Kỳ tích mới xác lập tại Việt Nam: Em bé ra đời từ trứng trữ đông lạnh

Thứ Ba, 11/04/2017, 15:01
Bé gái nửa tháng tuổi bụ bẫm con chị Đỗ Hoài Thu là em bé đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp trữ đông lạnh trứng tại Bệnh viện Bưu điện, Hà Nội. Phương pháp này thành công đã mở ra cơ hội làm mẹ cho cả các bệnh nhân nữ phải điều trị hóa trị, xạ trị ung thư, những người phụ nữ nhiều tuổi “muộn” chồng…


Bế trên tay cô con gái nửa tháng tuổi bụ bẫm đang ngủ ngon sau khi bú, chị Đỗ Hoài Thu, 28 tuổi, trú tại tỉnh Hà Nam vẫn chưa dám tin đó là sự thật. 5 năm chạy chữa, chờ đợi với bao hy vọng, thậm chí có cả tuyệt vọng, vợ chồng chị Thu không thể ngờ được rằng, con gái mình lại là em bé đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp trữ đông lạnh trứng tại Bệnh viện Bưu điện, Hà Nội. 

Phương pháp này thành công đã mở ra cơ hội làm mẹ cho cả các bệnh nhân nữ phải điều trị hóa trị, xạ trị ung thư, những người phụ nữ nhiều tuổi “muộn” chồng…

Cơ may sau 5 năm chạy chữa

Năm 2012, chị Đỗ Hoài Thu và anh Trần Đức Thanh, SN 1981, 2 công nhân Nhà máy Xi măng tại tỉnh Hà Nam kết hôn với nhau. Một năm trôi qua mà anh chị vẫn chưa có tin vui. Sốt ruột, chị Thu cùng chồng đi khám và được bác sỹ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội chẩn đoán chị bị buồng trứng đa nang, khả năng thụ thai thấp. 

Sau đó, chị Thu đã 2 lần áp dụng phương pháp IUI - bơm tinh trùng vào trứng nhưng cũng không thành công. Không chỉ chạy chữa bằng tây y, nghe theo lời mọi người mách bảo, 2 anh chị còn đi khắp đây đó bốc thuốc nam, thuốc bắc uống nhiều năm qua cũng chưa có kết quả. 

Nhớ lại giai đoạn đó, chị Thu tâm sự với chúng tôi: “Có những lúc em cảm thấy tuyệt vọng nên động viên chồng đi bước nữa vì em biết lỗi là do em. Thế nhưng, anh Thanh nắm chặt đôi bàn tay em động viên an ủi vợ chồng cứ cố gắng chạy chữa. Nếu không được thì nhận con nuôi”. 

Lời động viên ấy đã tiếp tục thôi thúc trong chị Thu khát khao làm mẹ và làm vợ một cách trọn vẹn. Mặc dù lương công nhân chỉ đủ ăn nhưng vợ chồng chị Thu tằn tiện chi tiêu thậm chí là vay mượn anh em để có tiền chạy chữa tìm may mắn.

Bác sỹ Vương Vũ Việt Hà (ngoài cùng bên trái) cùng vợ chồng chị Đỗ Hoài Thu vui mừng chào đón em bé.

Đầu năm 2016, nghe lời một người bạn giới thiệu, vợ chồng chị đã đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện để làm thụ tinh ống nghiệm. Tháng 6-2016, sau nhiều nỗ lực, khi chị Thu đã có trứng tốt thì anh Thanh lại không thể lấy được tinh trùng. 

“Lúc đó vừa giận nhưng vừa thương chồng. Anh ấy một mình chạy đôn chạy đáo lo các thủ tục, chăm sóc vợ nên thể trạng, tinh thần mệt mỏi, thậm chí là căng thẳng”, chị Thu chia sẻ. 

Thế rồi, khi được các bác sỹ thông báo về phương pháp trữ trứng đông lạnh, vợ chồng chị Thu đã đồng ý để chờ lấy tinh trùng. Một tháng sau đó, khi tinh trùng đã có, bác sỹ tiến hành thụ tinh ống nghiệm. Nửa tháng sau ngày cấy phôi vào tử cung, vợ chồng chị Thu như òa vỡ khi cầm tờ kết quả thử máu cho thấy chị đã có thai. 

Kết quả, ngày 27-3-2017, một bé gái kháu khỉnh nặng 3,2kg đã được chào đời. “Do em đẻ mổ nên 2 ngày đầu cháu Chíp (tên gọi ở nhà của bé) phải ăn sữa ngoài. Giờ thì cháu bú hoàn toàn sữa mẹ và trộm vía ăn ngoan, ngủ ngoan chị ạ!”, chị Thu hạnh phúc chia sẻ.

Bác sỹ Vương Vũ Việt Hà vui mừng bế em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp trữ đông lạnh trứng tại Bệnh viện Bưu điện

Mang ý nghĩa nhân văn

Ít ai ngờ được rằng, bác sỹ đã thực hiện thành công ca thụ tinh bằng phương pháp trữ trứng đông lạnh đầu tiên tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện lại là bác sỹ trẻ Vương Vũ Việt Hà, SN 1988. Tốt nghiệp Học viện Quân y chuyên ngành sản khoa, năm 2014, bác sỹ Hà nhận công tác tại Trung tâm. 

Bác sỹ Hà kể: Khoảng tháng 6-2016, chị Thu cùng chồng đến Trung tâm để làm thụ tinh ống nghiệm. Trước đó, chị đã được các bác sỹ áp dụng biện pháp kích trứng và thu được 17 trứng. Tuy nhiên, khi các bác sỹ tiến hành chọc trứng thì anh Thanh đã không thể lấy được tinh trùng. Bác sỹ Hà đã tính đến phương án mổ tinh hoàn để lấy tinh trùng. 

Tuy nhiên, phương án này cho khả năng thu được tinh trùng non là rất cao, tỉ lệ thụ tinh thấp nên sau khi hội chẩn cũng như được sự đồng ý của 2 vợ chồng chị Thu, các bác sỹ đã quyết định áp dụng phương pháp trữ đông trứng để chờ tinh trùng. 

Tháng 7-2016, sau khi lấy được tinh trùng của anh Thanh, từ 17 quả trứng rã đông sau khi cho thụ tinh đã tạo ra 5 phôi. Sau đó, các bác sỹ đã lựa chọn 3 phôi tốt nhất chuyển vào tử cung. 15 ngày sau đó, kết quả thử máu cho thấy chị Thu đã mang thai.

Em bé chào đời bằng phương pháp trữ đông lạnh trứng đầu tiên tại Bệnh viện Bưu điện.

Nói về phương pháp trữ đông lạnh trứng, bác sỹ Vương Vũ Việt Hà cho biết, trứng là tế bào to nhất của cơ thể. Tế bào càng to thì khả năng đông trữ càng khó khăn. Tế bào trứng lớn nên dễ bị tổn thương, dễ tạo ra những tinh thể trong bào tương. Trước đây có phương pháp đông lạnh trứng chậm nhưng hiện nay Trung tâm đã áp dụng phương pháp đông lạnh nhanh từ Nhật Bản nghĩa là thủy tinh hóa, cho kết quả tương đối cao. Trứng rã đông cho tỉ lệ thụ thai khoảng 35%. 

Phương pháp trữ đông lạnh trứng đã được đưa về Việt Nam từ năm 2003 tại Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có báo cáo nào cho thấy đã có em bé Việt Nam được chào đời bằng phương pháp này. 

Theo bác sỹ Vương Vũ Việt Hà, ca đông trứng thành công của chị Thu sẽ tạo tiền đề thuận lợi đối với việc áp dụng phương pháp đông trứng khi cần cho bệnh nhân. Trong một số trường hợp, phương pháp này có ý nghĩa nhân văn rất to lớn. 

Trước hết, đối với các nữ bệnh nhân bị ung thư, chuẩn bị được điều trị bằng hóa trị, xạ trị, bởi hóa trị và xạ trị rất độc hại đối với buồng trứng thì phương pháp đông lạnh trứng sẽ giúp cho họ bảo toàn được trứng. Khi việc điều trị ung thư kết thúc, trứng sẽ được rã đông và họ vẫn có thể có con như phụ nữ bình thường. 

Ngoài ra, đông trứng còn mở ra nhiều cơ hội cho những phụ nữ tuổi cao nhưng chưa muốn xây dựng gia đình. Có nhiều người phụ nữ do mải mê công việc, do chưa gặp được người đàn ông của cuộc đời mình, mà có thể lỡ đi cơ hội làm mẹ. 

Về mặt sinh học, số lượng và chất lượng trứng sẽ giảm mạnh khi tuổi của người phụ nữ càng cao lên. Số nang noãn của buồng trứng giảm sâu ở phụ nữ trên 35 tuổi. Nguy cơ bất thường về nhiễm sắc thể (ví dụ hội chứng Down, Turner) ở con cũng tăng lên với những người mẹ lớn tuổi. 

Do đó, việc đông trứng sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ có thể lưu giữ một số lượng trứng có chất lượng tốt khi tuổi còn trẻ. Số trứng này sẽ được rã đông, thụ tinh và họ có thể có con trong tương lai khi các điều kiện về tình cảm, tâm lý và tài chính thuận lợi hơn.

Trong câu chuyện với chúng tôi, vợ chồng chị Đỗ Hoài Thu không giấu được niềm vui: “Chúng em dự định sẽ đặt tên con là Hà để cảm ơn bác sỹ Vương Vũ Việt Hà đã mang đến cho chúng em một hạnh phúc quá lớn”. Niềm vui, hạnh phúc của gia đình chị Đỗ Hoài Thu thực sự là dấu mốc quan trọng, mở ra thêm cơ hội làm mẹ bằng phương pháp trữ trứng đông lạnh cho nhiều chị em phụ nữ khác.

Nguyễn Hương
.
.
.