Người đàn bà “lập dị” chăm sóc hàng trăm người nhiễm H

Chủ Nhật, 13/03/2016, 19:25
Hơn một thập kỉ làm công việc an táng và chăm lo cho những người bị HIV mà không lấy bất cứ khoản chi phí nào, bà Bùi Thị Đông (65 tuổi, Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tiếp tục theo đuổi công việc mà nhiều người xa lánh, kì thị.


Khuôn mặt đầy đặn phúc hậu , người phụ nữ ở cái tuổi xế chiều với dáng người thấp đậm nhưng nhanh nhẹn đi đẩy xe rác, lau chùi bàn ghế thuê ở chợ Nhật Nhân, Tây Hồ, Hà Nội. Nhắc tới bà, không ai ở khu vực này là không biết, người đàn bà “lập dị” đi chăm sóc, mang lại tiếng cười và thậm chí tự tay khâm liệm cho những người bị nhiễm HIV khi họ qua đời.

Nói tới căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS, nhiều người đã nhanh chóng tránh xa và có thái độ kì thị, tuy nhiên nhiều năm qua người đàn bà “lập dị” này lại bỏ qua mọi lời nói và cái nhìn mỉa mai, gièm pha của mọi người về những người bị HIV để chăm sóc, tắm rửa, bón cho  ăn tới khi trút hơi thở cuối cùng.

Bà Đông chia sẻ, gia đình bà từng cóngười thân kém may mắn mắc phải căn bệnh này. Từ khi họ mắc bệnh cho tới lúc lìa đời, nhiều người, thậm chí là anh em tới nhưng lúc nào cũng bịt kín khẩu trang, tay chân đi găng và nhìn với ánh mắt sợ sệt. Bà nói: “Có lẽ họ sợ bị lây bệnh”. Còn người chồng nhiều năm đầu ấp tay gối cũng“hãi” bà và gia đình mà bỏ đi.

Bà Bùi Thị Đông – người phụ nữ chăm sóc cho hàng trăm bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.

“Nhìn thấy anhem, họ hàng tới mà cứ xa lánh cũng buồn , tủi lắm, con tôi đã vậy, nhiều thanh niên khác cũng bị gia đình ruồng bỏ. Họ cũng là con người, có chăng là đã không còn có ích gì cho xã hội và mang trong mình căn bệnh thế kỉ, nhưng họ cũng cần được mọi người yêu thương, chăm sóc tận tình đến lúc nhắm mắt xuôi tay” - bà Đông bộc bạch.

Trong số những người nhiễm HIV giai đoạn cuối, bà Đông không thể nào quên được hình ảnh tay chân lở loét, nước vàng chảy ra từ cánh tay, cơ thể của một chàng thanh niên tên Đức (39 tuổi ở Nhật Tân).

“Gia đình nó không dám vào vì sợ nhưng khi nhờ, hàng ngày tôi vẫn tới cho ăn, tắm rửa, rồi trò chuyện với nó như chính con của mình. Cho tới lúc chết, cũng là một tay tôi tắm, khâm liệm và đưa nó về thế giới bên kia” - bà tâm sự.

Từ khi làm công việc nguy hiểm này, bà Đông nhận được nhiều lời mời hơn, từ Hưng Yên cho tới các huyện, xã ven Nhật Tân cũng chở người tới nhờ bà chăm sóc. Bà cho hay, những năm trước, khi còn mảnh đất sau nhà, bà thường trồng những loại cây như hương nhu, hoa bưởi… rồi nấu lấy nước, đựng vào hai thùng to chở trên con xe đạp cà tang đi tới từng nhà tắm cho người bị nhiễm HIV.

Hàng ngày, bà làm công việc quét rác, lau chùi ở chợ Nhật Tân để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Ngày nào cũng vậy, người phụ nữ ấy không ngại vất vả, nguy hiểm và dù không được trả bất cứ đồng thù lao nào, bà vẫn vui vẻ làm, mang lại niềm vui nho nhỏ cho những số phận kém may mắn dính phải căn bệnh quái ác.

Bà nói: “Những người bị bệnh họ khổ lắm rồi, cũng không có tiền, mình làm bằng lương tâm chứ vài đồng bạc thì hơn thua gì...” – bà Đông chia sẻ.

Trong suốt quãng thời gian 11 năm bắt đầu  từ 2005 và “mối lương duyên” với người mang căn bệnh H, tính đến nay, bà Đông đã tự tay khâm liệm cho 47 người và chăm sóc hàng trăm người bị H khác.Bà cho biết, chỉ cần có người gọi điện bày tỏ nhờ chăm sóc là bà lập tức nhận lời và lên đường ngay bất chấp thời tiết.

Có nhiều hôm trời mưa to, một mình bà Thân lặn lội với bịch thuốc, đồ dùng trên vai rồi lẽo đẽo tới chăm sóc, trong 11 năm chưa lần nào bà bỏ mặc một người bệnh nào. “Có một đứa gần chợ, gia đình nó có bác sĩ nhưng cứ đeo băng khẩu, không dám tới gần, chỉ có tôi tới, tính tình tôi bình thường hay nói to chứ đến với các cháu là nhỏ nhẹ lắm, cho cháu nó ăn và tắm rửa tới lúc nào đi thì thôi. Lúc hấp hối, nó gọi và chờ tôi cho bằng được. Tới nơi nó mỉm cười rồi bảo cháu sắp đi rồi, bác có sức khỏe để lo cho những người như chúng cháu nhé rồi nhắm mắt, ra đi thanh thản”- bà Đông rưng rưng.

Để mưu sinh, hàng ngày, bà bán nước ở chợ Nhật Tân và đi dọn vệ sinh với thu nhập 3 triệu/tháng.Chị Hiền (Nhật Tân, Tây Hồ) bộc bạch: “Gia đình tôi có chồng dính phải HIV, từ lúc còn sống tới khi mất cũng do bà Đông chăm sóc. Hiện giờ tôi cũng mang trong mình căn bệnh thế kỉ và vẫn phải dùng thuốc nhưng hoàn cảnh khó khăn lắm. Với những nhà nghèo nghèo, bà Đông không lấy công còn cho tiền để dùng nữa”.

Đoàn Huyền
.
.
.