Ước mơ đẹp của cô giáo không phấn, không bục giảng

Thứ Sáu, 18/11/2016, 16:46
Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, Nguyễn Ngọc Tâm (Yên Quang, Ý Yên, Nam Định) đã bị mắc bệnh xương tủy tinh. Dù bệnh tật nhưng cô gái trẻ ấy chưa khi nào vơi đi ước mơ trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng truyền cảm hứng cho học sinh.


Tưởng chừng ước mơ ấy mãi là ước mơ, nhưng với nỗ lực không biết mệt mỏi, Ngọc Tâm đã trở thành cô giáo dù không phấn, không bục giảng.

Số phận éo le

Không qua một lớp đào tạo sư phạm, không được học cao nhưng Tâm đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề "gõ đầu trẻ" dù mới ngoài 20 tuổi. Có chứng kiến lớp học đặc biệt của "cô giáo" Tâm mới thấy con người ấy yêu nghề giáo viên, nghị lực phi thường thế nào.

Trải qua hơn 10 năm, cô gái tật nguyền ấy bằng nỗ lực của bản thân, kiến thức ít ỏi của mình quyết tâm mở lớp học miễn phí cho các bạn nhỏ trong xã khiến không ít người cảm phục.

Dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng Tâm chưa khi nào tắt nụ cười lạc quan.

Tâm bắt đầu câu chuyện cuộc đời mình bằng nụ cười rất lạc quan. Có lẽ sinh ra là người đặc biệt nên 9 tháng mang thai đối với mẹ Tâm cũng rất đặc biệt. Chỉ đến khi chị cất tiếng khóc chào đời thì mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng niềm vui ấy chỉ được tính bằng phút khi mọi người phát hiện chị mắc căn bệnh quái ác. Một chân của Tâm bị ngoặt lên trên bụng mà không thể duỗi được thẳng ra.

Nhà vốn chẳng khấm khá gì nhưng cha mẹ quyết định chạy vạy tiền để chữa bệnh cho con. "Bố mẹ em phải vay mượn anh em, họ hàng, rồi cả hàng xóm để đưa em lên Bệnh viện Nhi Thụy Điển phẫu thuật chân. Khi ấy gia đình em gần như kiệt quệ" - Tâm rưng rưng kể.

Sau lần phẫu thuật chỉnh hình đó, chân của cô bé Tâm chỉ có thể duỗi thẳng ra mà không thể đi được. Cuộc đời Tâm gắn liền với xe lăn, với chiếc giường và bốn bức tường lạnh lẽo.

Đến tuổi đi học, nhìn những bạn cùng trang lứa được cắp sách tới trường mà em chỉ biết khóc, biết tủi cho mình. Tâm thèm được đi học, thèm được như bạn bè, em quyết định xin với ông bà, bố mẹ cho mình được đến trường.

Nhìn đứa con tật nguyền đòi đi học mà mọi người không cầm được nước mắt. Biết bao câu hỏi ập đến với bố mẹ Tâm: Liệu con có theo học được không? Đến bản thân còn không tự lo được thì đến trường sao theo được bạn bè? Rồi học liệu có tương lai gì?

Có lẽ bố mẹ là người hiểu con nhất, họ quyết định cho Tâm được đến trường. Họ hiểu những nguyện vọng, khát khao của con gái. Thế là, dù ngày nắng hay mưa, hết ông ngoại rồi đến mẹ thay nhau cõng Tâm đến trường.

Tâm kể lại: "Ngày đó, bố mẹ xin cho em vào lớp 1 luôn để theo kịp các bạn cùng trang lứa. Khi mới đi học, em run lắm, chỉ biết ngồi im thôi vì chưa biết đọc, biết viết bảng chữ cái. Thấy vậy, bố mới nghỉ làm để dạy em học bảng chữ cái. Chỉ 2 ngày được bố kèm cặp, em đã thuộc lòng bảng chữ cái rồi".

Suốt trong quãng thời gian được đến trường, Tâm là người hiểu hơn ai hết nỗi vất vả của bố mẹ, ông bà. Vì thế học trò nhỏ tật nguyền ấy luôn đạt kết quả rất tốt trong học tập.

Suốt 9 năm học, Tâm đạt 20 tấm giấy khen các loại. Nghị lực, sự ham học của Tâm khiến không ít thầy cô giáo, bạn bè thán phục. Khi ấy, ước mơ lớn nhất của Tâm là trở thành cô giáo.

Nhưng ước mơ ấy dường như sẽ không bao giờ trở thành hiện thực khi học hết THCS (năm 2007), em phải nghỉ học vì sức khỏe giảm sút nhiều.

Ước mơ trở thành cô giáo là động lực để Tâm sống mạnh mẽ hơn.

"Lúc đó thực sự em rất buồn, rất thất vọng vì ước mơ trở thành cô giáo của mình đã không thành hiện thực. Thế nhưng chưa khi nào em quên đi ước mơ ấy" - Tâm chia sẻ.

Cô giáo đặc biệt

 Sau khi nghỉ học vì lý do sức khỏe, ước mơ trở thành cô giáo cứ ngày một lớn dần hơn. Tâm quyết định mở lớp dạy miễn phí cho các bạn nhỏ trong thôn. "Trong lúc đang theo học cấp II, em có kèm thêm mấy bạn học sinh trong làng rồi.

Một phần để giết thời gian, một phần để thỏa mãn ước mơ trở thành cô giáo. Sau này các em có tiến bộ, bố mẹ các em có nhờ kèm các em đến hết lớp 9" - Tâm hạnh phúc kể lại.

Sau một thời gian hoài nghi về khả năng của Tâm thì các phụ huynh đã dần tin tưởng. Hơn nữa lớp học ấy chủ yếu là các em có hoàn cảnh khó khăn, đến sẽ được Tâm củng cố lại kiến thức mà không mất tiền học phí.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều phụ huynh tìm đến nhà Tâm để gửi con. Không chỉ dừng lại là các em học sinh trong làng, trong xã, trong huyện rồi sang cả các huyện khác.

Tâm cùng gia đình.

"Để các em không bị xáo trộn, em sắp xếp lịch rất cụ thể vào 2 ngày cuối tuần. Buổi sáng em dạy học sinh cấp I, buổi chiều dành cho các em cấp II. Vào thời gian các em được nghỉ hè, số lượng học sinh đến học đông hơn, có hôm tới 50 em" - "cô giáo" Tâm tâm sự.

Việc dạy học vốn là một điều khó khăn không chỉ với những người được qua đào tạo, với Tâm còn khó khăn gấp bội. Bên cạnh những kiến thức từng được học khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hằng ngày Tâm tự trau dồi kỹ năng sư phạm để các em dễ dàng tiếp thu kiến thức.

Thế nhưng, tất cả những thứ ấy chưa phải là khó khăn, rào cản với Tâm. Khó khăn nhất với "cô giáo" trẻ ấy là sức khỏe, là căn bệnh xương thủy tinh, và rất nhiều bệnh khác cô phải gánh chịu.

Tâm rưng rưng kể: "Từ khi sinh ra mà em đã mắc bệnh xương thủy tinh, càng lớn thì càng mắc thêm nhiều bệnh. Khi bệnh càng nhiều thì sức khỏe của em lại càng yếu đi, nhiều khi ốm vừa tiêm vừa dạy học sinh để đảm bảo không ảnh hưởng tới việc học của các em".

Có những lần bệnh viêm phế quản tái phát, kéo dài cả tháng, mỗi ngày tiêm 3-4 mũi, uống cả vài chục viên thuốc. Ngủ cũng không thể nằm được mà phải ngủ ngồi. Cả tháng trời như thế, ngồi 24/24 tiếng một ngày, thế nhưng "cô giáo" Tâm không đầu hàng.

"Lúc đó em vừa ngậm thuốc vừa dạy. Nhiều khi cũng muốn buông xuôi lắm nhưng mỗi khi thấy các em học tốt, tiến bộ và nhận được những tấm giấy khen, giải thưởng là bao mệt mỏi trong người tan biến". Tâm kể.

Trong số những em theo học tại lớp học đặc biệt của "cô giáo" Tâm đã có rất nhiều học sinh được vào đội tuyển cấp tỉnh, sau này đỗ đạt vào các trường đại học, cao đẳng danh tiếng.

Có lẽ đó là động lực, là niềm vui không thể kể xiết với một cô gái trẻ yêu nghề giáo như Tâm. Mắt Tâm như sáng rực lên: "Cũng có nhiều em đỗ đạt lắm, gần đây có em Trần Thị Hằng đang là sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ; em Nguyễn Trà My học Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định; rồi em Trần Văn Hảo đỗ Đại học Xây dựng Hà Nội; hay em Nguyễn Thị Hương đang học Trường đại học Bách khoa Hà Nội".

Lật giở những trang thơ, Tâm chia sẻ, lớp học đặc biệt của mình được ví vỏn vẹn trong một bài thơ có tựa đề: "Lớp học của tôi" do chính Tâm sáng tác:

 "Không phấn, không bảng, không bục giảng

Giáo án không, chỉ có một tấm lòng

 Tri thức mang theo, hành trang ta tích lũy

 Bước ngoặt đầu đời nhớ công sức thầy cô.

 Em bé tật nguyền mơ làm cô giáo,

 Gian khó cũng nhiều, nhưng rồi cũng vượt qua

Mỗi buổi học, mang theo bao hạnh phúc

Cô với trò tíu tít bên nhau…"

Bên cạnh niềm vui cùng học trò, "cô giáo" Tâm còn có sở trường làm thơ, mà như Tâm nói: Làm thơ để nói lên nỗi lòng, tâm sự của mình. Lấy cuốn sổ nhỏ, Tâm đọc cho chúng tôi bài thơ về chính cuộc đời mình, đó là bài khi em mới học lớp 7: "Tuổi thơ em không được vẹn tròn

Khi em ra đời, đôi chân không duỗi thẳng

Di chứng chiến tranh, nỗi đau dai dẳng

Ngấm vào thịt xương, dân tộc, giống nòi

Tuổi thơ em, cay đắng thiệt thòi

Không được nhảy dây, hái hoa, bắt bướm…".

Ngoài sáng tác thơ, Tâm còn viết cả truyện ngắn, trong đó có truyện ngắn mang tiêu đề: "Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ - Hạt giống tâm hồn" đã đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi "Tôi có một ước mơ" do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào năm 2001.

Điều đặc biệt nữa, mỗi lần nhận giải thưởng hay nhuận bút, Tâm đều trích số tiền đó để mua sách vở cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hoặc mua một chút bánh kẹo để cô trò cùng vui trong những giờ giải lao.

Chia tay chúng tôi, "cô giáo" đặc biệt Nguyễn Ngọc Tâm chia sẻ: "Động lực lớn nhất của em là nhìn thấy các em học sinh của mình thành đạt. Ngày nghỉ, lê, Tết các em trở về quê, thăm cô, mọi người cùng trò chuyện, kể cho nhau nghe chuyện học tập, cuộc sống.

Và em cũng muốn nhắn nhủ với những bạn cùng cảnh ngộ với mình rằng: Dù khó khăn, đau đớn, thậm chí thất bại nhưng nhất định không được gục ngã, đầu hàng. Chỉ cần chúng ta có ý chí, nghị lực, đam mê và nỗ lực hết mình từng ngày, từng giờ, cố gắng thực hiện ước mơ và không được từ bỏ ước mơ thì tôi tin rằng chúng ta có thể thực hiện được ước mơ đó".

Có lẽ ước mơ trở thành cô giáo, và cuộc sống gắn với nghiệp dạy học ấy đã giúp cô gái thiệt thòi mạnh mẽ hơn trước vô vàn khó khăn của cuộc đời.

Phong Anh
.
.
.