Vòng tay phát quang 40.000 năm tuổi

Thứ Hai, 07/01/2019, 08:39
Theo Ancient-code ngày 6-1, các nhà nghiên cứu phát hiện một chiếc vòng đeo tay 40.000 năm tuổi tại Siberia và họ nghi ngờ nó được tạo ra bởi một chủng người đã tuyệt chủng trong quá khứ.

Chiếc vòng được tìm thấy ở hang động Denisova, Siberia, nằm ở vùng lân cận biên giới của Nga với Trung Quốc và Mông Cổ và ngay lập tức được xếp vào danh mục đồ trang sức lâu đời nhất từng được tìm thấy trên Trái đất. Sự trau chuốt và thiết kế tinh xảo đã khiến các nhà nghiên cứu tự hỏi làm thế nào mà con người có thể tạo ra kiệt tác này từ thời kỳ xa xưa tới như vậy.

Chiếc vòng vừa được phát hiện.

Chiếc vòng đeo tay này được tìm thấy cùng với các vật thể khác như xương động vật đã tuyệt chủng và các cổ vật mà theo các nhà nghiên cứu, có niên đại lên tới 125.000 năm. Vật phẩm đáng kinh ngạc này được phát hiện vào năm 2008 và sau khi phân tích kiểm tra sâu rộng, các chuyên gia đã có thể xác định tuổi của nó. 

Chiếc vòng đá được tìm thấy ở hang động Denisova, Siberia

Anatoly Derevyanko, giám đốc Viện Khảo cổ và Dân tộc học của Viện Hàn lâm Khoa học Nga cùng nhóm nghiên cứu của ông tin rằng các trầm tích từ bên trong hang động không bị ô nhiễm bởi các hoạt động của con người từ thời kỳ sau.

Mặt đất xung quanh các cổ vật và mảnh trang sức đã được xác định niên đại bằng cách phân tích các đồng vị oxy có tuổi đời 40.000 năm.

Hang động Denisova, Siberia .

“Các kỹ năng của người tạo ra nó vô cùng hoàn hảo. Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng nó được tạo ra bởi người Neanderthal hoặc người hiện đại nhưng không phải, nó thuộc về một chủng người bí ẩn khác.” 

Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy một chiếc nhẫn làm bằng đá cẩm thạch trong số các cổ vật của hang động, nhưng các chuyên gia đã quyết định không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về phát hiện này cho đến khi nghiên cứu sâu hơn được thực hiện.

Thời báo Siberia trích dẫn Tiến sĩ Derevyanko, người đã viết trên tạp chí Science First Hand của Nga rằng khi họ nghiên cứu đường kính của vòng đeo tay, họ thấy rằng tốc độ quay của mũi khoan phải khá cao cùng với dao động cực thấp. Điều này chỉ ra thực tế rằng bất cứ ai làm ra món đồ trang sức đáng kinh ngạc này, rất có thể đã sở hữu một loại công nghệ tương tự như máy khoan hiện đại. 

Dấu vết mũi khoan tinh xảo trên chiếc vòng đá.

Ông chia sẻ: “Những nghệ nhân thời kỳ cổ đại này có kỹ năng về kỹ thuật được coi là không đặc trưng cho thời đại đồ đá, như khoan tốc độ, dụng cụ mài và đánh bóng bằng da ở các mức độ khác nhau.”

Hưng Minh
.
.
.