Khi cảnh sát tác nghiệp cùng nụ cười

Thứ Hai, 25/01/2016, 15:36
Chuyện học cười nghe có vẻ kỳ khôi nhưng không chỉ ở nước ta mà một số nơi trên thế giới đã yêu cầu cảnh sát phải biết cười. Ông M.Hassan, người đứng đầu cảnh sát Malaysia cảnh báo các sĩ quan cảnh sát rằng họ có thể bị gửi đi đào tạo lại nếu dân phản ánh rằng cảnh sát thô lỗ, kỹ năng giao tiếp tồi.


Ông cho rằng ai còn cứng đầu thì sẽ bị kỷ luật, ông Hassan tuyên bố sau khi phát động chiến dịch "Hãy lịch sự và cười". Không chắc nụ cười đã "phủ sóng" hoàn toàn 80.000 cảnh sát của nước này nhưng dễ thấy những cảnh sát trên phố đã phải tươi tắn hơn.

Người Hàn Quốc vốn nổi tiếng nóng tính nhưng cảnh sát của họ lại rất vui tính với những pha hướng dẫn độc đáo. Khi ôtô đỗ chèn vạch, một nhóm cảnh sát trong đó có hai cảnh sát mặc đồ như búp bê lớn hình cảnh sát chạy ra nhảy múa lắc hông khiến chiếc xe phải lùi lại đúng vị trí. Cảnh sát xứ Kim chi cũng rất hay xuất hiện với những màn nhảy hiphop kết hợp vũ đạo Tae kwondo.

Trên mạng xuất hiện một video clip nhiều nam nữ cảnh sát Trung Quốc nhảy tập thể rất điêu luyện bài Nobody. Đây là thông điệp rất rõ, cảnh sát là người bạn thân thiện của dân. Không phải cứ cảnh sát là mặt mũi căng thẳng.

Đất nước Singapore vốn là một "ốc đảo" kinh tế nóng, nằm trên địa hình đặc thù nên tội phạm kinh tế, công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia hoạt động khá phức tạp. Vì thế cảnh sát Singapore phải đặc biệt tinh nhuệ. Điều kỳ lạ là rất ít nhìn thấy lực lượng này ngoài đường. Xứ này thích in hình cảnh sát lên bìa carton bằng kích thước người thật, đặt khắp nơi mang ý nghĩa đe dọa hơn là sự có mặt thật sự. Hầu hết những đội quân sắc phục oai vệ đeo công cụ hỗ trợ đầy người thì đều là lực lượng an ninh bảo vệ cho từng mục tiêu cụ thể. Cảnh sát giao thông Singapore dường như không chăm chỉ phạt lỗi giao thông nên có thể thấy, ôtô đỗ chèn vạch hoặc quá đà dừng ngáo ngơ giữa ngã tư là không ít. Xe quá đà này bao gồm cả xe cá nhân, taxi và xe bus.

Cảnh sát New York điều tiết giao thông. 

Dùng cảnh sát giấy như Singapore là phương án tiết kiệm. Một nước nghèo nhất thế giới là Congo còn tậu robot vào thay cảnh sát giao thông tại thủ đô Kinshasa. Ba cảnh sát máy sử dụng năng lượng mặt trời. Nhìn như đồ chơi khổng lồ có đèn tín hiệu ở ngực. Chính quyền hy vọng nhờ mấy cảnh sát này mà giảm tắc đường. Các cảnh sát máy cũng được đặt tên như người: Tamuke, Mwaluke và Kisanga. Giá mỗi cảnh sát máy khoảng 20.000 bảng Anh tương đương thu nhập 1 người dân quốc gia này trong hơn 70 năm. Thật may mắn là dân nước này khá ngoan, chứ nếu không thì chẳng có cảnh sát máy nào tồn tại được. Cảnh sát máy đương nhiên là trung thực. Như thế, nó chả chắc đã biết đùa.

Người dân thủ đô Bangkok, Thái Lan khá giật mình khi thấy cảnh sát cưỡi môtô tuần tra nào cũng đeo mặt nạ chống ô nhiễm có hình mặt cười màu đỏ tươi. Chỉ huy cảnh sát ở đây cho rằng chính sách quy định cảnh sát bao giờ cũng phải thân thiện và mỉm cười, nhưng khi mỏi mệt, cảnh sát khó có thể cười thực sự. Vì thế, mặt nạ cười là một sáng kiến tốt.

Có thể thấy sau nhiều biến cố chính trị phức tạp vài năm trước, cảnh sát Thái Lan phải có thần kinh thép mới có thể ngăn chặn thùng thuốc súng được các nhà hoạt động biểu tình mang tới Bangkok. Sự nỗ lực kiên nhẫn kiềm chế và hòa nhã của cảnh sát đã có kết quả. Những người biểu tình đã chuyển từ trạng thái cuồng nộ sang vui vẻ. Nhiều người đã tặng hoa cảnh sát. Những tấm hình cả hai bên tươi rói cho thấy họ đã thực sự là bạn.

Chúng ta đã quen với cảm giác về Paris là một nơi lãng mạn và lịch thiệp nhất địa cầu. Ít nhất, riêng tuyển tập nghiên cứu của Frederic Rouvillois về phong cách lịch sự của người Pháp qua nhiều thời kỳ dài tới hơn 550 trang. Cảnh sát Pháp luôn tỏ ra vẻ hào hoa lịch thiệp ngay cả khi phạt lỗi.

Một nữ sinh viên Việt Nam sang Paris mắc lỗi bị phạt. Cô trình bày hoàn cảnh đang đi học, không có tiền nộp phạt. Viên cảnh sát nghe rất chăm chú. Nghe xong, anh ta bảo: Xin báo một tin không vui lắm. Bây giờ số tiền phạt tăng gấp đôi.

Cô sinh viên tá hỏa lại năn nỉ trình bày hoàn cảnh. Nghe xong, viên cảnh sát mỉm cười: Nếu cô đã nói xong thì tôi xin báo một tin không thực sự chờ đợi là số tiền phạt đã tăng gấp đôi số tiền lần thứ hai. Đến đây thì cô sinh viên bừng tỉnh, đành nộp phạt.

Có thể do cảnh sát hơi nhã nhặn quá đáng nên nạn trộm cắp dường như thả nổi khiến Paris trở thành một trong những thành phố nạn trộm cắp hoành hành nhất thế giới. Du khách gốc Hoa đổ xô về chiếm gần một nửa số du khách đến Pháp trong năm. Đây là mồi ưa thích của đạo chích vì chúng biết người gốc Hoa thường giắt lưng số tiền mặt lớn. Thậm chí có lúc tháp Eiffen phải ngừng hoạt động bởi nhân viên đình công phản đối điều kiện làm việc mất an toàn ở đây. Để nhanh chóng đem lại niềm tin, 2.6000 cảnh sát đặc nhiệm được thâm nhập các tụ điểm khả nghi.

Cảnh sát bảo vệ Nhà Trắng mời du khách ra vòng ngoài khi có nguyên thủ Nhật Bản tới thăm.

Chẳng hiểu cảnh sát Mỹ được huấn luyện kiểu gì mà lúc nào cũng sẵn nụ cười. Bắt đầu từ sân bay, cảnh sát dắt chó nghiệp vụ đi loanh quanh. Thấy có túi của ai cần kiểm tra thì cảnh khuyển sẽ dùng mũi nghiên cứu. Trong khi đó, chủ của chó thì nở một nụ cười có vẻ rất biết lỗi và nói: "Mong được thể tất cho sự bất tiện này". Họ dường như luôn thấy việc thao tác nghiệp vụ là việc làm phiền toái. Tôi nói tay cảnh sát hãy cho chó ngửi túi của tôi. Thực ra chỉ là muốn chụp 1 bức ảnh. Tay cảnh sát cười rất áy náy và xua tay rằng: Không có vấn đề gì đâu. Xin đừng bận tâm.

Lực lượng cảnh sát đảm bảo cho an toàn Nhà Trắng khá thân thiện. Khi tôi tới đây thì trùng lúc có một nguyên thủ Nhật tới thăm. Trên nóc Nhà Trắng lố nhố nhân viên an ninh đang triển khai gì đó. Đảm bảo an toàn thì du khách cần lùi xa hàng rào khoảng 50 mét. Truyền đạt tới du khách và dân là những chàng cảnh sát đi xe đạp tươi cười với một thái độ có vẻ áy náy. Xe đẹp dáng thể thao, mũ bảo hiểm đẹp kèm trang phục vàng chanh, nụ cười luôn rạng rỡ. Du khách lùi ra xa một cách vui vẻ vì họ chẳng có lý do gì để thắc mắc trước những nụ cười thân thiện kia.

Cách đó không xa, tại sân điện Capitol cũng có lực lượng cảnh sát và an ninh theo dõi từ xa. Một cảnh sát đạp xe đến nhắc nhở chúng tôi không được dùng chân máy ảnh. Có lẽ có tiền lệ nào đó bọn khủng bố đã đặt khẩu trung liên lên giá máy ảnh chăng? Thái độ của anh ta rất nhã nhặn cùng một nụ cười. Thái độ thì vui vẻ nhưng chắc chắn đâu đó ở xung quanh khu quan trọng này, những tay súng bắn tỉa không bỏ sót một bóng người khả nghi nào. Cảnh sát ở đây rất mạnh nhưng không mang một khuôn mặt đe dọa.

Ở nhiều nơi, cảnh sát đứng trên chiếc xe Segway, loại xe 2 bánh cân bằng tự động chạy khắp ngõ ngách với tốc độ 20km/h. Đến các thành phố như San Francisco hay New York thì ngày nào cũng thấy xe cảnh sát thường xuyên hú còi chạy rối rít. Thường sẽ đi kèm xe cứu hỏa và cứu thương. Khi làm thủ tục phạt, thái độ của cảnh sát không hề quá mức. Từng chi tiết được ghi biên bản. Tài xế không bao giờ cãi vì họ biết cãi cảnh sát là không đúng chỗ. Muốn cãi thì hãy ra tòa.

Cảnh sát ở đây chỉ thẳng tay trong những trường hợp có dấu hiệu chống đối hoặc gây nguy hiểm cho cộng đồng. Khi đó họ gọi hỗ trợ và ngay lập tức hàng xe cảnh sát vào cuộc.

Chị Kim, một Việt kiều sống ở nam Cali có lần bị một tên xin đểu cầm dao đe dọa. Chị lừa chạy được vào phòng, chốt cửa rồi gọi cảnh sát. Giọng cảnh sát bên kia đầu dây trấn an yêu cầu chị hết sức bình tĩnh. Chỉ vài phút sau thì hàng chục xe cảnh sát đã vây kín khu nhà. Trên trời là trực thăng vù vù. Cảnh sát ở đây được ủng hộ nổ súng thẳng tay nếu có dấu hiệu nguy hiểm.

Cảnh sát Mỹ không được khuyến khích dũng cảm vô điều kiện. Họ cần được an toàn tuyệt đối khi làm nhiệm vụ. vì vậy, chỉ khi lực lượng đủ uy hiếp, họ mới ra tay. Biện pháp nhiều khi hơi quá bởi mỗi lần nổ súng là hàng chục viên bắn một lúc từ nhiều nòng khác nhau chứ không chỉ một người.

Ở Mỹ, việc gì người ta cũng gọi cảnh sát. Có thể bị vợ đánh cũng gọi cảnh sát. Có thể đi cấp cứu cũng gọi cảnh sát. Có lúc cảnh sát tới chỉ để cứu một con mèo kẹt trên cây không xuống được. Nguyên tắc rất rõ. Cảnh sát hỏi han chủ nhà bao giờ cũng đứng ngoài cổng. Không có ai phá lệ. Tất nhiên họ được quyền vào nếu có lệnh khám hay bắt khẩn cấp. Có quý cô mới sang Mỹ bị kẹt nên không dám về khuya, bèn gọi điện cho cảnh sát. Cảnh sát nói cô đợi đúng vị trí rồi sẽ giải quyết. Vài phút sau xe cảnh sát tới. Viên cảnh sát bảo cô hãy đi bộ. Rất lạ là họ không cho cô đi nhờ. Anh ta sẽ lái xe đi chậm hộ tống phía sau.

Cảnh sát New York chắc chắn là lực lượng biểu cảm sắc thái nhất ở Mỹ. Nhìn họ điều khiển giao thông tưởng đang nhảy hiphop. Tài xế taxi của tôi có lúc nhầm lẫn liền bị xe cảnh sát ép vào lề đường để mắng. Hai cảnh sát mắng sa sả với những từ nặng đô như "ông điên à?". "Ông định đâm chết người ta sao?". Mắng vậy nhưng không thấy phạt. 

Khi đến quảng trường Thời đại của New York, tôi muốn lưu lại tấm hình chụp cùng cảnh sát nơi này nên ngỏ ý với hai tay cảnh sát. Một cảnh sát xua tay nghiêm mặt nói: Không được, không được.  Tôi khoác ba lô lên bước đi. Ngay lúc đó thì chú cảnh sát cười lớn bảo: Tôi đùa đấy. Chụp thoải mái. Thế là xúm xít vào để chụp. Cảnh sát cười chuyên nghiệp hơn cả nhân  vật. Không rõ ở Mỹ, cảnh sát có phải học cười không?

Việt Ân
.
.
.