Rớt nước mắt nghe tâm sự của những người "thế giới thứ 3"

Chủ Nhật, 28/05/2017, 08:50
Trong những ngày qua, thông tin về việc Bộ Y tế đang tổ chức lấy ý kiến để xây dựng dự thảo Luật chuyển đổi giới tính đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng người chuyển giới. Họ vui mừng bởi nếu luật được ban hành sẽ giúp họ được sống với đúng con người thật của mình, bình đẳng trước pháp luật và được hưởng các chính sách xã hội phù hợp.


Được biết đến là một trong những người Việt Nam đầu tiên thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính tại Thái Lan vào năm 2006, ca sỹ- chuyên gia trang điểm Lê Duy, 37 tuổi, hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ với PV Báo CAND: “Phẫu thuật chuyển giới, sống đúng với con người mình - đó là khát vọng lớn nhất của người đồng tính. Tuy nhiên, chuyển giới xong rồi, những người như Duy lại gặp nhiều khó khăn liên quan đến các thủ tục pháp lý”.

Mặc dù đã mang hình hài của một người phụ nữ nhưng trên tất cả các giấy tờ như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hộ chiếu… Lê Duy vẫn mang một cái tên rất “chuẩn men” là Nguyễn Trường Duy, giới tính nam.

Một chương trình biểu diễn thời trang của người chuyển giới.

Cũng chính điều này đã khiến Lê Duy phải rơi vào những tình huống dở khóc dở cười khi đi làm các thủ tục hành chính.

Lê Duy kể: “Việc các cán bộ làm thủ tục hành chính xem giấy tờ tùy thân rồi sau đó quan sát đi quan sát lại Lê Duy là chuyện bình thường. Hay, khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay, không ít lần Duy bị nhân viên giữ lại để kiểm tra thêm, kéo dài thời gian so với những người bình thường khác. Thông thường, để tránh rắc rối, mỗi khi đi làm các thủ tục liên quan đến giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, hộ khẩu… Lê Duy đều phải mang theo giấy xác nhận của cơ sở đã phẫu thuật chuyển giới cho mình tại Thái Lan”.

Tuy nhiên, ánh mắt tò mò, sự chú ý quá mức cần thiết của những người xung quanh dành cho Lê Duy vẫn là điều khó tránh khỏi. Sau khi chuyển giới, may mắn đã đến với chị khi anh Trần Hiếu, chuyên gia nhiếp ảnh, kém chị 10 tuổi đã vượt qua mọi rào cản yêu thương chị.

Tuy đã chung sống như vợ chồng chục năm nay nhưng trên thực tế, ca sỹ chuyển giới Lê Duy và anh Trần Hiếu vẫn chỉ là 2 người… dưng do không thể đăng ký kết hôn. Tài sản chung là ngôi nhà anh chị đang sống tại TP Hồ Chí Minh do cả 2 cùng góp tiền mua nhưng trên giấy tờ chỉ đứng tên một mình Lê Duy.

Lê Duy chia sẻ: “Kể từ 1-1-2017, Bộ luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành đã công nhận quyền xác định lại giới tính của một người, đồng thời cũng cho phép cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện các quy định trên. Rất mong các nhà làm luật nghiên cứu, sớm ban hành Luật chuyển đổi giới tính để những người đã chuyển giới như Duy có thể bình đẳng trước pháp luật, xã hội”.

Không phải ai cũng có điều kiện về kinh tế để thực hiện phẫu thuật chuyển giới như trường hợp ca sỹ Lê Duy. Anh Nguyễn Văn Dũng, 50 tuổi, trú tại Hà Nội, một người đồng tính từng được biết đến với tự truyện “Bóng”, hiện là thành viên tích cực của nhóm MSM- nhóm chuyên tư vấn, tuyên truyền về kiến thức và cách phòng tránh HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục dành cho người đồng giới hiện vẫn sống trong “vỏ bọc” của một người đàn ông.

Khi được hỏi vì sao anh không phẫu thuật trở về đúng với con người của mình, anh Dũng chia sẻ: “Cách đây khoảng chục năm, số tiền để sang nước ngoài thực hiện phẫu thuật, chi phí ăn ở, đi lại không phải là nhỏ, khoảng năm trăm triệu nên không phải ai cũng có điều kiện. Đến nay, khi số tiền này đã giảm đi đáng kể thì lại là lúc mình đã chấp nhận sống trong diện mạo như thế này”.

Anh Dũng cũng cho biết, rất nhiều người bạn đồng giới của anh không có điều kiện đi nước ngoài làm phẫu thuật trong khi ở trong nước lại chưa có cơ sở y tế nào được cấp phép để phẫu thuật chuyển giới. Nếu thực hiện tại các cơ sở “chui” thì hậu quả để lại có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng của người chuyển giới.

“Tôi rất mong muốn, khi xây dựng Luật chuyển đổi giới tính, cơ quan chức năng nên quan tâm đến chính sách chi trả BHYT cho kinh phí thực hiện kỹ thuật chuyển đổi giới tính. Bởi lẽ, rất nhiều người đồng tính gặp khó khăn về kinh tế. Dù có bằng cấp nhưng đi xin việc khó khăn. Nhiều người muốn sống với giới tính thật nhưng lại chỉ đủ tiền tiêm hooc môn mà không có tiền phẫu thuật chuyển giới”.

Vượt qua sự mặc cảm trong cộng đồng, xã hội và vươn lên khẳng định mình - đó chính là mong muốn của những người thuộc “thế giới thứ 3”. Và, để làm được điều này, họ rất mong muốn dự thảo Luật chuyển đổi giới tính lắng nghe những ý kiến chia sẻ của chính những người đồng giới.

Quy định chặt chẽ phương án công nhận người chuyển giới để tránh các đối tượng phạm tội lợi dụng

Trước 3 phương án công nhận người chuyển đổi giới tính đang được đưa ra, bằng kinh nghiệm từ cá nhân mình, chị Lê Duy và anh Nguyễn Văn Dũng đều cho rằng, cơ quan nhà nước chỉ nên cho phép cá nhân được công nhận người chuyển giới tính sau khi đã sử dụng hooc môn trong một thời gian liên tục và trải qua phẫu thuật một phần hoặc toàn bộ. Bởi lẽ, nếu không được quy định chặt chẽ thì việc các đối tượng phạm tội rất dễ lợi dụng vào quy định này để thay đổi giới tính, thay tên đổi họ lẩn trốn pháp luật.
Nguyễn Hương
.
.
.