Xót xa kiếp chồng chung của hai chị em họ

Thứ Ba, 05/01/2016, 09:16
Chuyện về một người đàn ông lấy hai vợ và ở chung dưới một mái nhà đã hiếm hoi. Riêng ông Canh lấy hai vợ và hai người phụ nữ ấy lại là chị em họ của nhau lại càng trở nên hiếm hoi hơn nữa...


Chị đi hỏi em về làm vợ cho chồng

Về thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc, Hải Dương hỏi thăm nhà ông Phạm Hữu Canh ai cũng biết. Gia đình ông "nổi tiếng" bởi nó rất đặc biệt. Chuyện về một người đàn ông lấy hai vợ và ở chung dưới một mái nhà đã hiếm hoi. Riêng ông Canh lấy hai vợ và hai người phụ nữ ấy lại là chị em họ của nhau lại càng trở nên hiếm hoi hơn nữa. Nửa thế kỷ đã trôi qua, họ sống bên nhau êm đềm nhưng không hạnh phúc. Bởi lẽ cả hai người phụ ấy đều không thể sinh cho chồng những đứa con ruột thịt.

Hơn sáu mươi năm về trước, ông Phạm Hữu Canh đã kết hôn cùng bà Đinh Thị Lừng người cùng thôn. Không hiểu vì lý do gì mà họ sống với nhau nhiều năm dù không thể sinh con. Cuộc sống vợ chồng ông Canh cứ thế trôi đi trong lặng lẽ và buồn tẻ. Hồi đó không có điều kiện như bây giờ để đi xét nghiệm xem nguyên nhân từ đâu và do ai. Thế nên khi có chuyện gì không hay xảy đến, người phụ nữ luôn nhận hết lỗi về mình.

Bà Lừng cũng vậy. Không may mắn để có được những đứa con, bà luôn nghĩ rằng chắc do mình kém cỏi nên đã không mang lại hạnh phúc cho chồng. Nghĩ thế nên bà luôn tìm mọi cách để bù đắp những thiệt thòi cho ông Canh.Song dù có tốt với chồng đến mấy, bà Lừng vẫn thấy không thể khỏa lấp được nỗi buồn sâu kín trong lòng ông Canh.Thương chồng cộng với mặc cảm "tội lỗi", bà đã bàn với ông là sẽ tìm cho ông một người vợ lẽ để thay bà sinh cho ông những đứa con.

Bà Tư thắp nhang cho người vợ cả.

Ban đầu nghe bà Lừng nói vậy, ông Canh phản đối kịch liệt. Ông bảo: "Có con thì ai cũng muốn nhưng nếu trời không cho thì tôi với bà cứ ở vậy với nhau đến suốt đời cũng có sao đâu. Tôi không cần lấy thêm vợ nào nữa".Dù ông Canh nói kiên quyết là thế, nhưng trong lòng bà Lừng đã nung nấu ý nghĩ ấy nên bà quyết tâm làm cho bằng được.

Không hiểu sao người đầu tiên bà Lừng nghĩ đến lại chính là cô em họ Đinh Thị Tư. Bà Tư lúc ấy mới hai mươi hai tuổi và chưa lập gia đình.Tối tối, sau khi đã làm xong mọi chuyện trong nhà, bà Lừng lại đi xuống nhà cô em họ để lân la trò chuyện.Phải mất một thời gian bà mới dám nói ra ý định của mình. Ban đầu khi nghe bà Lừng nói vậy, bà Tư hết sức sửng sốt và tất nhiên không bao giờ chấp thuận.

Căn nhà chứng kiến kiếp chồng chung.

"Ấy vậy mà sau rồi thấy bà ấy năn nỉ van xin nhiều quá tôi đâm ra thương. Bà ấy bảo nếu không thể có con với chồng chắc bà ấy và chồng sẽ phải bỏ nhau để ông Canh đi lấy người khác. Chi bằng nếu tôi nhận lời làm lẽ ông Canh thì bà ấy vẫn được ở bên chồng.Và chị em nương tựa vào nhau mà sống. Bà Lừng hứa là nếu tôi sinh được cho ông Canh những đứa con thì bà sẽ yêu những đứa con ấy như chính con đẻ của mình vậy" - Bà Tư nhớ lại.

Có lẽ vì quá cảm thương người chị bất hạnh nên bà Tư thấy động lòng trắc ẩn.Sau gần một năm kể từ ngày bà Lừng đặt vấn đề, bà Tư đã gật đầu ưng thuận. 

Nhớ lại cái ngày ấy, bà Tư kể: "Tôi về làm lẽ ông nhà tôi cũng gặp nhiều cản trở lắm. Bố mẹ tôi khi ấy thì mất cả rồi nhưng các anh chị em rồi họ hàng làng xóm ai cũng chửi tôi vừa điên lại vừa ngu. Họ bảo tôi có xấu xí kém duyên gì đâu mà phải chịu kiếp chồng chung. Rồi liệu ở với nhau được bao nhiêu ngày.Nhưng tôi đã quyết rồi thì chả ai cản được.Ngày bước chân về nhà chồng cũng chả có cưới xin gì to tát đâu.Mấy người nhà trai xuống đón dâu và mấy người bên nhà tôi đưa tôi về thế thôi".

Những tưởng việc bà Tư chấp thuận lấy ông Canh sẽ đem lại hạnh phúc cho cả ba người vì hy vọng bà Tư sẽ sinh ra những đứa con kháu khỉnh. Nhưng cuộc đời thật trớ trêu và oan nghiệt, làm vợ ông Canh đã mấy năm nhưng bà Tư cũng không một lần mang thai. Đang từ hy vọng, ba con người ấy lại rơi vào nỗi tuyệt vọng khôn cùng.Ngày ngày chỉ có ba người lớn đi ra đi vào nhìn nhau và chán nản. Cuối cùng họ bàn bạc và quyết định sẽ xin con về nuôi.

Người con nuôi đầu tiên là một bé gái ở thôn Bằng gần đó. "Khi xin nó về, nó ngồi còn chưa vững, người gầy gò, xanh rớt.Cả tôi và hai bà ấy phải vất vả lắm mới nuôi được nó đấy" - ông Canh nói.Sau đó khoảng ba năm, có một người làng lấy vợ ở Quảng Ninh thấy hoàn cảnh đáng thương của ông Canh và hai bà trong một chuyến về nhà chơi đã đến nhà ông và hỏi có muốn nhận con nuôi không ông ấy xin cho. Đứa bé ấy là con trai.

Khỏi phải nói họ đã vui mừng thế nào khi nghe được tin ấy. Ngày ông Canh xuống Quảng Ninh xin nhận con nuôi mà hai bà ở nhà phấp phỏng, hồi hộp đến nghẹt thở. Và rồi ông về, đem theo một bé trai khoảng sáu tháng tuổi bụ bẫm, kháu khỉnh. Niềm vui khi ấy đã thực sự về với gia đình họ. Tương lai, hy vọng của ba con người đặt cả vào cậu bé dễ thương này.

Ông Canh và bà Tư.

Xin được hai đứa con về nuôi, họ bỗng trở nên bận rộn và cảm thấy đấy mới đích thị là một gia đình theo đúng nghĩa. Dù rằng, đôi khi trong việc nuôi dạy con, mỗi người có một quan điểm riêng nên không thể tránh khỏi những bất đồng.Song đó cũng là những điều rất bình thường ở bất cứ gia đình nào.

Hỏi ông Canh bí quyết nào để giữ được sự êm ấm trong một gia đình vốn không bình thường như thế thì ông cười và trả lời hài hước rằng: "Gặp tình huống khó xử quá thì phải tính nước. Tôi luôn phải thận trọng trong từng hành động cử chỉ của mình để không làm bà nào cảm thấy tự ái hay tủi thân.Có yêu thì cũng chỉ dám "yêu vụng thương thầm" thôi".

Như để minh chứng thêm cho những lời chồng mình nói, bà Tư kể thêm: "Ông nhà tôi nói đúng đấy. Giả sử trong cuộc sống chị em tôi có xích mích điều gì hay có trót to tiếng với nhau thì ông ấy cứ lẳng lặng bỏ đi chứ không ở nhà đâu. Ông ấy sợ nếu ở nhà thì sẽ khó xử, bênh người này thì người kia tự ái nên vẫn để cho chúng tôi tự giải quyết với nhau".

Tuổi già hiu quạnh

Những tưởng nuôi được một cô con gái và một cậu con trai sẽ là chỗ dựa cho ba người bất hạnh lúc tuổi già sức yếu. Vậy mà bao nhiêu công sức dồn cho con giờ đổ xuống sông xuống biển khi một ngày người con trai ấy đột ngột ra đi vì bạo bệnh lúc mới ba mươi mốt tuổi.

Không thể tả hết nỗi đau đớn nghẹn ngào của ông Canh và hai bà.Niềm hy vọng duy nhất giờ đã không còn nữa, cả ông và hai bà không biết mình sẽ sống bằng cách nào và sống vì ai.Dù rằng vẫn còn một cô con gái nuôi nhưng phận làm gái xuất giá tòng phu đâu có thể giúp gì nhiều cho bố mẹ.Cũng không thể sớm tối chăm nom bố mẹ khi tuổi già sức yếu.

Có lẽ vì quá đau đớn trước sự mất mát lớn lao ấy nên ba năm sau ngày người con trai nuôi mất, bà Lừng cũng đổ bệnh và mất theo. Mười lăm năm trôi qua kể từ sau ngày bà cả ra đi, ông Canh và bà Tư lặng lẽ sống với nhau trong ngôi nhà hiu quạnh. Cuộc sống của hai người già cứ thế trôi đi trong buồn tủi.Cũng có những lúc bà Tư thấy chạnh lòng và xen chút tiếc nuối khi nghĩ về cái quyết định làm lẽ ông Canh.Bởi bà không chỉ thiệt thòi vì mang tiếng "chung chồng" mà ngay cả cái sự hy sinh ấy cũng không được đền đáp.

Tuổi già nương tựa vào nhau.

Giờ ông Canh đã bước sang tuổi tám mươi lăm còn bà Tư kém ông vừa tròn mười tuổi. Cuộc sống giờ chỉ dựa vào mấy trăm nghìn là tiền trợ cấp tuổi già của ông, ngoài ra không còn thu nhập gì đáng kể. Có mấy sào ruộng khoán, ông bà cũng cho con gái nuôi làm vì không còn sức. Thế nên thóc lúa thì có cô con gái nuôi lo.

Dù tuổi cao nhưng ông bà vẫn cố chăm bón vườn mẫu đơn và vun mấy hàng cau để mong có đồng ra đồng vào. Ấy vậy mà không hiểu sao một năm nay rồi, cau không ra một quả, mẫu đơn không đơm lấy một bông. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông bà sẽ phải sống nghèo hơn trước vì đã không còn thứ gì để trang trải, thêm thắt cho cuộc sống gia đình.

Chia tay với ông bà, không hiểu sao chúng tôi cứ bị ám ảnh trước hình ảnh vườn mẫu đơn không nở hoa và hàng cau không ra trái. Bởi dường như đó cũng chính là cái kết không có hậu của "mối tình tay ba" này.Dù rằng cả ông Canh và hai bà vợ của mình đã cố gắng sống tốt nhất để không bị thiên hạ giày vò, dè bỉu vì cái sự "xưa nay hiếm". Nhưng hạnh phúc đã không thực sự mỉm cười với những con người có hoàn cảnh đặc biệt ấy…

Phong Anh
.
.
.