Người phụ nữ trồng chè và hành trình cưu mang chàng trai tật nguyền

Thứ Hai, 13/11/2017, 14:24
Trong căn chòi ở gần mỏ đá thuộc huyện Đại Từ (Thái Nguyên), chàng trai nằm thoi thóp, phía dưới giòi nhặng bu kín. Hai tháng kể từ ngày cha qua đời, cậu không còn người thân, căn chòi nhỏ chỉ còn mình cậu nằm liệt giường với cơ thể lở loét, đau đớn.


Cậu sống nhờ vào lòng tốt của hàng xóm và chú thím mỗi ngày mang sang cho bát cơm. Sợi dây nối cậu với cuộc sống bên ngoài duy nhất là ánh sáng qua cánh cửa sổ. Cậu cứ nghĩ rằng mình nằm đó cho đến ngày chết đi, nhưng vào một ngày cách đây 2 năm, cậu được một phụ nữ nghèo trồng chè đưa về nuôi.

Số phận bi thương của chàng trai 28 tuổi

Tôi gặp chàng trai tại Hà Nội trong một khung cảnh xúc động. Cậu hòa lẫn trong dòng người cũng có cảnh ngộ như mình, đều bị liệt do chấn thương cột sống phải ngồi xe lăn. Cậu có gương mặt tuấn tú, cười nói vui vẻ với bạn bè, sự tự tin toát ra từ ánh mắt. Nhưng trong số những người phải ngồi xe lăn ở đây, cậu là đặc biệt nhất.

Thoạt nhìn, tôi không khỏi hoảng hốt. Cậu bị cắt cụt đến phần mông. Để phần cơ thể ngồi dựa được thế này bác sĩ phải phẫu thuật tái tạo từ đùi lên. Do xương sống hỏng nhiều nên cậu phải mặc áo giáp cho cố định, nếu bỏ ra là cơ thể sẽ sụm xuống.

Hảo và mẹ nuôi tại Hà Nội dự Hội nghị trù bị thành lập Hội Chấn thương cột sống.

"Để có được như hôm nay, em đã vượt qua cửa ải của cái chết không biết bao nhiêu lần. Người tái tạo cuộc sống cho em hôm nay chính là mẹ em" - cậu rơm rớm nước mắt nhìn về người phụ nữ ngoài 50 tuổi. Bà là mẹ nuôi của cậu, người mẹ này không sợ cậu bệnh tật, không sợ cậu trở thành gánh nặng đã đưa về chăm sóc.

Chàng trai đó là Phạm Văn Hảo (28 tuổi, ở xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Hảo mồ côi mẹ từ khi lên 9, nhà nghèo, bố lại đau ốm liên miên, chị gái không được khôn đã đi lấy chồng xa, vì thế cậu nghỉ học sớm để xin đi làm thuê ở  mỏ đá. Thế rồi vào năm 2008 mỏ đá xảy ra tai nạn, Hảo bị đá đè vào người tưởng chết.

Tỉnh dậy sau sống sót, Hảo sụp đổ khi biết mình đã bị liệt. Hai tháng sau, cha Hảo bệnh nặng qua đời, cậu trở thành bơ vơ. Hảo nằm liệt trên chiếc giường khoét một lỗ, mỗi ngày bà chủ mỏ đá sang đổ chậu chất thải, chú thím ở cạnh nhà mang cho bát cơm.

Chàng trai có nghị lực phi thường

Căn nhà nhiều năm không người quét dọn. Do không người trông nom, lau rửa nên cơ thể hảo rất nặng mùi. Cậu tưởng rằng mình chỉ nằm chờ chết, nhưng không ngờ có một ngày, mình lại có được tình yêu thương của người mẹ.

Đó là lần đầu tiên cậu gặp người phụ nữ mang gương mặt phúc hậu. Bà đi cùng một nhóm người đến thăm cậu. Bà không ngại ngần động vào cơ thể Hảo, nâng cậu lên. Cậu đọc được ánh mắt kinh hoàng nhưng tràn đầy đau xót khi bà lau vết lở loét đã bâu đầy rồi trên phần xương cụt của cậu.

Giây phút đó, cậu như nhìn thấy cả bầu trời đầy ánh sáng, một sự ấm áp lan tỏa mà rất lâu rồi cậu không có được. Cậu đã chảy nước mắt khi nhận được tình cảm của bà giống như cậu tìm được người thân. "Không ngờ rằng đó lại là giây phút đưa mẹ đến với em, có ngày em được làm con của mẹ"- Hảo xúc động tâm sự.

Tôi gặp lại Hảo lần thứ hai là cậu cùng mẹ xuống Bệnh viện 108 để chuẩn bị cho ca phẫu thuật. Đây là lần thứ 5 cậu phẫu thuật và điều trị tại bệnh viện này, bên cạnh lúc nào cũng là người mẹ nuôi đã gom góp, chạy vạy tiền cùng cậu trên hành trình chữa bệnh đầy đau đớn và mỏi mệt.

Bó xương sống và lắp đặt áo giáp cho Hảo

Sự kỳ diệu của tình người

Nghe câu chuyện về Hảo, khi gặp cậu và người mẹ nuôi, những cảm xúc trong tôi thật khó nói thành lời. Bà là người phụ nữ hiếm hoi trên đời lại làm được việc mà nhiều người khó tưởng tượng tới. Bà nhận nuôi một người tàn tật nặng như Hảo, chăm sóc cậu không khác gì những đứa con ruột thịt.

Mà việc chăm sóc Hảo lại không hề bình thường, nó là cả một quá trình vất vả, mệt mỏi, đầy lo toan, đau đớn và nước mắt. Đó chỉ có thể là tình yêu thương xuất phát từ tận đáy lòng của một người mẹ dành cho con mình thì mới có thể làm được điều đó.

Kể về hành trình nhận nuôi một người bệnh nặng như Hảo, bà Đinh Thị Thương (ở xóm 7, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đã khóc với chúng tôi. Bà nhớ lại, vào đầu năm 2015 bà cùng với một số chị em xứ đạo đến thăm Hảo.

Trong căn nhà tối om, bốc mùi hôi thối, bà nhìn thấy một chàng trai gầy yếu nằm trên giường, dưới gầm giường là một chậu phế thải lần chất dịch nhầy, ruồi nhặng bay đầy. Bà nhấc Hảo lên, da thịt cậu bong theo, gần xương cụt một đám hoại tử to đầy giòi bọ.

Một niềm xót thương dâng lên trong bà, vừa lau người cho Hảo, bà vừa khóc. Kể từ đó, hình ảnh chàng trai với gương mặt khôi ngô và đôi mắt sáng ám ảnh bà vào trong mỗi giấc ngủ. Thỉnh thoảng bà lại chạy qua lau rửa và đem thức ăn cho cậu.

Từ nhà bà sang nhà Hảo cách 8 cây số, nên bà đã trình Cha xứ đón cậu về Giáo xứ Đại Từ để tiện chăm sóc. Nhưng sau mấy tháng thì Hảo có vẻ bệnh nặng, vết hoại tử lan rộng, bà xin Cha xứ cho đón cậu về nhà làm thủ tục nhập khẩu và chính thức nhận Hảo làm con nuôi.

Không chỉ chăm sóc Hảo, bà Thương còn cùng cậu chiến đấu với bệnh tật tại nhiều bệnh viện. Bà là mẹ của 5 người con, đứa con lớn mắc bệnh động kinh, tuy đã có vợ và hai con nhưng anh không làm được việc gì, vợ chồng bà gần như phải nuôi.

Con gái út của bà năm nay học lớp 11, ông bà chỉ có nghề làm ruộng và trồng chè, cuộc sống luôn khốn khó. Nhiều người bảo bà nhà mình còn lo không xong lại thêm một gánh nặng nữa. "Nhưng biết làm sao được, tôi thương Hảo như con ruột của mình, khi nào còn sức khỏe là tôi còn chăm con được"- gương mặt phúc hậu của người phụ nữ khi trò chuyện với chúng tôi thỉnh thoảng lại rưng rưng nước mắt.

Ngày mới đưa Hảo về, vết hoại tử lan rất nhanh, cậu bị nhiễm trùng sốt liên miên. Đưa đi bệnh viện bác sĩ trả về. Bà lại tỉ mẩn rửa vết thương cho cậu, nhìn những đốt xương sống mềm vụn sắp rơi ra bà lại đau thắt. Bà gom hết tiền dành dụm và được bà con thiện nguyện góp 5 triệu đồng, hai mẹ con bắt xe xuống Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội).

Hảo với cháu bé con một người cùng cảnh ngộ.

Do phần xương sống hỏng nhiều, phần chân không còn cảm giác, các bác sỹ buộc phải cắt bỏ đôi chân của Hảo sát đến khớp háng, lấy phần thịt, da đùi đặt vào chỗ mông, sau đó chạy vách để hút dịch ra và hút thịt đầy lên.

Do xương sống của Hảo đã mất nhiều, nên bác sỹ phải tháo hết cùng cụt, sau đó cố định cột sống với xương cụt. Bac sĩ tư vấn cho gia đình may cái áo giáp để nâng đỡ cơ thể cho cậu, nếu không thì cơ thể cậu không ngồi được. Áo giáp 12 triệu đồng, bà chỉ có 7 triệu, thế là lại phải chạy vạy, trình bày, kêu gọi để cơ sở làm áo giáp hỗ trợ Hảo 2 triệu đồng, còn các cá nhân thiện nguyện gom góp được 5 triệu đồng.

Do các vết thương hở đã khép da miệng, nên cậu rất dễ bị sốt, nhiễm bệnh. Tháng 8-2016, sau một lần phẫu thuật, cậu nhiễm trùng máu, sốt kéo dài. Đầu năm nay cậu bị áp xe phổi, cũng sốt gần 2 tháng.

"Suốt đêm con sốt lúc nóng, lúc lạnh, 2 tháng liền tôi không ngủ nên cuối cùng mệt quá mà ốm. Nhìn mẹ thức thâu đêm trông nom mình, con bảo hay thôi mẹ con mình về đi, con không sống được đâu, mẹ vất vả vì con quá.

Nhưng tôi bảo, mẹ vất vả cũng không bằng đau đớn của con được" - bà Thương chia sẻ. Có khi lên cơn sốt không thở được, 11h đêm bà còn lao đi thuê bình ôxi về cho con. Bà kể rằng, khi đưa Hảo về nuôi, không chỉ bà mà chồng bà và 5 người con đều đồng ý.

Chồng bà là một người hiền lành, thương người, rất yêu quý Hảo. Hảo không tự phục vụ sinh hoạt cá nhân, ngay từ việc đánh răng đến đi đại tiểu tiện bà Thương tự tay làm hết, không để cho chồng và các con làm.

Nhưng ông thương vợ và Hảo nên mọi việc trong gia đình như cơm nước, giặt giũ, quét dọn ông đều đỡ đần cho bà. Con đi nằm viện, ông ở nhà lại lau dọn giường chiếu cho con.

"Các anh chị cũng quý em lắm, em thích ăn gì là các anh chị lại mang đến ngay, chúng nó sống với nhau rất vui vẻ"- bà Hảo không giấu được hạnh phúc khi kể về tình cảm của những đứa con mình dành cho người con nuôi. Bà bảo từ khi Hảo chưa được nhận nuôi, bà đã bảo các con đến thăm cậu để cho có tình thương.

Cần sự sẻ chia

 Nghị lực sống của chàng trai 28 tuổi thật đáng nể. Mỗi lần sốt, cơ thể tím đen, vật lộn đau đớn nhưng Hảo đều cắn răng chịu đựng, không kêu khóc để bà Thương bớt khổ tâm. Cách đây vài năm, một người bạn đã đăng ký giúp cậu tham gia vào nhóm những người bị chấn thương cột sống.

Cậu được gặp gỡ, giao lưu với trên một nghìn người cùng cảnh ngộ, từ đó trái tim cậu đã mở ra, tự ti cùng thống khổ cũng dần bị vùi lấp. Cậu được anh Lê Văn Hóa, một người bị chấn thương cột sống ở Quảng Bình gọi điện bảo làm thử mô hình nhà thờ bằng que tre và gỗ.

Mô hình nhà thờ do Hảo làm

Anh Hóa gửi ảnh ra cho Hảo xem, rồi cậu lên mạng tìm tòi, khát vọng có được một công việc cứ thế lớn lên. Vừa làm vừa học hỏi, đôi bàn tay tứa máu, khó nhọc cùng đau đớn khi ngồi lâu nhưng cuối cùng cậu đã thành công.

Sản phẩm đầu tiên hoàn thành, cậu lại làm cái thứ hai. Nhưng cậu phải đi viện suốt nên công việc gián đoạn rất nhiều. Cậu bảo đến nay mình mới làm được 2 mô hình nhà thờ, bán được giá từ 4 đến 5 triệu/mô hình, có thêm một chút thu nhập đỡ đần mẹ. "Ngoài công việc này em cũng không biết làm gì cả, em chỉ mong mình đủ sức khỏe để làm việc và tìm được đầu ra cho bớt vất vả"- Hảo tâm sự.

Hảo được hưởng trợ cấp người khuyết tật 540 nghìn đồng/tháng và 270 nghìn/tháng tiền chăm nom của bà Thương, nhưng bà bảo số tiền ấy không đủ mua bỉm và băng. Mỗi lần tắm, riêng tiền băng dính để che vết loét ở xương cụt đã hết hơn 100 nghìn, chưa kể bao nhiêu thuốc thang.

Khi tôi viết bài báo này, Hảo bước vào ca mổ cố định cột sống và xương chậu. Chồng bà Hảo cũng vừa từ Thái Nguyên xuống để giúp bà chăm con. Ca mổ chưa có kết quả, nhưng tôi chúc chàng trai có thêm nghị lực để bước tiếp.

Tôi nhớ mãi câu nói của cậu vào đêm trước của ca phẫu thuật, "em có một gia đình thương yêu mình như thế nên luôn nỗ lực để không phụ tấm lòng cao đẹp của cha mẹ". Cũng qua bài báo này, chúng tôi mong muốn những ai yêu mô hình mà Hảo đang làm, có thể đặt hàng hoặc tìm đầu ra giúp chàng trai, để cuộc sống của Hảo vơi bớt khó nhọc.

Để giúp chàng trai tật nguyền và người mẹ có tấm lòng cao cả, Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu, Báo CAND kêu gọi bạn đọc gần xa, các nhà hảo tâm hãy ủng hộ và giúp đỡ để Hảo tiếp tục chữa bệnh, chiến đấu giành giật với sự sống. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Ban Pháp luật - Bạn đọc, Báo CAND, 92 Nguyễn Du, Hà Nội, ĐT: 098.5696306, tài khoản: 0021000019774 Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội.
Trần Hằng
.
.
.