10 người tử vong… là một tin mới trên bàn nhậu ngày Tết.

Trốn Tết, có vẻ một tư duy mới đang xuất hiện. Nào nhập Tết ta với tết Tây cho đơn giản, nào đời có là bao mà phải khổ vì Tết, nào bàn tính sang năm đi du lịch trốn Tết… là không ít câu chuyện đầu xuân, mỗi người mỗi cách tính cho phù hợp với mình…

+ Phen này, quyết ra tay…

Các chuyện thường nghe được Tết này là người Việt nổi cơn sính ô tô. Thời xe máy có vẻ đang trôi qua nhanh, nay nhà nhà đua nhau sắm xe hơi, vay tiền cũng chơi. Có đến 300.000 xe nhập vào bán cũng không kịp khiến nhiều người nghĩ đến khởi nghiệp buôn xe hơi, “Phen này ông quyết đi buôn xế… hộp”.

Xe hơi có được vào trung tâm thành phố giờ cao điểm? Cách nào giảm bớt, liệu mình có “dính” là nỗi lo mới chưa nghe trong các Tết trước.

Mua xe không khó, người Việt giờ cũng sánh vai các cường quốc xe hơi, nhưng chỗ đâu mà để, đường đâu mà đi mới là nỗi ngại. Có xe rồi, phải gửi cách nhà gần chục cây, mỗi lần đi gặp mưa lại phải áo tơi xe máy chạy đến chỗ gửi xe hơi…

Cứ nghe về ưu tiên làm hạ tầng đâu đâu, giờ mới thấy cái nhà giữ xe hiện tại là nhu cầu ngày càng lớn, cao tầng, có vòng xoáy cho xe lên… Một doanh nhân hớp ngụm bia, dằn tay quyết: ra Tết lao vào dự án làm nhà giữ xe. Ông bảo, thì cũng như dân nghèo chăng dây vỉa hè giữ xe máy thôi, có gì khó… sao không dám mơ, không dám làm?

+ Quả đấm thép: Hy vọng và tin tưởng

Một cái mới làm dân Sài Gòn hồ hởi Tết này: lập lại đội săn bắt cướp một thương hiệu lừng danh của thành phố, quyết giữ an toàn, an ninh để dân yên tâm làm ăn sinh sống. Nay tên gọi là gì không quan trọng, hình sự đặc nhiệm hay gì cũng được, miễn là bắt cướp, giữ an ninh trật tự.

Ra quân ngay Tết này, không sắc phục, mật phục đường hoa Nguyễn Huệ giữ an ninh. Mấy mụ bày trò cướp điện thoại, có đám còn dàn cảnh cặp kè trai Tây rồi bất ngờ bóp “của quý” để móc ví cướp túi… bị xích liền, mở hàng cho SBC mới.

Bắt cướp như một truyền thống “thấy cảnh bất bình chẳng tha” của người Sài Gòn. Phong trào hiệp sĩ bắt cướp, giúp người cũng nổi từ đây, bất chấp những thiệt thòi, hy sinh. Tết này, có bác tên Minh, lập chòi canh bắt cướp, giữ an ninh tại làng Đại học Thủ Đức làm nhiều người cảm động.

Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo “Đặc nhiệm hình sự phải giữ được thương hiệu SBC”, Cảnh sát hình sự đặc nhiệm được tổ chức lại một cấp, tập trung để làm sạch bọn xấu, giữ và nâng cao hình ảnh tốt đẹp của thành phố.

Đội Cảnh sát đặc nhiệm hình sự hướng Nam sẽ được thí điểm một cấp, không chồng chéo nữa, với các phân đội giữ gìn an ninh trật tự tại các quận. Sự khởi đầu từ Tết này mô hình “Quả đấm thép” sẽ triển khai rộng trong tương lai, bảo đảm cho dân làm ăn và giữ hình ảnh thành phố hòa bình, an toàn, an ninh.

+ Khẩn trương và quyết liệt

Nghe cũng thấy quen, nhưng ra Tết này, chuyện sẽ thành thật. Sài Gòn sẽ bắt tay ngay sau Tết 5 công trình giao thông quan trọng và cấp bách: Hai cầu vượt ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, hầm chui An Sương, nối Đại lộ Võ Văn Kiệt với cầu Nguyễn Văn Cừ... Cấp bách từ nhu cầu đang phát triển mạnh mẽ, dể giảm ùn tắc đã đến hồi tắc nghẽn.

Nóng đã bắt đầu phả hơi, không chỉ là thời tiết của miền Nam như mỗi năm, mà còn của thị trường bắt đầu ấm. Nhà đất là một tín hiệu sớm. Ngay trong Tết đã rục rịch với 3 điểm nóng tăng giá đất mới, từ vùng ven lâu nay vẫn bị coi là rẻ: Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn hứa hẹn sẽ trở thành tâm điểm tăng giá, sưởi ngành địa ốc.

Buôn bán nhà đất của Sài Gòn có những chiêu trả tiền cò không giống ai, nhưng mang lại hiệu quả không nhỏ. Không ít công ty bất động sản áp dụng cơ chế trả “hoa hồng” cho cò nhà đất: không lương, nhưng đổi lại hoa hồng ngất ngưởng. Cái này, nôm na cũng là làm ra làm, ăn ra ăn, phụ thuộc hiệu quả cuối cùng chứ không theo kiểu lay lắt với “đồng lương chết đói” rồi làm cho qua ngày, không quan tâm hiệu quả chung.

Cách làm này được bàn tán trên bàn nhậu Tết khá nhiều, cứ như bàn về một cơ chế mới, có cái khó lúc đầu, nhưng hứa hẹn mở ra nhiều điều mới…

+ Đơn giản và rộn ràng

Giống như các dịp lễ hội, đường phố Sài Gòn rộn ràng âm thanh tùng phèng của các nhóm múa lân rồng, sư tử… Tết, cảnh vui nhộn nhịp này kéo dài tới Rằm tháng Giêng.

Từng đoàn áo khăn, đầu rồng sư tử, mặt nạ, múa gậy gõ trống, phèng la leng pheng đi đầu đường cuối ngõ chúc Tết các nhà, xông cả vào nhà múa may mừng xuân. Trước, nhà nào kinh doanh thường mời đoàn đến khai trương, mở hàng, rước lộc… Nay cứ thấy mở cửa là đoàn lân rồng nhào vô chúc Tết, uốn lượn trong nhà.

Múa may như con le le đánh trống thổi kèn, cho đến khi gia chủ có phong bì “phát tài” mới chịu đi. Ai nỡ đuổi, sợ giông, nhưng “tiếp” thì ngại. Thôi thì có tý “phong bao” cho đỡ “rườm rà”, không thì nghe phèng phèng vội… đóng cửa.

Cũng là một “sáng kiến”, một cách làm, sắc thái rất Sài Gòn. Mong mua may bán đắt, mong làm ăn suôn sẻ. Tết Sài Gòn, đơn giản và rộn ràng. Ra Tết nắng nóng, người người lại mong mưa vàng…

Minh Khang
.
.
.