“Tình bạn” cảm động của bà cụ lượm ve chai và hai chú chó

Thứ Ba, 05/07/2016, 13:30
Hơn 30 năm ngủ lề đường, vỉa hè, gia sản lớn nhất của bà là hai con chó. Bà ăn cơm trắng với muối Tây Ninh, nhường thịt cá cho chó. Người bà dơ bẩn, chua loét, móng tay móng chân thâm đen, cáu xỉn nhưng chó thì được tắm rửa chải chuốt tinh tươm.


Bà yêu chó hơn bản thân mình, bởi sống giữa thành phố phồn hoa hào nhoáng này, chả có ai chơi với bà ngoài hai con chó.

Khổ đau đến tận cùng

Ngần ấy năm ở thành phố, chẳng ai biết tên thật của bà, họ thường gọi “bà ve chai nuôi chó”. Bà thì mặc kệ, ai muốn gọi sao cũng được bởi vốn dĩ bà đã không có danh phận gì ở cái xã hội này.

Bà cho tôi xem tấm ảnh đen trắng duy nhất chụp từ thời con gái có ghi tên đầy đủ là Trần Thị Sinh, quê Trà Vinh. Trước khi chết, cha mẹ dặn bà phải giắt tấm ảnh này trong người, để có ai hỏi còn biết mà khai.

Sáng nào bà Sinh cũng dẫn hai chú chó đi kiếm ăn.

Cha mẹ bà Sinh đẻ được 7 người con nhưng đều chết non cả, người nào lâu nhất cũng chỉ được 3 tuổi, bà Sinh cũng ốm dặt dẹo mãi nhưng chắc do số cao nên không chết. Chiến tranh loạn lạc, cha mẹ dắt bà Sinh lên Sài Gòn sinh sống, được một thời gian lại quay về Trà Vinh làm ruộng rồi ông bà đều bị bệnh tật chết hết.

Lúc ấy Sinh mới 15 tuổi, không biết bấu víu vào ai nên theo người bà con quay trở lên Sài Gòn. 18 tuổi, Trần Thị Sinh lấy chồng. Nhà chồng cho căn nhà nhỏ bên quận 4 làm chỗ chui ra chui vào.

Năm ấy Nhà nước khuyến khích những hộ gia đình không có công ăn việc làm đi kinh tế mới ở Phước Long (Bình Phước), vợ chồng bà Sinh bán căn nhà lấy chút vốn liếng hăm hở lên đường. Đến nơi ở mới lạ nước lạ cái nên ông chồng bị sốt rét triền miên.

Bà đưa chồng về thành phố chữa trị nhưng ông đã không qua khỏi. Năm ấy bà vừa bước sang tuổi 30, đèo bòng thêm đứa con gái mới 6 tháng tuổi. Chồng chết, không nhà không tài sản, bà ôm con ra đường, bắt đầu kiếm sống bằng nghề lượm ve chai. 

Những ngày tháng lang thang, lê lết vỉa hè có người đàn ông bán vé số muốn “kết tóc xe tơ” với bà, nhưng bà từ chối. Bà trả lời: “Tôi rách rưới nghèo hèn thế này không thể sánh đôi cùng ông được. Tôi muốn an phận nuôi con”.

Con gái 16 tuổi, gặp anh chàng phụ hồ từ Bến Tre lên, hai đứa thương nhau vậy là bà gả luôn. Gia đình họ không chê bà nghèo sao? Bà tặc lưỡi: “Thì nhà họ cũng đâu có gì, chỉ có chiếc xuồng lênh đênh trên sông”.

Con gái bà sinh một mạch ba đứa con, rồi quần quật lo miếng cơm manh áo cho chúng, không còn hơi sức đâu để ý đến chồng. Anh chồng dính vào ma túy, phủ phê trong thế giới bệnh tật chết chóc. Một ngày, anh lê cái thân xác tiều tụy, kiệt sức về nhà ăn bám vợ.

Chăm mãi mà chồng ngày càng hom hem, xác xơ, hóa ra “con ết” đã ngấm vào người từ bao giờ. Anh chồng chết giữa bầy con ngơ ngác, ánh mắt vợ thảng thốt, hoang mang. Linh tính mách chuyện chẳng lành, bà Sinh giục con gái đi kiểm tra xem có lây “siđa” không?

Cầm tờ xét nghiệm dương tính HIV, người vợ ngã khụyu ra giữa đường, bầy con thơ khóc thét vì sợ hãi. Buồn tủi, lo lắng, hoảng loạn, con gái bà Sinh đã “ra đi” khi vừa bước sang tuổi 36.

Bà Sinh được “thừa hưởng” một đàn cháu, đứa út vừa cai sữa mẹ. Việc đầu tiên bà làm là tức tốc đi xét nghiệm HIV cho ba cháu, bà thở phào nhẹ nhõm khi tất cả đều âm tính.

Thôi thì có đói nghèo, khổ sở cũng còn tương lai, chứ chẳng may nhiễm phải căn bệnh thế kỷ giống cha mẹ chúng thì còn gì là đời nữa. Đó chính là động lực duy nhất để bà Sinh vượt qua những tháng năm ăn cơm rơi, ngủ lề đường nuôi cháu.

Ở góc đường Võ Thị Sáu, Nguyễn Thông (quận 3, TP. Hồ Chí Minh), ngay gần Bệnh viện Mắt, từ xe ôm đến bà bán nước đều là những ân nhân của bà, giúp bà nuôi đàn cháu khôn lớn. Họ chia cho bà từng miếng cơm khô, từng ổ bánh mì héo quẹo, từng ngụm nước thừa.

Những người bảo vệ Bệnh viện Mắt thường làm lơ cho bà chạy vào nhà vệ sinh tắm gội, gột rửa mớ bụi bặm sau nhiều ngày lăn lộn ngoài vệ đường. Có người hảo tâm thấy cảnh bà cháu nheo nhóc đã giúp đỡ đưa thằng út vào mái ấm tình thương nuôi ăn học.

Xe ve chai là toàn bộ tài sản của bà.

Còn đứa con gái mới chớm 16 thì có tình yêu, bà đồng ý cho hai đứa tách ra sống cùng nhau với điều kiện, đói khổ không được về ăn vạ bà. Thằng cháu trai lớn nhất cũng “thoát li” đi theo bạn làm gì không biết mà gần năm nay không thấy mặt mũi đâu.

Còn một mình, bà Sinh lủi thủi với xe ve chai. Mỗi ngày, bà lượm lặt được khoảng 30 ngàn, đủ mua ký cơm trắng ăn cả ngày. Có vài người tốt muốn đưa bà vào chùa ở nhưng bà chưa đồng ý, vì còn lo cho thằng cháu út học xong.

Da ngăm đen cộng với ở bẩn, càng làm cho khuôn mặt của bà Sinh tối tăm, bần hàn. Mấy năm nay người ta hay đuổi bà, họ bảo bà xấu xí quá làm “bẩn” thành phố. Vậy là mỗi lần bị đuổi, bà lại đẩy xe chạy khắp các ngõ ngách, có người dân thương tình mở cửa cho bà chui vào nhà trốn khi nào tình hình yên thì ra. Riết rồi cũng quen, bà đã chai sạn với hoàn cảnh này.

Yêu chó hơn cả bản thân

Đêm tháng 10 ba năm về trước, khi đang nằm co quắt vỉa hè của vựa ve chai gần nhà ga Hòa Hưng, bà giật thót mình vì có tiếng chó khóc. Con chó nhà bên cạnh không chịu ăn, đêm kêu ư ử không cho ai ngủ nên bị chủ nhà đánh.

Thế là cả đêm hôm ấy bà không tài nào chợp mắt được, thi thoảng lại chồm sang hé mắt nhìn chú chó nằm rên, thương đến quặn lòng.

Sáng hôm sau, bà liều miệng hỏi ông chủ: “Nếu ông không nuôi thì bán cho tôi”. Ông chủ nhìn bà đầy hoài nghi rồi cũng buông một câu hững hờ: “Bà có tiền mua không? Hai trăm nghìn”.

Bà bảo ông chủ chờ cho một ngày. Cả ngày hôm đó, bà nhịn ăn, dồn tổng lực lượm ve chai, bán thêm con dao, chiếc chậu tắm cộng với số tiền để dành vừa đủ hai trăm ngàn, bà giao tiền, nhận chó.

Lần đầu tiên trong đời bà mua được con chó, bà sung sướng không thể tả nổi. Người ta cho cơm thừa, bà chỉ ăn cơm thôi, còn thịt cá để dành cho chó. Bà chưa bao giờ dám uống sữa, nhưng sẵn sàng rút hầu bao mua cho chó.

Tình cảm của bà với chó như tình mẹ con, vốn khổ đau và mất mát. Từ ngày có chó bên cạnh, đêm nào bà cũng ngủ được một giấc thật dài, thật say.

Bên cạnh xe ve chai, chú chó lẽo đẽo chạy theo, quấn quýt lấy chủ. Tháng trước, ông chủ nhà hàng trên đường Nguyễn Thông gọi bà lại hỏi: “Bà còn sức nuôi thêm một con chó nữa không? Tôi cho”. Bà há mồm cười, chả còn chiếc răng nào trên lợi: “Ông cho thì tôi nhận, chỉ khi nào tôi chết mới không còn sức”. Vậy là bà có thêm một “đứa con”, chó của bà có thêm một “người em”.

Từ ngày có chó, bà Sinh cười nhiều hơn, hạnh phúc hơn.

Hai chú chó, hai miệng ăn, có ngày chúng tranh nhau ăn hết của bà, chỉ còn lại ít cơm trắng bà ăn với muối. Con chó của nhà hàng quen ăn thịt, không chịu ăn cơm nên nuôi rất vất vả, tốn kém, lượm được bao nhiêu ve chai chỉ đủ mua thịt cho nó.

Nhiều người khuyên bà bán bớt một con đi, nhưng bà nhất định không bán. Bà bảo: “Đời tôi chỉ có hai con chó làm bạn, bán đi rồi tôi chơi với ai. Giữa thành phố phồn hoa đô hội này, nhiều người giàu có nhìn tôi còn không bằng loài chó”.

Bà nói mà nước mắt ứa ra, hai chú chó chồm lên liếm bằng sạch, rồi nó cũng chảy nước mắt. Thật không tin nổi, sao bà huấn luyện chó siêu vậy? Bà xua tay phân trần: “Tôi đâu có biết huấn luyện, chúng sống cạnh tôi lâu ngày, hễ thấy tôi khóc là khóc theo”.

Những ngày thành phố mưa gió tơi bời, bà Sinh vận chiếc áo mỏng tanh, quần đen đứt chui buộc túm, chân đi dép lê mòn nửa gót, run rẩy nép mình dưới mái hiên ngôi nhà cao tầng. Bên cạnh, hai chú chó lông vàng ươm, béo múp liên tục liếm nước mưa táp vào mặt khổ chủ. Người ta bảo trên đời này, hiếm có tình bạn nào sâu thẳm, trong sáng như bà Sinh và 2 chú chó.

Hơn 30 năm sống lề đường, ngủ vựa ve chai đã thành thói quen, giờ đã 71 tuổi rồi, bà Sinh không còn cảm giác xấu hổ khi danh dự, nhân phẩm của mình bị chà đạp, coi thường, bởi đơn giản bà không quan tâm đến thế giới hào nhoáng xung quanh. Với bà, hai con chó chính là bạn, là niềm vui, là lẽ sống. Bà ôm chó vào lòng, sung sướng cười rung rinh hàm lợi.

Xe ve chai là toàn bộ tài sản của bà.
Ngọc Thiện
.
.
.