Nghiệt oan huyết thống

Thứ Tư, 18/11/2015, 19:06
Khi người đàn ông làm cha, người đàn ông sẽ có sự biến chuyển rất lớn về mặt tâm lý. Làm gì cũng nghĩ đến con, gắng sức đến mấy cũng mong đời con được ấm êm.

Tất nhiên, không phải đàn ông nào cũng vậy. Bởi đời sống luôn giăng mắc sẵn nhiều muộn phiền. Có điều, vĩnh viễn tôi vẫn không thể tìm được lời giải hợp lý cho câu hỏi, vì sao những người cha lại có thể nhân danh huyết thống để tước đi mạng sống của con mình, khi họ lâm vào tình trạng bế tắc.

Trong bài viết này, tôi không nói đến hành vi tương tự của những người mẹ. Dẫu rằng, là bố hay là mẹ gì đấy cũng đều không có quyền tước đoạt mạng sống của con. Tuy nhiên, phụ nữ vốn dĩ là loài yếu đuối và thường bi kịch hóa vạn sự.

Những thông tin buồn

Đầu tháng 11, dư luận choáng váng với thông tin toàn bộ 4 người trong một gia đình ở thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa tử vong. Một vụ thảm sát ngay lập tức hiện hữu trong tư duy của nhiều người. Nhưng rồi, các điều tra viên tìm thấy những dấu tích minh chứng đây là vụ trọng án đầu độc người thân trước khi tự sát.

Người đàn ông tuổi 45 làm ăn thất cơ lỡ vận cùng với số nợ hàng tỷ đồng đã cảm thấy không còn hy vọng vào cuộc sống, muốn tìm lối thoát theo cách tiêu cực nhất. Trước khi buông mình vào lối thoái đó, người đàn ông này còn muốn lôi theo vợ và hai con trai, người con lớn tuổi 23 còn người con nhỏ 12 tuổi.

Một đồng nghiệp thường trú tại Thanh Hóa chuyển cho tôi hình ảnh chụp nội dung bức thư của người đàn ông, một bức thư dài tám trang giấy học trò. Người đàn ông viết, “Tôi không còn nghị lực sống trên cõi đời này nữa vì vô cùng nhục nhã, không còn mặt mũi nào để nhìn thiên hạ và người đời nữa. Già thế này vẫn bị lừa vào tròng và bị lừa, bây giờ nó giở mặt quay ngoắt 180 độ, áp lực công việc tồn đọng, dở dang, nợ khối lượng các công trình, nợ thuế, nợ vay trong và ngoài. Tất cả là do tôi không biết tính toán. Tỉnh ngộ lại thì đã quá muộn. Xin người đời đừng trách cứ vợ tôi vì nó tôn trọng tôi, không tham gia vào chuyện làm ăn của tôi. Con xin lỗi mợ, các anh chị trong toàn gia đình. Con là đứa con bất hiếu, không làm được gì cho gia đình, mà còn làm tiếng nhơ cho cả dòng họ...”.

Ngoài ra, còn có đoạn “Cơ quan Công an nên vào cuộc để xử lý bắt giam thằng lừa đảo này; cơ quan báo chí ngôn luận Trung ương và địa phương viết lên báo đài”.

Lá thư tuyệt mệnh của người đàn ông tại Thanh Hóa.

Người đàn ông có nhiều lần nhắc đến tên một người đàn ông khác trong thư tuyệt mệnh, với đại ý chính vì người đàn ông này đã khiến cho gia đình của anh lâm vào thảm cảnh hiện tại.

Giữa tháng 9/2015, ở ấn Thạnh An, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Một người đàn ông khác đã khóa trái cửa căn nhà cấp 4 rồi châm lửa đốt, bên trong căn nhà ngoài người đàn ông còn có 3 đứa trẻ gọi người đàn ông là cha ruột.

Người đàn ông viết thư tuyệt mệnh để lại, trước xin lỗi hai bên nội ngoại, sau tâm sự đã chán chường cuộc sống này, đành chọn lối thoát ấy. Ngoài ra, người đàn ông còn để lại cho người vợ dòng chữ, “Anh không nuôi con nổi nữa nên sẽ đưa chúng đến một nơi tốt hơn. Em cứ tìm một cuộc sống sung sướng hơn đi…”.

Trong trạng thái dở tỉnh dở dại, người thân của người đàn ông cho biết vợ chồng họ hục hặc đã lâu, đang chờ tòa thụ lý đơn ly hôn. Vợ thuê căn nhà khác để trú ngụ, chồng ở lại nhà cũ cùng ba người con. Để níu kéo, người đàn ông đưa con đến chỗ trọ của vợ để sinh sống cùng, người vợ từ chối bằng cách lặng lẽ bỏ đi. Thảm kịch nảy sinh từ nguyên nhân này.

Vẫn gia đình của người đàn ông cho biết, vợ chồng người đàn ông nghèo khó mà thành duyên nợ. Lấy nhau rồi sinh con, cái nghèo cứ bám rịt lấy không rời. Người đàn ông quẳng mình vào bất cứ công việc làm thuê nào chỉ mong đủ tiền lo cho vợ con, thế nhưng vợ của người đàn ông vẫn không thoát khỏi sự tự ti gia cảnh.

Tôi không biết nữa, nhưng tôi ngờ ngợ câu chuyện lấy cái chết để làm sự dằn vặt cho người sống. Thật đau đớn đến xót xa, nhất là lúc mẹ của người vợ, tức bà ngoại của những đứa trẻ bị cha thiêu sống ấm ức, “Sau khi vụ việc xảy ra tới nay, con gái tôi đã phải chịu nhiều lời bàn tán không hay từ những người ác ý. Quả thực thì con gái tôi cũng có nỗi khổ tâm của nó. Nhưng có lẽ ít ai hiểu được mọi chuyện mà thông cảm cho nó”.

Mấy năm trước, tôi có thực hiện bài viết phía sau vụ án, chứng kiến những uất hận huyết thống không khác bi kịch đang hiện hữu là mấy.

Người đàn ông ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, buồn chán vì vợ bỏ nhà đi không lời từ biệt, không biết nguyên do. Người đàn ông trút tất cả nỗi chán chường ấy vào cô con gái duy nhất của hai vợ chồng, cháu bé mới vừa ba tuổi ấy vốn đã hứng trọn cú đánh của số phận ngay khi lọt lòng. Cháu bị bại não, cứ nằm èo uột một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người đỡ đần. Hai vợ chồng người đàn ông phải luân phiên nhau chăm sóc cho con. Nay vợ đi, và người đàn ông cảm thấy bế tắc. Cháu gái bị cha mình ép phải uống thuốc trừ sâu.

Lại nữa, bé trai 18 tháng tuổi ở trong căn phòng trọ tại phường An Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã không còn được cha cho phép tiếp tục sống. Trong cơn cuồng ghen, người đàn ông mà cậu bé gọi là cha hòa thuốc trừ sâu với sữa đút cho cậu bé. Đến khi thấy cậu quờ quạng chấp chới trong không khí mới hoảng loạn. Sự hoảng loạn vô cùng muộn màng, sự hoảng loạn đã không có cơ hội trấn tĩnh.

Xin đừng nhân danh

Trong cõi đời buồn bã này, điều làm tôi sợ hãi nhất là sự nhân danh. Bởi tôi luôn nghĩ, yêu thương phải tự nhiên như cây cỏ xanh sau mưa, như ruộng đồng nứt nẻ ngày nắng hạn.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều hành động nhân danh để bi kịch có cơ hội hiện hữu. Toàn nhân danh những điều tốt đẹp, nhân danh yêu thương, nhân danh lo lắng, nhân danh sử chở che. Nhưng làm sao có sự nhân danh để tước đi mạng sống của con mình bao giờ.

Quãng hơn mười năm trước, ở Pháp có sự kiện cực kỳ rúng động. Sự kiện ấy tạo nên những nguồn tranh luận hết sức gay gắt, đạo diễn Việt Linh có chép lại trong cuốn tản văn của mình. Tôi nhớ câu chuyện được bắt nguồn từ tình thương của người mẹ.

Cậu thanh niên con của người đàn bà này không may bị tai nạn giao thông, cậu không còn khả năng tự đi lại cũng như những cử động cơ bản nhất, cơ thể hoang tàn. Cậu nằm đó với hàng đống dây nhợ lằng nhằng, với bác sĩ, với thuốc giảm đau… Cậu chịu đựng vậy cho đến lúc cậu nói với mẹ, “Thưa mẹ, mẹ hãy yêu con đến tận cùng”.

“Yêu đến tận cùng”, như một lời cầu xin hãy giải thoát cậu ấy ra khỏi thế giới này. Trải qua rất nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng người mẹ nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ. Khi điều này diễn ra, “cái chết nhân đạo” là điều hết sức viển vông mà loài người có thể nghĩ ra.

Bà thuyết phục được vị bác sĩ, một liều thuốc êm ái đã giúp cậu thanh niên rời khỏi đời sống này. Người đàn bà gục xuống khóc nức nở. Tất nhiên, bà và vị bác sĩ kia phải vướng vòng lao lý. Hình như, tòa án xử họ án treo.

Khi đọc mẩu chuyện này, lòng tôi hoang mang quá đỗi. Tôi từng biết những thành viên của gia đình vừa khóc vừa lặng lẽ rút ống thở để người thân được ra đi. Nhưng không phải cá nhân nào cũng đủ dũng cảm làm điều đó. Xét bản thân mình, chắc chắn tuyệt đối tôi không làm được.

Tôi đọc điển tích, thấy có nhiều mối nợ oan khiên từ tiền kiếp mà kiếp này người gieo hoặc gặt món nợ ấy phải trả cho xong. Bằng lẽ công bằng của tạo hóa, người ta sẽ có những hình dáng, nhân thân phù hợp để trả cho kỳ hết món nợ được vay.

Mặc dù vậy, tôi vẫn tin hoàn toàn không có chuyện oan oan tương báo trong mối quan hệ huyết thống. Bởi không có đạo trời đất nào muốn chúng sinh chứng kiến những câu chuyện đớn đau đến vậy.

“Tử bất đắc xét”, nhưng dẫu sao thì có lúc không kiềm được lòng mình, đã viết trên trang facebook cá nhân, “Tôi thật không tìm ra bất cứ nguyên nhân nào để thông cảm cho người đàn ông ở Tây Ninh, kẻ đã phóng hỏa đốt nhà ép ba con cùng chết với lý do được các báo tường thuật là “Nghèo”. Trong câu chuyện đau lòng này, có chi tiết cần lưu ý đó là lá thư tuyệt mệnh để lại cho vợ, “Anh không nuôi nổi con, em tìm cuộc sống sung sướng hơn…”.

Đó như là một sự hờn trách, ghen tuông. Tôi đã từng chứng kiến cảnh người vợ tay ẵm con nhỏ đứng trên lầu ba, đòi nhảy xuống để tự vẫn cùng con nếu chồng không lập tức xuất hiện. Chồng của cô, theo cô suy đoán, đang có người phụ nữ khác.

Và cũng không phải chưa từng có những thông tin chồng hoặc vợ ép con chết cùng vì bị phản bội, bị phụ bạc, bị ruồng rẫy.

Chuyện gì đang xảy ra vậy? Chẳng có gì cả, ngoại trừ sự ích kỷ và muốn trả thù. Những người ấy, họ muốn tăng sự dằn vặt đau khổ cho đối tượng mà họ nhất thiết phải trút sự thù hận bằng cách tước đi sinh mạng con thơ.

Họ chỉ nhân danh cá nhân mình trong vạn sự. Bất chấp, hành động của họ là tội ác khôn cùng. Ông trời không phải lúc nào cũng có mắt. Bởi nếu ông trời có mắt, những đứa trẻ đã được bình yên!

Nghèo, không phải là một cái cớ hợp lý để ăn vạ đời sống. Bế tắc cũng vậy”.

Quan trọng hơn không ai có quyền lấy ý chí chủ quan của bản thân để ép người khác phải chết cùng, cho dù người ấy có quan hệ huyết thống hay xa lạ!

Kinh Hữu
.
.
.