Xin đừng bức tử môi trường

Thứ Tư, 01/06/2016, 14:20
Kính gửi Tiến sĩ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường. "Thư gửi từ cuộc sống" số này xin được gửi đến Bộ trưởng lời khẩn cầu từ môi trường. Vâng, xin đừng bức tử. Môi trường sống của người Việt chúng ta hơn bao giờ hết đang bị đe dọa một cách không thể nghiêm trọng hơn. Đã có nhiều tai nạn liên tiếp xảy ra vì môi trường bị ô nhiễm.


Mới nhất là vụ cá chết chấn động ở bờ biển miền Trung tháng 4-2016 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy hiểm cho sự sống không chỉ với các sinh vật biển mà còn đe dọa trực tiếp con người và làm tổn hại môi trường một cách quy mô không thể lường được hết hậu quả. 

Nghi vấn xả thải làm nhiễm độc biển Vũng Áng gây ra thảm họa môi trường kể trên của các nhà máy, trong đó lớn nhất là Formosa đang được Bộ trưởng cùng quý bộ và các cơ quan hữu quan, các nhà khoa học thận trọng nghiên cứu, truy tìm để đưa ra được kết luận nguyên nhân chính xác nhất. 

Người dân đặc biệt là bà con ngư dân vùng biển có cá chết đang khắc khoải mong ngóng nhanh có được kết quả vì sao cá chết, biển đã bị nhiễm độc thế nào, để sớm trấn an dư luận và nhất là ổn định cuộc sống.

Thưa Bộ trưởng! Vụ việc cá chết là một sự cố lớn và bất ngờ chưa từng có tiền lệ gây ra khá nhiều khó khăn, sự lúng túng trong ứng phó, điều tra cũng như khắc phục hậu quả của cơ quan chức năng. Trong khi địa phương nơi cá chết và bản thân quý bộ, một số quan chức đã có những phát ngôn vội vã, thiếu kinh nghiệm, thiếu luận cứ khoa học phần nào gây sự hiểu lầm trong dư luận thì Bộ trưởng với những tuyên bố chắc chắn về đường ống thải ngầm của Formosa là không phù hợp với luật pháp Việt Nam phải đưa nổi lên để giám sát và những gì Bộ trưởng nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm về mình cũng như hướng xử lý thảm họa đã khiến người dân lấy lại được sự tin tưởng. Người dân chia sẻ khó khăn của Bộ trưởng trong việc chỉ đạo để tìm ra nguyên nhân cá chết cũng như sự ô nhiễm môi trường biển Vũng Áng ở mức độ nào để có những xử lý rốt ráo vấn đề nhằm trả lại sự sống cho biển.

Sự cố cá chết và những nghi vấn nhiễm độc vùng biển miền Trung nhận được sự quan tâm của cả xã hội là bởi tính nghiêm trọng và sự thiệt hại vô cùng lớn của nó. Nhưng cũng từ thảm họa này, tất cả chúng ta đã có một cái nhìn sống còn với môi trường. Nói một cách khác, người dân Việt đã thức tỉnh trước những cái chết của môi trường đã xảy ra và đang được báo trước. 

Chúng ta chưa quên sự bức tử sông Thị Vải của Công ty Vedan năm nào. Cũng là những tình huống tương tự như nghi vấn Fomosa hiện nay. Vedan từng xả thải thành công 14 năm liền qua mặt được cơ quan chức năng bằng thủ đoạn gian dối ngụy trang để xả thải trực tiếp ra sông Thị Vải. Điều đáng nói là chính doanh nghiệp này từng được địa phương đề nghị khen thưởng về những nỗ lực bảo vệ môi trường. Lúc đó chính Bộ trưởng ở cương vị Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có những chỉ đạo quyết liệt để áp dụng chế tài cứng rắn nhất với những sai phạm của Công ty Vedan.

Bộ trưởng kính mến. Đất nước của chúng ta những năm gần đây tăng trưởng nhanh và đạt không ít thành tựu kinh tế. Nhưng phải thừa nhận rằng Việt Nam tăng trưởng phần nhiều dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Là một đất nước giàu có tài nguyên, khoáng sản, biển bạc, rừng vàng, năng lượng, đất đai, sông ngòi… từ nhiều năm nay chúng ta đã tập trung khai thác các thế mạnh mà thiên nhiên ưu đãi. Than, dầu mỏ, bô xít, các quặng kim loại được khai thác bất chấp những cảnh báo môi trường. 

Thủy điện chiếm 30 phần trăm tổng công suất điện quốc gia (năm 2016 là 42.300 MW) bằng sự góp mặt của gần 500 dự án thủy điện. Với con số nhà máy thủy điện này cần bao nhiêu ki lô mét vuông lưu vực lòng hồ chứa nước. Bao nhiêu cánh rừng bị nhấn chìm, bị tận diệt bởi lòng hồ. Đấy là chưa kể thủy điện kéo theo những cuộc di dân cùng sự tàn phá rừng và đất đai không nhỏ. 

Vì thủy điện, có thể nói không ngoa, mọi con sông con suối ở nước ta đã bị băm chặt khai thác đến mức cùng kiệt. Có không ít dòng sông, con suối đã bị bức tử. Công trình thủy điện An Khê- Kanak ở Gia Lai và Bình Định là một minh chứng. Người ta vì sự ngu dốt hay bị cám dỗ bởi những cái lợi trước mắt mà dám liều lĩnh chặt đứt sông Ba nắn dòng cho nước chảy sang sông Côn (Bình Định) đẩy những người dân ở vùng hạ lưu sông Ba (Gia Lai, Phú Yên) vào thảm cảnh lụt mùa lũ và cạn khô hạn hán về mùa khô. 

Với tài nguyên biển ngoài khai thác thủy sản, nhiều vùng bờ biển được ưu tiên cho đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều khu công nghiệp quy mô được hình thành cùng những bến cảng có công suất lớn. Và hiển nhiên đây cũng chính là những hiểm họa về môi trường.

Thưa Bộ trưởng. Rừng bị triệt phá, sông bị băm chặt, biển bị ô nhiễm, khoáng sản cạn kiệt. Đất đai, nguồn nước bị ảnh hưởng của đủ loại chất cấm, thuốc độc sử dụng bừa bãi trong chăn nuôi, trồng trọt. Đến không khí cũng mất đi sự trong lành bởi khí thải, bởi ô nhiễm nhiệt điện, khai thác xây dựng và vô vàn lý do khác mà chủ yếu là lý do con người gây ra. Rõ ràng môi trường đang bị xâm phạm bị bức tử nghiêm trọng. 

Đồng bằng sông Cửu Long lần đầu tiên có trận hạn hán lịch sử. Bởi biến đổi khí hậu nhưng nguyên nhân chính là dòng Mê Kông bị kiệt nước bởi các thủy điện đầu nguồn dẫn đến nhiễm mặn do nước biển xâm thực. 

Chúng tôi nhắc đến những điều này để mong muốn Bộ trưởng lưu tâm đến một dự án tận diệt sông Hồng mà dư luận đang quan ngại. Đó là dự án giao thông thủy xuyên Á của Công ty TNHH Xuân Thiện trình lên Chính phủ. 

Những ông chủ của công ty này muốn làm 6 đập chắn nước với 6 nhà máy thủy điện nhỏ và 7 bến cảng trên sông Hồng. Cùng với đó là nạo vét 288km đường sông thượng nguồn. Không cần nhiều đến các luận chứng khoa học cũng đủ biết những kẻ xẻ thịt sông Hồng này muốn độc quyền khai thác mỏ cát vô tận của sông Hồng và thu phí vận tải sông. 

Đất nước đang có nguy cơ mất mỏ lúa Tây Nam Bộ vì hạn hán vì thiếu nước thì dự án sông Hồng nếu được thực thi chắc chắn đồng bằng sông Hồng sẽ chết. Rất may là Thủ tướng Chính phủ đã cho dừng chưa phê duyệt dự án này. Biết thế nhưng chúng tôi vẫn rất lo lắng. 

Hẳn Bộ trưởng không lạ với những dự án kiểu này. Họ sẽ không chịu bỏ cuộc khi nhìn thấy lợi ích lớn nằm trước khả năng của họ. Chính vì thế rất mong Bộ trưởng trong vị thế và chức trách của mình hãy bằng mọi cách cho dừng vĩnh viễn dự án xuyên Á bức tử sông Hồng này. Và nữa để tài nguyên thiên nhiên của đất nước không thể rơi vào tay một nhóm người nắm giữ, khai thác.

Đến đây có lẽ Bộ trưởng đã hiểu tâm ý của "Thư gửi từ cuộc sống". Chúng tôi trong nỗi lo lắng chung của người dân muốn gửi gắm đến Bộ trưởng về những gì bức xúc nhất trong bức tranh toàn cảnh môi trường bị xâm hại, bị bức tử. Phải nói rất thành thực rằng người dân Việt trước thảm họa cá chết đã bắt đầu có những thay đổi rõ rệt về ý thức. Họ quan tâm nhiều hơn về môi trường, phản đối những hành vi phản cảm xả rác, xả thải, thậm chí còn kêu gọi, phổ biến cách thức bảo vệ môi trường. 

Trên cộng đồng facebook, một nhóm bạn thành lập cụm mua bán và sử dụng các sản phẩm tự nhiên như bồ hòn dùng thay cho các loại xà phòng, bột giặt nhiều hóa chất. Hạn chế dùng mỹ phẩm, tẩy chay các túi đựng nilon gây hại môi trường để sử dụng những sản phẩm thân thiện. Những bạn này hy vọng bằng sự thay đổi của mình sẽ kéo cộng đồng có những biến chuyển từ ý thức đến hành động với bảo vệ môi trường. Và đã có rất nhiều người hưởng ứng. 

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là hành động tự phát trước hết là ý thức tự bảo vệ, để có được ý thức và hành động toàn diện bảo vệ môi trường cần những đóng góp của Bộ trưởng với tư cách của một tư lệnh ngành.

Bộ trưởng kính mến! Hậu quả của thảm họa cá chết hàng loạt ở biển miền Trung là khôn lường. Không chỉ thiệt hại về kinh tế mà nó còn là sự bất an của không chỉ người dân vùng biển trực tiếp gánh chịu thảm họa. Chúng tôi tin tưởng vào động thái quyết liệt của Bộ trưởng. Tin tưởng Bộ trưởng cùng cộng sự sớm kết luận được nguyên nhân cá chết và xử lý triệt để những xâm hại làm ô nhiễm môi trường nếu có của các nhà máy ở Vũng Áng. 

Hy vọng rằng Bộ trưởng nghe thấu lời khẩn cầu của môi trường, trong nhiệm kỳ mới sẽ có những chỉ đạo khoa học, công tâm, minh bạch cùng với người dân Việt giữ gìn bảo vệ để môi trường không bị bức tử. Chúc sức khỏe Bộ trưởng.

Hà Nội 14-5-2016

Phạm Ngọc Tiến
.
.
.