Những điều ít biết về tân Đệ nhất phu quân Anh

Thứ Ba, 02/08/2016, 16:43
Sau khi chính thức được bổ nhiệm thay thế ông David Cameron hôm 13-7, tân Thủ tướng Anh Theresa May đã sánh bước cùng phu quân Philip May đi vào số 10 phố Downing. Từ nay cặp đôi kết hôn từ năm 1980 Theresa May-Philip May sẽ sống trong ngôi nhà quyền lực nhất xứ sở sương mù.

Và khi được hỏi liệu vợ có thể trở thành một Thủ tướng giỏi hay không, ông Philip May tự tin tuyên bố: "Bà ấy sẽ là một Thủ tướng xuất sắc, bà ấy luôn giữ được bình tĩnh".

Bờ vai vững chắc

Là người ủng hộ vợ trong chiến dịch trưng cầu dân ý, cũng như sự nghiệp chính trị, nhưng ông Philip May rất ít khi đứng cạnh bà Theresa May trước ống kính phóng viên. Người ta những tưởng vợ chồng tân Thủ tướng không có nhiều tiếng nói chung khi bà Theresa May đam mê chính trị, còn ông Philip May chỉ tập trung cho công việc đầu tư kinh doanh nhưng thực tế lại không phải như vậy. 

Tuy tránh xa chính trường, theo đuổi sự nghiệp kinh doanh tài chính và khá thành công, nhưng ông Philip May luôn ủng hộ và khuyến khích bà Theresa May trong sự nghiệp chính trị. 

Nữ Thủ tướng thứ hai của nước Anh cũng vừa thổ lộ: "Chồng tôi đã ủng hộ tôi rất nhiều, với tôi điều này vô cùng quan trọng. Ý tôi là ông ấy thực sự là bờ vai vững chắc cho tôi, và ông ấy vẫn luôn như thế kể từ khi chúng tôi kết hôn". Mặc dù là người không ở trong giới chính trị (cho dù cũng từng muốn trở thành một chính trị gia), nhưng sau khi vợ trở thành người phụ nữ quyền lực nhất nước Anh, ông Philip May bỗng trở thành tâm điểm của giới truyền thông.

Ông May được cho là đã ủng hộ sự nghiệp chính trị của vợ. 

Trong khi bà Theresa May chuyển từ hoạt động tài chính để tham chính không lâu sau khi tốt nghiệp trường Đại học Oxford, thì ông Philip May tiếp tục gắn bó với sự nghiệp tài chính khoảng 40 năm qua. 

11 năm trước, ông Philip May giữ chức Giám đốc quan hệ khách hàng cho Capital Group (một trong những định chế tài chính lớn nhất, quyền lực nhất thế giới, quản lý khối tài sản lên tới 1,4 nghìn tỷ USD), với nhiệm vụ tìm hiểu nhu cầu và đảm bảo khách hàng hài lòng với dịch vụ của tập đoàn. Và đã xây dựng cho mình một sự nghiệp trong ngành tài chính khi từng làm việc tại các tập đoàn hàng đầu như Prudentio Portfolio Managers và Deutsche Asset Management. 

Có một chi tiết đáng quan tâm, đó là trong bài phát biểu mới đây, bà Theresa May khẳng định, tân chính phủ sẽ bắt đầu trấn áp các doanh nghiệp cố tình né thuế, đồng thời nêu đích danh 2 cái tên Amazon và Starbucks - 2 khách hàng lớn của Tập đoàn Capital Group, nơi ông Philip May đang làm việc.

Sau khi bà Theresa May trở thành tân chủ nhân của căn nhà số 10 phố Downing, cũng là lúc ông Philip May được biết tới với tư cách Đệ nhất phu quân thứ hai của nước Anh. Bởi trước đó, khi bà Margaret Thatcher trở thành nữ Thủ tướng, ông Denis Thatcher lập tức được "thần dân" xứ sở sương mù tôn vinh là Đệ nhất phu quân thứ nhất. 

Và khi được hỏi về thông tin nói rằng, ông là "ngài Thatcher thứ hai", ông Philip May đã mỉm cười và nói: "Chỉ có một ngài Denis Thatcher thôi". 

Theo giới truyền thông Anh, vì có nhiều điểm chung, nhất là sở thích với môn thể thao cricket nên ông Philip May và bà Theresa May đã kết hôn vào năm 1980 tại Wheatley, Oxfordshire, sau 4 năm quen biết. 2 người gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1976, tại một buổi tiệc của Hiệp hội ủng hộ phe bảo thủ tại trường Đại học Oxford. 

Có tin nói rằng, 2 người nên duyên vợ chồng sau một buổi khiêu vũ ở trường Đại học Oxford qua lời giới thiệu của cố Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto. Điều đáng nói là mặc dù sống hạnh phúc bên nhau gần 40 năm qua, nhưng 2 người lại không có con. 

Bà Theresa May không chia sẻ chuyện riêng tư, nhưng tân Thủ tướng từng tỏ ý nuối tiếc về việc này khi trả lời phỏng vấn tờ The Guardian 7 năm trước: Điều đó đã không xảy ra và 2 chúng tôi đều bị ảnh hưởng bởi việc này. Có những thứ bạn mong muốn xảy ra, nhưng hiện thực lại không thể. Tôi biết có rất nhiều cặp đôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Tuy được gọi với biệt danh "bà đầm thép" thứ hai của nước Anh, và chuẩn bị bước vào tuổi lục tuần, nhưng người ta vẫn phải ngưỡng mộ trước gu thời trang của bà Theresa May. Bởi điểm nổi bật và dễ thấy nhất trong phong cách ăn mặc của nữ Thủ tướng chính là thời thượng và lịch lãm - khiếu thẩm mỹ tinh tế là điểm cộng của bà Theresa May. Có tờ báo nhận định rằng, gu thẩm mỹ về những đôi giày, nhất là đôi gót nhọn có họa tiết da báo đã thể hiện cá tính đặc biệt của bà Theresa May trên chính trường.

Thách thức phía trước

Chỉ vài giờ sau khi bà Theresa May nhậm chức Thủ tướng Anh, nhiều lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đồng loạt hối thúc "bà đầm thép" phải nhanh chóng khởi động tiến trình đưa Anh rời khỏi EU. 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk là người đầu tiên gửi lời chúc mừng, tiếp đến là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz, Tổng thống Pháp Francoise Hollande, Thủ tướng Bỉ Charles Michel và họ đều kêu gọi bà Theresa May không nên trì hoãn các cuộc đàm phán để Anh chia tay theo quyết định Brexit. 

Bất chấp sự thúc giục của các nhà lãnh đạo EU, bà Theresa May cho biết, tân chính phủ cần có thời gian trước khi chính thức khởi động tiến trình đàm phán Brexit. 

Trong mắt giới chuyên môn, bà Theresa May là người theo chủ nghĩa thực tế nên đã vượt qua những hỗn loạn trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit một cách bình yên vô sự.

Ông bà May kết hôn năm 1980.

Là con gái của một mục sư đạo Tin lành, là người giữ chức Bộ trưởng Nội vụ lâu nhất trong nửa thế kỷ tại Anh, là nữ Chủ tịch đầu tiên của đảng Bảo thủ, nên sau khi trở thành Thủ tướng, bà Theresa May được kỳ vọng sẽ trở thành "hậu duệ xuất sắc của bà đầm thép Margaret Thatcher. Năm 2002, bà Theresa May trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của đảng Bảo thủ dưới thời Thủ tướng Tony Blair. 

Global News nhận định, kể từ khi nắm quyền tại Bộ Nội vụ, bà Theresa May đã đưa ra nhiều chính sách nhằm cải cách nạn tham nhũng trong đội ngũ cảnh sát, ủng hộ mạnh mẽ bình đẳng giới và hôn nhân đồng tính, cũng như thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong Quốc hội. 

Bà Theresa May được coi là người phụ nữ mạnh mẽ và quyết đoán, dám đấu tranh cho nữ quyền. Trong thời gian bà Theresa May giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, tỷ lệ phạm tội ở Anh giảm rõ rệt và xứ sở sương mù không có một vụ tấn công khủng bố lớn nào xảy ra trong 6 năm qua.

Tên gọi đầy đủ của bà Theresa May là Theresa Mary Braiser, sinh ngày 1-10-1956 tại Eastbourne, East Sussex, bờ biển phía Đông Nam nước Anh. Theo giới truyền thông, bà Theresa May có cách sống khác với nhiều chính trị gia hiện đại bởi khá kín tiếng về đời tư và hầu như không chia sẻ thông tin cá nhân trước công chúng. 

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Anh, bà Theresa May tiết lộ, một trong những sở thích lớn nhất của bà là nấu ăn - có hơn 100 cuốn sách dạy nấu ăn. Ngoài ra, đi bộ trên núi cũng là môn thể thao được bà hâm mộ. 

Theo tờ Mirror, trước khi tham chính, bà Theresa May từng đảm nhận các công việc có liên quan tới lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Bởi sau khi tốt nghiệp đại học, bà Theresa May làm việc tại Ngân hàng Anh, sau đó làm tư vấn tài chính và cố vấn cấp cao về các vấn đề quốc tế tại Hiệp hội dịch vụ thanh toán Anh. 

Trở thành nghị sỹ quốc hội của đảng Bảo thủ năm 1997 và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ năm 2010, vai trò và uy tín của bà Theresa May ngày càng được củng cố, và đó là những tác nhân giúp người phụ nữ này leo tới đỉnh cao nhất trên chính trường Anh.

Tuy là một trong những người ủng hộ việc Anh ở lại EU, nhưng ngay sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được công bố, bà Theresa May lập tức tuyên bố: Brexit là Brexit và với tư cách là Thủ tướng, tôi đảm bảo nước Anh sẽ rời EU. 

Dư luận khá bất ngờ trước quyết định bổ nhiệm cựu Thị trưởng London, ông Boris Johnson làm Ngoại trưởng, thay thế ông Philip Hammond của bà Theresa May. Bởi ông Boris Johnson là thủ lĩnh của chiến dịch Brexit. Dư luận hy vọng, bà Theresa May sẽ là người kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, giúp "cuộc ly hôn" giữa Anh với EU diễn ra êm thấm và các bên không bị thiệt hại quá lớn.

Anh Phương
.
.
.