Hang Davelis

Thứ Hai, 22/04/2019, 11:48
Nằm ẩn trong rừng thông, cách Athens 40km về phía bắc, có một cái hang nhìn bề ngoài bình thường, nhưng lại là nơi đã xảy ra rất nhiều hiện tượng kỳ lạ và bí ẩn. Đó là hang Davelis, thường được gọi là hang Penteli, thuộc ngọn núi Pentelicus nổi tiếng.


Hang Davelis dài 60m và cao 20m, có 2 nhà nguyện nhỏ ở ngay lối vào của hang động, theo một số tư liệu, nó được xây dựng ở thế kỷ thứ 1. Bên trong hang có một hệ thống đường hầm, một trong số đó dẫn tới cái hồ dưới lòng đất; một đường hầm khác, theo truyền thuyết, dẫn tới… địa ngục. Quả là một địa danh tuyệt vời! Thế nhưng, nếu nghe những câu chuyện xảy ra tại cái hang tuyệt vời này, chắc chắn sẽ làm bạn ớn lạnh.

Vào thế kỷ 19, có người tuyên bố nghe được những giọng nói bí ẩn phát ra từ dãy hành lang nằm sâu trong hang. Một số người cũng nghe thấy tiếng nhạc nhưng không rõ xuất phát từ đâu. Sự kỳ lạ và bí ẩn của hang còn được tăng thêm gia vị bởi cánh rừng thông và sườn núi âm u bao quanh.

Câu chuyện về hang Penteli còn trở nên kỳ lạ hơn vào năm 1977, một nhóm công nhân và kỹ sư từ một tổ chức bí mật nào đó đã giăng dây thép gai quanh hang và bắt đầu tiến hành công việc của họ với thuốc nổ và xe ủi. Nhưng chẳng ai biết chính xác họ là ai và họ đang làm gì. Nhiều người đồn đoán rằng họ đang xây dựng một hầm chứa vũ khí hạt nhân hoặc hầm trú ẩn hạt nhân... Tuy nhiên, sau một thời gian, họ ngừng việc chặn lối vào hang, dây thép gai bao quanh bị cắt ở một số đoạn.

Trong thời gian này cũng có rất nhiều câu chuyện kỳ lạ xung quanh hang. Có lần, một cặp đôi đi leo núi đã phát hiện ra một chiếc xe nằm vắt vẻo trên một rìa núi gần hang ở một vị trí mà dường như bất khả thi cho xe leo lên được. Họ quay trở lại vài lần trong mấy ngày tiếp theo và chiếc xe vẫn còn ở đó. Cuối cùng, họ leo lên chỗ chiếc xe và không thấy có vết hư hỏng nào mà đáng ra một chiếc xe leo lên tới được vị trí này phải có. Khi người vợ nhìn sang các bụi cây ở xung quanh đó cô ấy đã hét lên hoảng hốt.

Khi người chồng đến để trấn an, người vợ nói cô đã trông thấy một sinh vật hình ô van màu trắng dài khoảng 60cm với hai mắt to rực sáng. Người chồng không nhìn thấy con vật đó, nhưng anh thấy bụi cây rung rinh như thể có vật gì đó vừa chạy vụt qua. Nhiều ngày sau, người chồng lại nhìn thấy một vật thể hình cầu đen đang xoay tròn ở bên ngoài cửa kính xe của mình, khiến anh hét lên hoảng sợ và run rẩy cho đến khi người vợ lại trấn an và thuyết phục anh nói ra điều mình vừa nhìn thấy.

Thực ra bí ẩn của hang Davelis đã được các nhà điều tra hiện tượng siêu nhiên bắt đầu chú ý từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Một trong số các nhà điều tra tích cực nhất là George Balanos, tác giả nổi tiếng của Hy Lạp về tiểu thuyết và khoa học viễn tưởng. 

Cuộc điều tra của ông tiếp tục trong nhiều năm mà không có tiến triển nào. Chúng bị cản trở bởi sự hỏng hóc của các thiết bị điện tử, như máy quay và đèn flash, cũng như các hành vi bất thường của thành viên đoàn điều tra. 

Đến năm 1990, có thêm một nỗ lực nữa muốn động chạm tới hang, nhưng đã bị Bộ Văn hóa Hy Lạp dừng lại ngay lập tức để ngăn chặn tổn hại thêm những di tích lịch sử và khảo cổ học quý giá bên trong.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học đã tìm thấy đá phiến được làm giàu bằng than chì giữa các lớp của đá cẩm thạch Pentelic, khiến ngọn núi trở thành một vật dẫn tốt của sóng điện từ. Ngoài ra, đá cẩm thạch Pentelic sở hữu một số tính chất khoa học nhất định khiến nó tích điện trong điều kiện áp suất cao. 

Theo các nhà thần kinh học, các trường điện từ xung quanh có thể ảnh hưởng tới khả năng nhận thức của con người, khiến họ cảm thấy như thể có gì đó vô hình đang ở trong phòng. Các nhà khoa học cũng nhận thấy những nơi bị cho là bị ma ám, thường là những nơi có các hoạt động điện từ bất thường. Sóng điện từ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến các vật dụng công nghệ như máy quay và đèn flash thường bị hỏng khi mang vào hang...

Tuy nhiên, những bí mật xung quanh hang Davelis vẫn còn là một ẩn số, không biết phải mất thêm nhiều thời gian nữa để chúng ta có được những giải thích thỏa đáng cho các hiện tượng siêu thường này.

Trần Đức Tân
.
.
.