Những chuyến "hàng người"

Chủ Nhật, 15/05/2016, 15:37
Biến đồng loại thành những món hàng béo bở, đưa qua biên giới để bán làm vợ, làm nô lệ tình dục hoặc lao động cho những ông chủ xứ người có lẽ là việc làm tàn nhẫn và vô lương tâm nhất trong số những việc mà pháp luật không cho phép. Thế nhưng, vì hám lợi, phần vì nhận thức hạn chế, nhiều người đã tiếp tay cho cái ác, bán cả người thân, họ hàng của mình.


Ngăn chặn những chuyến "hàng lỗi"

Ngày 11-5, Thiếu tá Lô Văn Thao, Phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết: Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ hai vợ chồng Moong Văn Tuyên (SN 1972) và Vi Thị Hồng (SN 1974), cùng trú bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn và hai đối tượng Moong Mẹ Pheng (SN 1984) và Lương Mẹ Khăm (SN 1986), trú tại bản Chà Ca I, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn để điều tra về hành vi mua bán người.

Trong đó, Mẹ Pheng và Mẹ Khăm có quan hệ là chị dâu em chồng, đã liên hệ với vợ chồng Tuyên để bán chính em gái của Mẹ Khăm là em Lương Thị Pê (SN 2001) sang Trung Quốc với giá 80 triệu đồng. Khi đang trên đường đưa "hàng" đi giao dịch thì bị phát hiện và bắt quả tang.

Cháu Moong Thị Tân Mão, 4 tuổi, nạn nhân của một vụ mua bán người may mắn được giải cứu sau 20 ngày bị lừa bán.

Cụ thể, theo tài liệu điều tra của Ban chuyên án, đầu tháng 5-2016, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc tại địa bàn xã Bảo Thắng thường xuyên có sự xuất hiện của hai vợ chồng Moong Văn Tuyên và Vi Thị Hồng.

Các đối tượng này có những biểu hiện bất minh và thường lén lút trao đổi với nhau, đồng thời có những liên hệ mật thiết với gia đình chị Lương Mẹ Khăm. Điều khiến các trinh sát lưu tâm là hai vợ chồng Tuyên - Hồng có hai đứa con, hiện đang làm ăn và sinh sống ở Trung Quốc.

Gần đây, trên địa bàn Kỳ Sơn nói riêng và các huyện miền Tây Nghệ An đang rộ lên vấn nạn mua bán người, bắt cóc trẻ em bán qua biên giới, trong khi Lương Mẹ Khăm đang có cô em gái là Lương Thị Pê khá xinh xắn, không loại trừ các đối tượng đang có âm mưu lừa bán cháu Pê sang Trung Quốc để kiếm lời.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau thời gian bí mật theo dõi mọi di biến động của các đối tượng, xác định đang có âm mưu đưa người sang Trung Quốc, Công an huyện Kỳ Sơn đã quyết định xác lập chuyên án để đấu tranh, làm rõ.

Đến ngày 7-5, nguồn tin cho biết, các đối tượng đã bàn bạc và đi đến thống nhất, tối cùng ngày sẽ đón xe khách để đưa "hàng" là cháu Lương Thị Pê, em gái ruột của Lương Mẹ Khăm xuống TP Vinh, sau đó tiếp tục bắt xe ra Móng Cái để sang Trung Quốc bán cho đối tác với giá 100 triệu đồng.

Điều đáng phẫn nộ là việc mua bán này được chị gái của Pê là Lương Mẹ Khăm và chị dâu là Moong Mẹ Pheng đồng ý. Xác định thời điểm phá án đã đến, Ban chuyên án quyết định "cất vó".

Đến khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày, khi Moong Văn Tuyên vừa đón cháu Lương Thị Pê từ một người quen chở bằng xe máy đến địa điểm bản Chà Ca I, xã Bảo Thắng để chuẩn bị đón xe khách về TP Vinh thì Ban chuyên án đã ập đến bắt quả tang.

Qua điều tra mở rộng vụ án, Moong Văn Tuyên khai nhận: Đầu tháng 5 vừa qua, Tuyên và vợ là Vi Thị Hồng, đã  bàn bạc và thống nhất mua em Lương Thị Pê với giá 80 triệu đồng qua chị dâu và chị gái ruột của em Pê là Moong Mẹ Pheng và Lương Mẹ Khăm.

Từ lời khai này, mở rộng điều tra, đến 8 giờ ngày 8-5, Công an huyện Kỳ Sơn đã bắt khẩn cấp Vi Thị Hồng, Moong Mẹ Pheng và Lương Mẹ Khăm để tiếp tục điều tra.

Phối hợp tuyên truyền đến tận thôn, bản về tệ nạn mua bán người ở Nghệ An.

Tại cơ quan Công an, Vi Thị Hồng khai nhận, vợ chồng đối tượng định mua em Pê để bán sang Trung Quốc cho một người quen tên là Vi Thị Yến, trú tại bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu, hiện đang sống ở Trung Quốc với giá 100 triệu đồng, trên đường đi thì bị Công an Kỳ Sơn bắt quả tang. Hiện, chuyên án đang được Công an huyện Kỳ Sơn mở rộng điều tra.

Trước đó, vào ngày 28-4, Công an huyện Con Cuông (Nghệ An) cũng đã phá thành công một chuyên án, bắt đối tượng Lương Thị Xuân (SN 1961), trú tại bản Hồng Điện, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông để điều tra về hành vi mua bán người.

Trong thời gian từ tháng 12-2015 đến đầu tháng 4-2016, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con dân tộc thiểu số, Xuân đã lừa bán 4 phụ nữ sang Trung Quốc để làm vợ những người đàn ông bản địa.

Số tiền có được từ việc giao dịch này, Xuân đã không chia phần cho gia đình các nạn nhân nên ngày 4-4, các gia đình có con em bị lừa bán này đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan Công an.

Sau khi vào cuộc điều tra, xác minh nguồn tin có cơ sở, Công an huyện Con Cuông đã quyết định bắt tạm giam 3 tháng đối với Lương Thị Xuân để phục vụ công tác điều tra. Bước đầu, Xuân thừa nhận hành vi phạm tội đúng như đơn tố cáo của công dân.

Cũng tại địa bàn Nghệ An, chiến công xuất sắc lần đầu tiên giải cứu thành công nạn nhân của tệ nạn mua bán người từ bên kia biên giới, là việc Công an huyện Tương Dương phá chuyên án, bắt 5 đối tượng vì đã có hành vi bắt cóc, bán cháu bé Moong Thị Tân Mão (SN 2011), trú tại bản Na Bè, Xá Lượng (Tương Dương) bán sang Trung Quốc với giá 70 triệu đồng.

Ngày 15-4, lợi dụng cháu Mão ở nhà không có ai trông coi, 3 đối tượng người cùng bản với cháu bé là Quang Thị Loan, Cụt Văn Nghệ (SN 1977) và Quang Thị Lân (SN 1980) đã bắt cóc cháu và giao cho Xên Văn Long (SN 1970), trú tại bản Pủng, xã Lưu Kiền (Tương Dương) để đưa sang Trung Quốc bán. Long là đối tượng nằm trong một chuyên án mua bán người đã được Công an huyện Tương Dương xác lập và đang tiến hành điều tra.

Đã có rất nhiều đối tượng phải vào tù vì tội mua bán người.

Được sự tiếp tay của "má mì" Lữ Thị Thúy, trú tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), cháu Mão đã được Long đưa qua biên giới, bán 70 triệu đồng cho một gia đình gần Bắc Kinh để làm con nuôi.

Sau 20 ngày lần theo dấu vết của những kẻ buôn người, đến sáng 5-5, Ban chuyên án đã đưa được cháu Moong Thị Tân Mão trở về nhà an toàn và bàn giao cho gia đình trong niềm hạnh phúc vỡ òa.

Nhức nhối vấn nạn mua bán người

Miền Tây Nghệ An những năm gần đây đã trở thành "bãi đáp" của những kẻ mua bán người. Nhiều bản làng vắng đàn bà, chỉ đàn ông con trai với trẻ nhỏ đã không còn xa lạ.

Nguyên nhân của tệ nạn mua bán người tại các huyện miền Tây xứ Nghệ có nhiều, song theo ý kiến phát biểu đánh giá của Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tại Hội nghị triển khai chỉ đạo điểm thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người năm 2016, do Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cùng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tệ nạn xã hội và Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh Nghệ An tổ chức vừa qua, thì nguyên nhân chính là có quá nhiều người ở Nghệ An bị lừa bán sang Trung Quốc.

Từ nạn nhân, nghe theo lời dụ dỗ, rủ rê của kẻ xấu, họ đã hồi hương về quê cũ để lôi kéo, lừa phỉnh các nạn nhân khác, vô hình trung biến mình thành "mẹ mìn" chỉ vì hám lợi trước mắt.

Tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, theo bà Trương Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An), thì qua khảo sát thực tế, hiện nay trên địa bàn huyện Quế Phong có 22 nạn nhân là phụ nữ nghi bị mua bán hiện đang vắng mặt ở địa phương hoặc đang ở nước ngoài.

Trong khi đó, tại huyện Tương Dương, theo ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện, tính đến thời điểm này, số người của huyện Tương Dương ra nước ngoài lao động bất hợp pháp là hơn 2.300 người, trong đó có hơn 1.200 phụ nữ và phần lớn là bị lừa bán.

Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015, Nghệ An đã phát hiện 65 vụ, 135 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người. Cơ quan chức năng đã khởi tố điều tra 63 vụ, 132 bị can tham gia lừa bán 121 phụ nữ, trẻ em.

Phát hiện, triệt xóa 7 đường dây, giải cứu 26 nạn nhân bị buôn người, tập trung xác minh hàng chục đường dây nghi hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em. Riêng năm 2015 đã phát hiện bắt giữ 20 vụ, 45 đối tượng liên quan đến mua bán người, giải cứu 29 nạn nhân.

Cơ quan CSĐT đã hoàn tất hồ sơ chuyển Viện Kiểm sát truy tố 67 vụ, 125 bị can; TAND các cấp đã thụ lý xét xử 56 vụ, 86 bị cáo liên quan đến tội phạm mua bán người. Nạn nhân mà các đối tượng buôn bán người nhắm tới chủ yếu là trẻ em và phụ nữ từ 14 đến 30 tuổi, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn hoặc đua đòi ăn chơi, số em gái có tư tưởng thoát ly công việc lao động tại các khu công nghiệp.

Địa bàn hoạt động chủ yếu là các bản làng vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật và hiểu biết xã hội có phần hạn chế. Với chiêu bài tuyển dụng công nhân làm việc tại các công ty, công việc nhàn hạ, lương cao nên các đối tượng dễ dàng lôi kéo các trẻ em gái và nhiều phụ nữ nhẹ dạ sau đó bán sang bên kia biên giới.

Thiên Thảo
.
.
.