Rớt nước mắt với số phận khốn cùng của cụ ông bát thập và vợ U40

Thứ Năm, 08/09/2016, 18:05
Căn nhà nhỏ tuềnh toàng nằm trên đỉnh dốc đường Thanh Sơn, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng (Cao Bằng) là nơi trú ngụ của đôi vợ chồng khiếm thị. Đôi mắt mù lòa bẩm sinh đã khiến cuộc sống của cụ Triệu Văn Sinh (80 tuổi) và bà Hoàng Thị Thanh (40 tuổi) gặp nhiều khó khăn, vất vả. Số phận khốn cùng đã đưa hai người đến với nhau như một duyên số định mệnh và cho đến những năm tháng cuối đời họ vẫn gắn bó với nhau, gửi gắm hi vọng vào những đứa con sẽ có tương lai tươi sáng.


Khi chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng cụ Sinh, từ ngoài ngõ thuộc Tổ 7 phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng đã nghe tiếng đài phát ra bên trong căn nhà được đắp bằng bùn đất nhỏ hẹp. Người đang nằm bên trong căn nhà tuềnh toàng, ẩm thấp là cụ Triệu Văn Sinh (80 tuổi). Mặc dù kề sát là ngôi nhà tình nghĩa mà phường đã quyên góp xây tặng cho vợ chồng cụ, nhưng cụ lại thích ở một mình trong căn nhà cũ kỹ, bé tẹo để được yên tĩnh.

Vừa bước đến trước cửa, cậu con trai cả đã ra chào chúng tôi đồng thời gọi mẹ ra tiếp khách. Những ngày này trời đổ nhiều mưa khiến mọi nơi trong ngôi nhà tình nghĩa cấp bốn đều bị ướt át, bùn đất dơ bẩn khắp nhà, duy nhất chỉ có hai chiếc giường ngủ còn khô ráo. 

Mặc dù những đứa con của họ đều lành lặn nhưng lại còn nhỏ tuổi, phần vì đã quen với hoàn cảnh nghèo khổ từ nhỏ nên chưa thể đảm đương nổi mọi công việc. Cả nhà 6 nhân khẩu, tất cả chi tiêu sinh hoạt, học hành đều dựa vào 1 triệu 200 nghìn đồng tiền trợ cấp của 3 thành viên trong gia đình được hưởng chế độ chính sách.

Vợ chồng khiếm thị Sinh - Thanh.

Cuộc đời của hai vợ chồng khiếm thị liên tiếp chịu nhiều thiệt thòi, khổ sở. Cả hai đều bị mù khi mắc phải căn bệnh sởi từ hồi còn nhỏ tuổi. Năm 1998, cụ Sinh và bà Thanh gặp nhau khi đi làm tăm tại Hội người mù tỉnh Cao Bằng. Cảm thương số phận của nhau, hai người đã đem lòng yêu thương, quyết định sống chung trong một mái nhà cho dù tuổi tác chênh lệch nhau khá nhiều. Ngay trong năm đó, họ đã lấy nhau nhưng không tổ chức đám cưới bởi cụ Sinh không có họ hàng, người thân nào để nương tựa. Còn bà Thanh chỉ sống với một mẹ già, anh chị em lại mỗi người một xứ.

Sau khi quyết định sống chung với nhau, hai vợ chồng đã sống dưới một túp lều ở Km 2 phường Sông Hiến, hàng ngày ra chùa Đỏ hành nghề ăn xin để sống qua ngày. Bởi lúc đó, cả hai đều chưa được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. 

Cuộc sống của đôi vợ chồng trong những ngày tháng đó như không có một tia sáng hi vọng vào tương lai, nó tối tăm như đôi mắt của họ. Cho đến năm 2002, khi Nhà nước nâng cấp đường, hai vợ chồng mới chuyển lên tổ 27 phường Sông Hiến dựng lều ở tạm. Tuy nhiên, họ vẫn hành nghề ăn xin để kiếm cơm sống qua ngày và nuôi đứa con đầu lòng lúc này đã được hai tháng tuổi.

Sau ngày vợ sinh, đứa con trai đầu lòng đã được cụ Sinh đặt tên là Triệu Quang Đức. Từ khi có thêm thành viên mới trong gia đình, cuộc sống của cụ Sinh, bà Thanh càng trở nên khó khăn gấp bội lần. Thấy hoàn cảnh vợ chồng mù quờ quạng nuôi con vất vả mà vẫn không đủ ăn, nhiều người hàng xóm xung quanh nhiều lần đã góp gạo để cho hai vợ chồng nấu cháo. 

Màn đêm buông xuống trong ngôi nhà tranh vách nứa. Đôi vợ chồng mù ngày cũng như đêm cứ thay nhau ru hát cho con ngủ. Những câu hát ru mang đầy nỗi niềm của hai thân phận mù, có cả nước mắt và tình yêu thương con bao la vô bờ bến.

Bà Thanh và con trai Triệu Quang Đức với ngôi nhà tình nghĩa.

Thời gian trôi đi nhanh chóng, hiện cháu Đức vừa thi vào cấp 3, những đứa con tiếp theo cũng đã học tiểu học, cấp 2. Đối với vợ chồng cụ Sinh, đây chính là niềm an ủi để vợ chồng cụ vươn lên trong cuộc sống. Để chăm lo cho đứa con khôn lớn, nhiều hôm hai vợ chồng phải đi ăn xin, mò mẫm kiếm củi đến sẩm tối mới về nhà.

Năm 2003, UBND phường Sông Hiến đã vận động quyên góp và xây tặng một căn nhà tình nghĩa cho vợ chồng cụ Sinh. Không lâu sau, gia đình cụ Sinh cũng đã nhận được tiền trợ cấp cho người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn hàng tháng 400 nghìn đồng/người.

Tuy nhiên, chừng ấy tiền không đủ chi tiêu, gia đình cụ Sinh vẫn thường xuyên túng thiếu mặc dù chi tiêu rất tiết kiệm. Và khó khăn lại càng thêm khó khăn hơn khi cụ Sinh vẫn muốn vợ đẻ. Đến nay, đôi vợ chồng mù đã sinh được bốn đứa con, 3 trai và một gái. Thứ tự lần lượt những đứa con của họ là Triệu Quang Đức (16 tuổi), Triệu Minh Nhật (12 tuổi); Triệu Minh Độ (9 tuổi) và đứa con gái út là Triệu Thị Mai (7 tuồi). Tất cả đều lành lặn, khỏe mạnh và học giỏi.

Bà Thanh cho biết: "Những năm nay, cả gia đình chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp 3 người 1 triệu 200 nghìn đồng, nhưng bằng ấy tiền không đủ để trang trải sinh hoạt vì cả 4 đứa con đều đi học. Trong khi vợ chồng chúng tôi lại bị mù lòa không thể kiếm thêm thu nhập, chồng tôi năm nay đã 80 tuổi bị nặng tai, sức khỏe yếu ớt hiện chỉ nằm trên giường không làm được gì nữa. Đứa con thứ 2 đang học cấp 2 còn đầu lại vừa thi lên cấp 3 nên mất nhiều tiền lắm, không giống như hai đứa con út học cấp 1 thì không phải nộp tiền học phí.

Hiện gia đình chị vẫn bữa đói bữa no, cơm canh đạm bạc sống tồn tại qua ngày thôi, tiết kiệm để lo cho việc học hành của con cái quan trọng hơn. Chúng nó đói khổ chị cũng xót thương lắm, nhưng chị không biết làm gì hơn cả".

Cuộc đời của người đàn ông mù lòa đã chung sống với bà Thanh gần 20 năm nay đã trải qua nhiều đời vợ và những đứa con lưu lạc. Mặc dù bị khiếm thị, tuổi tác đã cao nhưng do có duyên và ăn nói khéo léo nên nhiều phụ nữ đã "xiêu lòng" và chấp nhận đi theo cụ. Tuy nhiên, do đôi mắt bị mù lòa, cuộc đời gắn liền với nghèo khổ nên lần lượt hai bà vợ đã bỏ cụ ra đi và mang theo những đứa con.

Đôi mắt mù lòa khiến bà Thanh làm mọi việc rất khó khăn.
Cụ Sinh rơm rớm nước mắt khi kể về cuộc đời nghèo khổ.

Không có con cái, người thân bên cạnh chăm sóc cụ Sinh phải hành nghề ăn xin để tồn tại từng ngày, sống trong nỗi cô độc, lẻ loi. Cho đến hơn nữa đời người, khi bước vào giữa tuổi lục tuần cụ đã gặp được bà Thanh, một người phụ nữ trẻ cùng cảnh ngộ, cùng chung một thiệt thòi với đôi mắt bị mù lòa. Bất chấp tuổi tác chênh lệch, người đời đàm tiếu, hai số phận ấy đã đến với nhau, dựa dẫm nhau để vượt qua số phận, kiếm tìm tia sáng trong cái thế giới tối tăm đang đeo đẳng họ.

"Từ ngày sống chung với nhau đến giờ, chị và chồng chưa một lần đôi co, cãi vã cho dù áp lực cuộc mưu sinh, khó khăn vất vả luôn vây quanh. Chắc là khổ từ nhỏ quen rồi, nên cũng đồng cảm với nhau. Lúc ông ấy ốm đau thì chị chăm sóc và ngược lại. Giờ các con đã lớn nên cũng đỡ đần được phần nào. 

Chị thương các con lắm nhưng không biết làm thế nào hơn khi cả hai vợ chồng đôi mắt đều không nhìn thấy. Mọi thứ chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp 1 triệu 200 nghìn đồng của hai vợ chồng và đứa con trai đầu cộng lại, thành ra cuộc sống cũng ngày càng khó khăn hơn. Những hôm hết tiền trợ cấp hay nộp học phí, sách vở cho con hoặc bị đau yếu, lại phải nhờ đi mượn tạm gạo hàng xóm, nhiều khi ăn mì tôm qua bữa để tồn tại qua tháng".

Khi kể về cuộc sống hiện tại, cụ Sinh rơm rớm nước mắt: "Mỗi lần đến cuối mùa nhà lại hết ngô, hết thóc đi bán củi cũng không đủ để mua gạo, thức ăn vì người mù làm được bao nhiêu chứ. Trợ cấp của Nhà nước cũng chỉ đỡ phần nào chứ không thể nuôi cả gia đình, việc học hành của con. 

Đêm đông không đủ chăn ấm đắp hai người co ro run cầm cập, nhất là vào lúc trời mưa to nhà bị dột nữa, lúc xê dịch chỗ này lúc lại chuyển qua góc khác để ở, khổ lắm. May mà hàng xóm láng giếng thương quyên góp tặng cho cái nhà cấp 4 chắc chắn để ở che mưa che nắng. Cả hai vợ chồng tôi đều mắt mù lòa, đông con cũng vất vả thật nhưng tôi chỉ muốn vui cửa vui nhà, không thì nhà vắng tanh lắm".       

Chia tay với hai vợ chồng khiếm thị, chúng tôi không khỏi nghẹn lòng khi nghĩ về hoàn cảnh của họ. Nhưng cũng rất cảm phục về tình yêu giữa họ dành cho nhau, cùng nhau đối mặt với nghịch cảnh cuộc đời, số phận. Số phận đã định sẵn họ làm kiếp mù lòa, nhưng may mắn lại gắn kết họ với nhau, cùng chăm sóc nhau, nhìn vào những đứa con để có động lực sống tiếp quãng đời còn lại.

Bà Thanh mong muốn nhận được sự giúp đỡ của mọi người để vượt qua những khó khăn, trang trải sinh hoạt gia đình, chăm lo cho 4 đứa con được học hành tử tế. Thông tin nhân vật: Bà Hoàng Thị Thanh, dân tộc Nùng, ở số 096, tổ 27 phường sông Hiến, thành phố Cao Bằng (Cao Bằng). Số điện thoại: 0125 647 1838.

Nông Vĩnh-Quách Phượng
.
.
.