Tranh cãi về quan tài vàng chứa thi thể được cho là của Vua thứ 18 Ai Cập cổ

Thứ Sáu, 04/01/2019, 09:01
Sau khi qua đời, toàn bộ đài tưởng niệm Akhenaten bị tháo dỡ, cất giấu. Tượng của ông cũng bị phá hủy, tên bị gạch ra khỏi danh sách pharaoh còn thi thể thì bị đem chôn giấu. ancient-origins ngày 4-1 cho hay.


Akhenaten, hay còn được gọi là Amenhotop IV, là vị vua (pharaoh) của thời kỳ Vương triều thứ 18 của Ai Cập cổ đại (1543-1292 trước Công nguyên [TCN]. Ông sinh năm 1353 TCN, trị vì được 17 năm và qua đời vào năm 1336 TCN. Akhenaten nổi tiếng với việc từ bỏ tôn giáo đa thần truyền thống của Ai Cập để theo đuổi việc thờ phụng Thần Aten. Bên cạnh đó, vị pharaoh này còn cố gắng chuyển đổi, tách rời nền văn hóa Ai Cập ra khỏi tôn giáo truyền thông. Tuy nhiên, ý tưởng này không được nhiều chức sắc, thần dân chấp nhận.

Chân dung của pharaoh Akhenaten được tìm thấy trong ngôi mộ mang mã danh KV55

Sau khi qua đời, toàn bộ đài tưởng niệm Akhenaten bị tháo dỡ, cất giấu. Tượng của ông cũng bị phá hủy, tên bị gạch ra khỏi danh sách pharaoh còn thi thể thì bị đem chôn giấu. Tuy nhiên, theo phóng sự “Phát hiện mới của Ai Cập” (Egypt New Discoveries) của Amazon, một phát hiện có thể đã hé lộ nơi yên giấc ngàn thu của vị pharaoh này.

Theo Daily Star Online, trong series phóng sự, Tiến sĩ Khảo cô Zahi Hawass đã hé lộ chân tướng bí ẩn đằng sau ngôi mộ mang mã danh KV55.

“Ngôi mộ này không có chữ khắc nào nhưng lại có 22 cầu thang và một gian phòng lớn”, ông Hawass cho hay.

Quan tài làm bằng vàng của pharaoh Akhenaten

“Một bức chân dung bị hỏng của Akhenaten đã được tìm thấy cùng với 4 lọ tán chứa nội tạng của 1 xác ướp. Bên trong quan tài vàng có một bộ xương. Rất có thể đây chính là pharaoh Akhenaten”.

Tuy nhiên, kết luận này đã vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia khảo cổ. Lý do là đã có các bằng chứng cho thấy đã có người đi vào lăng mộ vào khoảng Vương triều thứ 20 của Ai Cập cổ đại. Vào thời gian này, bất cứ thi thể nào nằm trong mộ cũng sẽ bị di dời và thay thế bằng một xác ướp khác.

Hưng Minh
.
.
.