Về Cù My vào mùa gió chướng

Thứ Sáu, 11/12/2015, 08:00
Cù My gồm có Hạ và Thượng, nằm ở vùng duyên hải dài trên 10km là ranh giới giữa miền Trung và Nam Bộ. Nơi đây cũng là cửa biển phía Đông Bắc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ngay tại cảng Bến Lội được nhà nước xây một đầm nước rộng đến vài chục hecta để tàu bè trú ẩn. Từ một khu rừng bụi đầy gai xương rồng và cát biển hoang vu, Cù My Hạ đã lên phố với đường rộng cây xanh, đêm về đèn cao áp sáng trưng.

Tám giờ sáng, chúng tôi khởi hành từ thị xã La Gi (Bình Thuận) xuôi theo đường bộ ven biển về Vũng Tàu. Con đường mới mở phẳng lì còn thơm mùi hắc ín song song với quốc lộ 55. Dọc theo đường này, có nơi cách mép nước vài chục mét đến nỗi gió thổi chựng xe mà còn hất hơi nước phủ vào mặt lữ khách. Nghe vài người cho biết, đây là con đường du lịch dành cho những người khám phá biển rộng, trời xanh, sóng vỗ bạc đầu. Khi chúng tôi đến, tận mắt thấy ba nhóm thanh niên nam nữ, mỗi nhóm có đến 20 xe máy phân khối lớn, tất cả các “hành giả” này đều mặc áo phản quang đội mũ bảo hiểm đắt tiền chạy theo đoàn phát lên âm thanh hỗn loạn như máy bay Nhật tấn công Trân Châu cảng (Pearl Harbor) vào năm 1941.

Bến tàu.

Ở nước mình, lớp trẻ đi phượt đường dài bằng xe môtô dần dần trở thành bình thường, nhưng ở Tây Nguyên, mỗi lần cả đoàn đi qua, bà con ở buôn làng rủ nhau ra đường đứng xem một cách tò mò. Sự kiện ấy đã chứng minh rằng đời sống của người Việt đã được nâng cao, nhu cầu khám phá đất nước, tìm hồn thiêng sông núi của cha ông trở thành một hành trình văn hóa, mặc dù ở đâu đó bà con mình còn lo chạy ăn từng bữa.

Palei Phò Trì, đất của trời xanh mây trắng

Trên đường về Cù My Hạ, lúc qua cánh đồng ruộng gặp một số bà con đang dùng máy tuốt lúa, kẻ đóng bao, người sàng sảy vừa làm vừa cười một cách vui vẻ. Việc thu hoạch lúa là bình thường, nhưng đối với chúng tôi trong không gian cánh đồng sát biển, mùa gió chướng phất phơ như một bức tranh thanh bình của nền văn minh lúa nước.

Lúc dừng xe hỏi chuyện, mới biết đó là bà con người Chăm ở Palei (làng) Phò Trì, nay thuộc xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Đây là làng Chăm cuối cùng của Vương quốc Chăm Pa cổ nam tiến theo dọc bờ biển ở cực Nam Trung Bộ.

Anh Thông Sanh 30 tuổi, ngồi bệt xuống đống rơm, kéo bình nước trà ủ trong rơm đổ ra chén đất nung còn lấm tấm bụi, mời chúng tôi một cách vui vẻ. Uống chén trà nhàn nhạt, anh kể chuyện mùa màng và đời sống của bà con người Chăm. Anh bảo: “Mấy ông ngồi đợi, khoảng một tiếng đồng hồ nữa tui dẫn đi gặp ông Thông Quy, một trong những trí thức người Chăm ở Phò Trì, ông này có học biết được nhiều chuyện xưa, chứ cỡ như tui chỉ giỏi nuôi dê thôi. Anh muốn hỏi kinh nghiệm làm tình của dê đực, tui chỉ cho. Ông biết không! con dê đực một ngày “làm việc” được 45 dê cái đó ông ơi!”, Thông Sanh ngửa mặt lên trời cười sằng sặc.

Palei Phò Trì là vùng của trời xanh mây trắng. Ngoài mặt đất bằng phẳng, còn có ba con suối nước trong đổ về dòng sông Hà Lãng. Cách làng vài trăm mét là biển xanh cát trắng, gió thổi lồng lộng suốt ngày. Ở nước mình nơi nào đất bằng sát biển người ta thường làm ruộng muối, trong khi  Phò Trì là cánh đồng lúa nước rộng mênh mông.

Palei Phò Trì, còn gọi là làng Cù My Thượng. Theo sử sách và các phế tích còn lại đã minh chứng rằng: Hơn hai trăm năm trước Cù My là nơi lánh nạn chính trị của xứ đàng trong, khi năm 1862 nhà Nguyễn nhượng 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, rồi đến 1867 quân Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Thời ấy một số sĩ phu bất bình sự nhu nhược của triều đình, bỏ về sống ở Cù My Hạ (Bình Châu) rồi đến đây ẩn dật chờ thời. Vì vậy, nơi này mang tính đặc thù của một vùng đất tụ nghĩa. Cù My có thời gọi là Tổng Phước Thắng dưới thời vua Tự Đức. Theo tư liệu cũ, vào đầu thế kỷ thứ 17, đã có 7 hộ gia đình vào đây lập nghiệp ở chung với người Chăm Phò Trì dần dần thu hút nhiều dân miền Trung phiêu bạt, tha phương, trong đó không ít người bất mãn cung vua phủ chúa hèn nhát với giặc Pháp về đây nương náu, khai phá, định cư lập nghiệp.

Nhớ năm ngoái, anh Huỳnh Văn Út, dân gốc Cù My 3 đời, chở tôi bằng ghe máy chạy dọc dòng sông Hà Lãng ra tận biển. Là người thích tìm hiểu về cổ sử, anh dẫn tôi đi gần hết quê anh. Đến lúc mệt lử, chúng tôi ngồi bẹp lên những con lươn cát nhân tạo. Anh Út cho biết: “Đây là công trình chống cát xâm thực theo công nghệ của người Pháp”. Trước mặt chúng tôi là những túi nhựa đặc chủng được bơm đầy cát đường kính 1m dài cả trăm mét nằm chồng lên nhau. Anh Út còn nói thêm: “Tên con sông Hà Lãng đã có từ mấy trăm năm nay. Nghe các cụ kể lại vùng này ngày xưa đã có người ở, hiện còn vài ngôi mộ xây theo hình bát giác. Sau này chiến tranh loạn lạc, lụt lội triền miên nên dân chúng bỏ đi, sau năm 1975 mới trở về”.

Vợ chồng ông Thông Quy.

Đúng ba giờ chiều, Thông Sanh dẫn tôi đến gặp ông Thông Quy, một trí thức ở Palei Phò Trì. Ông Quy sinh năm 1945 và vợ là bà Đào Thị Hường sinh năm 1949, cả hai vợ chồng được sinh ra, lớn lên tại đây và đều có bằng tú tài thời chế độ cũ. (Ở miền Nam trước năm 1975, ai có bằng tú tài được xếp vào tầng lớp trí thức).

Ngôi nhà ông Quy nằm ở mặt tiền quốc lộ, phía xa là dãy đèn cao áp chấp chóa dưới ánh sáng mặt trời. Căn nhà được thiết kế vừa đẹp vừa khang trang, xung quanh đầy hoa giấy và những cây si già rũ rễ như một ma trận đời người. Hôm ấy đang là mùa gió chướng, gió thổi ngược cả hoa và rễ cây si phất phơ mang một hình ảnh rất yên bình.

Chúng tôi được chào đón và được chiêu đãi một nải chuối sứ chín mọng. Bà Quy xởi lởi: “Đây là chuối nhà chín cây, ăn no cũng chẳng sao. Nhà tui trồng đủ thứ để ăn, không dám đi mua chợ, nghe người ta nói bây giờ hóa chất của Trung Quốc phun tẩm vào thực phẩm, rau rợ nên cũng ớn”. Là dân có học thức nên vợ chồng mặc quần áo Chăm truyền thống tiếp khách theo đúng luật tục, chồng ngồi bàn còn vợ ngồi cách chồng 2m ở phía sau hoặc bên cạnh bên tay trái. Đồng bào Chăm bao giờ cũng thế, tuy theo mẫu hệ nhưng việc tiếp khách lạ đều do chồng chủ động, người vợ luôn bên cạnh nhưng ở phía sau phụ họa theo chồng.

Được hỏi vì sao Palei này mang tên Phò Trì, ông Thông Quy nhấp ly trà giải thích: “Thuật ngữ Phò Trì nguyên gốc Chăm là Phùn Mì, Phùn là danh từ có nghĩa là nơi làm ăn sinh sống, Mì là tính từ mang nghĩa đoàn kết, gắn bó. Sau này bà con người Kinh đến đông, họ chuyển thành Phò Trì cho dễ phát âm. Theo ông bà kể lại Phùn Mì trước năm 1945 thuộc tổng Phước Thắng, Trấn Bà Rịa, sau này mang tên làng Cù My rồi xã Hiệp Hòa. Ngày ấy Hiệp Hòa nhộn nhịp, bà con sống theo dòng sông Hà Lãng, theo chữ Nôm Hà Lãng là dòng sông bị lãng quên. Chuyện con sông bị con người cố tình bỏ quên này có thể viết thành sách bắt đầu từ năm 1748”.

Bốn giờ chiều nước ròng, gió biển thổi vào lồng lộng. Ông Quy choàng thêm chiếc khăn rồi tiếp tục: “Năm 1965 người Chăm ở Phò Trì có 70 hộ, đến nay có 300 hộ cũng mừng. Sau thời đổi mới, bà con thoát nghèo có của ăn của để từ nghề nông, số các cháu học đại học ngày càng tăng, như nhà tôi có đến 4 cháu. Nhớ những năm chiến tranh bom đạn, làng Cù My bị tàn phá, gia đình Thầy Tám Thạnh, ông Minh, ông Đống chết thê thảm. Sau đó cả làng bị đưa về vùng quốc gia, ngặt nỗi bà con quen nghề làm ruộng, sống  tập trung lấy gì ăn. Vì vậy, sau ngày hòa bình cả làng kéo nhau về lại mới ổn định cuộc sống đến nay”.

Ở xứ mình, đồng bào gốc Tây Nguyên. Sau năm 1980 một số đông bà con theo đạo Thiên Chúa hay Tin Lành nhưng riêng đồng bào Chăm chỉ theo tôn giáo truyền thống. Khi được hỏi có hộ nào theo đạo khác, ông lắc đầu: “Đồng bào Chăm lâu nay chỉ theo đạo Bà La Môn (Phật Giáo cải biên), Ba Ni (Hồi Giáo) và thờ cúng ông bà thôi”.

Sáng hôm sau, ông dẫn tôi ra thăm cầu Cô Kiều. Đó là chiếc cầu nằm trên quốc lộ 55 mang tên một người phụ nữ Chăm tại Palei Phò Trì. Đứng trên cầu, ông giải thích: “Ngày xưa thời kháng chiến chống Pháp, một người phụ nữ Chăm tốt bụng có ngôi nhà ngay bên suối này, ban đêm gặp lũ lụt hay mưa to gió lớn bà con người Kinh không thể qua suối, được bà Cô Kiều cho ăn, cho ngủ và đối xử rất tử tế. Chính vì thế sau khi cây cầu bê tông hoàn thành chính quyền lấy tên bà đặt tên cho chiếc cầu, để tưởng nhớ một người phụ nữ Chăm đức độ”.

Khi chia tay, ông Quy mời chúng tôi vào ngày 12 tháng 12 âm lịch đến Phò Trì tham dự lễ Kỳ Yên theo phong tục của người Chăm. Tôi hỏi khách mời có phải đóng góp gì không! Ông vui vẻ cho biết: “Khách thì không, nhưng bà con người Chăm mỗi gia đình góp 5 ký gạo, 3 ký nếp, 1 con gà nòi, 1 xị rượu… còn đối với thanh niên trưởng thành phải góp thêm mỗi người 100 ngàn. Năm nay làm ăn được nên dự kiến mời 400 khách”.

Bến Lội đìu hiu mùa gió chướng

Từ biệt làng Chăm Phò Trì, chúng tôi xuôi theo quốc lộ 55 về cảng cá Bến Lội là Cù My Hạ, nay thuộc xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Tiền thân quốc lộ này gần 300 năm trước, mang tên Thiên Lý. Sử sách ghi rằng: Năm 1748 quan điều khiển là Nguyễn Hữu Doãn đã giăng dây đắp con đường ven biển ra đến Huế, nền đường rải sạn, rải đá, rộng 4m.

Gỡ cá.

Đối với cao nguyên muốn biết kinh tế xã hội và đời sống bà con như thế nào hãy vào chợ buổi sáng và nếu có thời gian ngồi tâm sự với các chú xe ôm. Nhiều khi thông qua các vị “hành giả” này, nghe được nhiều chuyện vui buồn. Còn đối với vùng biển chỉ cần ngồi ở cảng cá quan sát khoảng vài tiếng đồng hồ vào thời điểm ghe tàu đánh bắt trở về có thể biết được đời sống của dân biển.

Chúng tôi đến cảng Bến Lội vào lúc 8 giờ sáng. Cù My Hạ đang mùa gió chính vụ, gió chướng bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau, trong đó tháng 10, 11 là thời điểm biển động nhất. Vào mùa này, tàu thuyền nằm bờ để tu sửa tân trang, những gia đình nghèo sống dựa vào biển lâm vào khó khăn. Vào 10 giờ sáng nhưng cảng cá vắng hoe, thỉnh thoảng có vài người lên xuống ghe để vá lưới.

Từ Cù My Thượng đến Cù My Hạ chỉ cách nhau trên chục cây số nhưng là ranh giới 2 tỉnh và cũng là đường ranh của 2 miền Trung và Nam Bộ. Làng Hạ có tên Bình Châu từ những năm 20 của thế kỷ trước, làng có 3 xóm: Sở Dừa, xóm Rẫy và Hố Lá. Theo tư liệu của địa phương, vào năm 1921 một nhà bác học người Pháp tên là Colombier Gorge (thường gọi là ông Tám) cùng với người vợ Việt là cô Tám Say đến Bình Châu trồng mấy chục mẫu dừa nên gọi là sở dừa ông Tám. Sau này dân ở  Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên vào đây sinh sống nên ông Tám xin lập làng đổi Cù My Hạ thành Bình Châu.

Anh Tư Nam là chủ quán cà phê, chuyên mở cửa từ hai, ba giờ sáng cho dân đi biển ở ngã ba Láng Găng. Anh Tư 65 tuổi, người ốm đói khẳng khiu, nước da nâu mang hồn của biển, nhưng miệng thường cười cả tràng dài một cách thoải mái. Anh Tư sống tại ngã ba này gần 40 năm, nên khách hàng của anh trở thành người nhà. Lúc 3 giờ sáng tôi mò đến quán để hóng chuyện, được anh Tư giới thiệu với anh Hai Phước một tài công đánh bắt xa bờ đã sống ba đời tại Bình Châu. Anh Hai thuộc biển mình như lòng bàn tay, bây giờ có tuổi anh chuyển sang trông coi ghe tàu cho bạn bè.

Anh Huỳnh Minh Phước.

Nhà anh Hai Phước có hai mặt tiền, mặt chính quay ra đường dành cho vợ con buôn bán, mặt hậu đối diện với bến cảng gió lộng suốt ngày. Hơn chục năm trước, mặt hậu nhà anh là bờ sông đầy rác rến, xác chó mèo trôi nổi bồng bềnh, nồng nặc mùi dầu nhớt và mùi xác động vật. Hiện nay là con đường đê đổ bê tông rộng 3m cao 2m dài 2km với hàng đèn cao áp đẹp như tranh vẽ. Nghe bà con nói con đê này do nhà nước đầu tư với giá 120 tỉ.  

Anh Hai Phước, vóc người cao ráo, mái tóc muối tiêu bồng bềnh, với làn da nâu mũi thẳng trông như một diễn viên điện ảnh miền viễn Tây Texas. Tiếp chúng tôi cùng với bốn con chó bị xích rất dữ tợn. Anh chép miệng: “Bây giờ đã 60, không còn sức khỏe như thời trai tráng giữa biển khơi, nên lui về giữ ghe kiếm sống cùng với 4 “đồng minh” đang ngồi đó. Có mấy thằng này đỡ lắm, hễ có ai lên ghe hoặc lấp ló bên kia sông chúng nó la làng phải biết. Nhiều lúc mình đi vắng, vợ con nghe tiếng chó sủa chạy ra kiểm tra. Từ bây giờ đến tết là mùa gió chướng ghe tàu về bến đậu lo vá lưới hoặc sửa chữa có lúc phải xem 30 ghe, mỗi ghe 30 ngàn đồng/ 1 ngày đêm cũng đủ sống”. 

Anh chặc lưỡi: “Anh em tin tưởng mới giao, nên mình lo lắm, suốt ngày nhảy từ ghe này qua ghe khác mỏi cả giò”. 

Đang câu chuyện thì có bạn vào chơi. Anh Hai giới thiệu: “Chú Bảy Thái là tài công đi biển đường dài, bị Indô bắt mới thả về được 2 tuần”. Anh Hai vỗ vai: “Chú mày đi tù ở nước ngoài mới về, kể chuyện cho anh em nghe coi!”. Bảy Thái vỗ đùi: “Trời! Đi tù có gì đâu hay! Nhưng đi tù được uống cà phê, đối xử đàng hoàng không bị đánh đập cũng ngon rồi. Tụi Indo đàng hoàng lắm à nha! Không tiểu nhân, côn đồ như mấy thằng Tàu khựa. Mấy thằng đánh bắt viễn chinh như tụi tui hay ngồi kể lể với nhau. Nhục nhất là bị bắt trong biển của mình như ở Hoàng Sa, còn tụi tui sơ ý vào hải phận Mã Lai, Indo bị bắt là đúng rồi. Họ giữ biển chặt chẽ lắm, người lạ vào là bị tóm liền. Kể ra mình cũng sai, thực tình cá ở biển mình càng ngày càng hiếm nên mới rủ 4-5 tàu đi ăn trộm, phải nói bên đó nhiều cá lắm, làm ở đó đánh bắt ba ngày bằng ở nước mình một tháng ông ơi! Nhưng cũng nhờ ở tù bên đó mới biết họ đánh bắt kỳ lắm, dân họ không dám đi xa bằng tàu nhỏ như mình đâu”. 

Có lẽ trong đời cầm viết, lần đầu tiên trong chuyến đi tác nghiệp gặp được người ở tù mới về kể chuyện vui như tết.

Anh Nguyễn Văn Chiến.

10 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Chiến, chủ tàu chuyên chở nước sạch đi bán gần bờ, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn. Anh cho chúng tôi quá giang ra cửa biển. Trên đường sông anh giải thích: “Mấy mươi năm trước cửa Bến Lội là bãi ngang bị sóng gió đánh dữ lắm, cửa biển luôn bị bồi lấp, nhiều khi bà con lội qua lội lại được nên gọi là Bến Lội. Sau này nhà nước cho nạo vét luồng xây đê, đổ đá làm bờ. Mấy năm nay cửa biển đã cố định, các tàu thuyền tỉnh bạn cũng đổ về. Các anh đến vào mùa gió chướng nên đa số ghe tàu neo đậu, chứ ngày thường nhộn nhịp lắm”.

* * *       

Cù My là vùng đất lành, mãi đến 40 năm trước vẫn còn là vùng cát biển hoang vắng bóng người. Từ khi tỉnh chủ trương khơi dậy nghề cá bằng việc nâng cấp cảng biển mở đường giao thương du lịch, Cù My tự đứng dậy như Chàng trai Phù Đổng nhổ bụi tre hậm hực nhìn về biển Đông. Từ việc Bình Châu lên phố có thể nói rằng nơi nào nhà nước đầu tư đúng hướng hợp với lòng dân, tự nó sẽ cất cánh mà không cần trải thảm kêu gọi đầu tư.

Ký sự: Trần Đại - Thanh Vọng
.
.
.