Gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão có hiếu hay bất hiếu

Chủ Nhật, 24/04/2016, 10:25
Ở các nước tiên tiến thì viện dưỡng lão thực sự là những nơi chốn cần thiết và phù hợp với người già. Cứ vào cuối tuần thì con cháu họ đến thăm, tặng quà và chia sẻ những thông tin về gia đình, họ hàng với họ. Nhưng ở Việt Nam, do văn hóa và quan niệm về chữ hiếu, việc đưa ông bà, cha mẹ vào các viện dưỡng lão vẫn là một vấn đề không dễ dàng...


Chị Đặng Thị Ngân Phương (Hai Bà Trưng, Hà Nội): Thưa nhà báo, gia đình tôi giống như rất nhiều gia đình sống ở thành phố hiện nay, có cha già hơn 80 tuổi đã có biểu hiện lẫn, cùng đó là cụ bị parkinson và một số bệnh người già khác nữa. 

Chúng tôi không có điều kiện nghỉ việc để cùng nhau chăm sóc cụ lâu dài được, bởi việc chăm sóc này không chỉ là vài tuần hay vài tháng. Gia đình tôi đã bàn bạc đến cả việc đưa cụ vào viện dưỡng lão. 

Tuy nhiên ngay trong gia đình đã có 2 luồng ý kiến đối lập nhau. Một đằng là không thể có chuyện con cháu khỏe mạnh sung túc thế này mà bất hiếu đưa cha vào nhà dưỡng lão được. Một bên thì phản bác rằng khi con cháu không thể nghỉ việc chăm sóc ông, osin thông thường cũng không đủ kiến thức và kỹ năng chăm người già ốm, thì viện dưỡng lão với mức chi phí cao như là một cách báo hiếu văn minh với cha mẹ già.

Quả thực tôi và các anh chị em trong nhà rất suy nghĩ và không biết mình phải quyết định sao cho phải? Nếu không còn cách nào khác mà đưa cha vào viện dưỡng lão thì đó là báo hiếu hay bất hiếu, thưa nhà báo? Và ở Việt Nam mình đã thực sự có những viện dưỡng lão đủ điều kiện để chăm sóc cả sức khỏe thể chất và tinh thần người già hay chưa, hay đó mới chỉ là những nơi "trông giữ" mà thôi?

Nhà báo Minh Đức: Thưa chị Đặng Thị Ngân Phương, câu hỏi của chị đang là một vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Trong mọi gia đình đều có người già. Việc chăm sóc người già là ông bà, bố mẹ hoặc ai đó là ruột thịt của mỗi gia đình là một trong những vấn đề không nhỏ. 

Hiểu một cách đơn giản là người già luôn kèm theo những vấn đề như bệnh tật, trí nhớ và những phức tạp khác của tâm lý do tuổi tác. Con người hiện nay đang sống trong những điều kiện vô cùng khác trước kia với những đặc điểm của công việc và các mối quan hệ. Chính thế, thời gian dành cho gia đình bị phân chia quá nhiều. Bởi vậy mà thời gian của con cháu dành cho các bậc ông bà, cha mẹ cũng ít đi đáng kể.

Những danh từ như người giúp việc hay viện dưỡng lão không có trong đời sống Việt Nam trước kia mà chỉ xuất hiện sau này. Và cũng từ đó, câu chuyện về chữ hiếu được bàn luận và hiểu theo nhiều nghĩa. 

Sự thật cho thấy, trong thời gian đầu, khi những người thuê người chăm sóc ông bà, cha mẹ đã bị xã hội nhìn nhận thiếu thiện chí. Dư luận xã hội cho rằng những người như vậy đã đánh mất tình cảm, và thiếu trách nhiệm với ông bà, cha mẹ mình. Đặc biệt khi hình thức chăm sóc người già xuất hiện như các trung tâm hay viện dưỡng lão thì dư luận cho rằng con cái đã tìm cách thoái thác việc chăm sóc ông bà, cha mẹ cho những người khác hay bỏ mặc ông bà, cha mẹ mình. 

Nhiều người già khi được gửi vào các trung tâm hay viện dưỡng lão đã cho rằng con cái họ là những kẻ bất hiếu. Có những người già sau khi vào các trung tâm hay viện dưỡng lão thì tâm lý họ hoàn toàn suy sụp. Có người đã phải nói dối là họ không hề có con cháu nên mới phải vào viện dưỡng lão. Cũng có những người sau khi gửi ông bà hay cha mẹ vào viện dưỡng lão thì nói với bạn bè là đã đưa ông bà, cha mẹ về quê theo mong muốn của ông bà, cha mẹ họ.

Nhưng cho đến bây giờ, quan niệm này đang ngày càng được xã hội nhìn nhận một cách đầy đủ và thiện chí hơn. Người già cần được chăm sóc và theo dõi sức khỏe cũng như được trò chuyện để giải tỏa các tâm lý của tuổi tác. Trong khi đó, con cháu từ sáng đến tối phải đi làm. 

Chúng ta không thể nào yên tâm khi để ông bà, cha mẹ già ở nhà một mình trong một khoảng thời gian dài như vậy. Có những trường hợp đau lòng đã xảy ra khi những người già ở nhà một mình; đặc biệt với những người quá già và trí nhớ không còn ổn định nữa. Chính vậy, sự có mặt của những người giúp việc đã tạo nên sự an toàn cho những người già và sự yên tâm cho con cháu họ. 

Cũng có những người già sau khi vào viện dưỡng lão thì một số vấn đề tâm lý được cải thiện một cách rõ rệt. Vì họ được sống trong một môi trường phù hợp với tuổi tác và tâm ký của họ mà ở gia đình họ dù có đủ điều kiện vật chất vẫn không thể giúp họ cải thiện. 

Trong các viện dưỡng lão, các nhân viên của viện đã có kiến thức và kỹ năng nhất định để chăm sóc họ. Hơn nữa, họ có những người bạn già để chia sẻ và tâm sự, giải tỏa những bế tắc tâm lý của mình. Ngày nay, hầu hết con cái dùng người giúp việc để trông coi ông bà, cha mẹ họ. Việc đưa ông bà, cha mẹ vào các trung tâm hay viện dưỡng lão thường rơi vào những trường hợp khá đặc biệt. Nhưng không phải không có những đứa con muốn cho cha mẹ vào các viện dưỡng lão để được tự do và giũ bỏ trách nhiệm.

Chúng ta đã có những trung tâm đào tạo điều dưỡng viên. Điều này vô cùng cần thiết. Những người chăm sóc người già mà không cùng huyết thống không những cần phải có kỹ năng và kiến thức y tế nhất định mà họ cần phải có một thái độ nhân văn. Chúng ta từng biết đến những người được gọi là osin đã hành hạ những người già hoặc trẻ nhỏ. 

Ở các nước tiên tiến thì các viện dưỡng lão thực sự là những nơi chốn cần thiết và phù hợp với người già. Cứ vào cuối tuần thì con cháu họ đến thăm, tặng quà cho họ và chia sẻ những thông tin về gia đình, họ hàng với họ.

Đối với các nước châu Âu và các nước phương Tây, do những đặc điểm về văn hóa và lối sống, cả các bậc ông bà, cha mẹ và con cháu coi viện dưỡng lão như là một điều kiện sống phù hợp nhất và nhân văn nhất cho những người già cho dù con cái họ vẫn có đủ thời gian và điều kiện để chăm sóc họ. 

Nhưng ở Việt Nam, do văn hóa và quan niệm về chữ hiếu, việc đưa ông bà, cha mẹ vào các viện dưỡng lão vẫn là một vấn đề không dễ dàng. Có lẽ vì lý do đó mà hiện nay, có một số trung tâm đào tạo điều dưỡng viên và làm dịch vụ chăm sóc người già. Tôi nghĩ, hình thức này phù hợp với người Việt Nam hơn cả, trừ trường hợp những người già không có con cháu hay có con cháu nhưng con cháu họ không có đủ điều kiện cần thiết tối thiếu để chăm sóc họ tại nhà. 

Hình thức dùng điều dưỡng viên để chăm sóc sức khỏe cũng như chia sẻ tình cảm với những người già ở Việt Nam hiện nay là có hiệu quả nhất và đạt được hai điều cơ bản và quan trọng. Thứ nhất, những người già vẫn được sống trong một ngôi nhà cùng con cháu mình. Thứ hai, con cháu vẫn hàng ngày tiếp xúc với ông bà, cha mẹ mình và không bị chữ "bất hiếu" ám ảnh. Trong thời gian họ đi vắng, đi làm ăn đã có điều dưỡng viên chăm sóc cho ông bà, cha mẹ họ.

Có một ý chị nói tôi thấy rất đúng là viện dưỡng lão ở Việt Nam vẫn còn ở mức độ như là một nơi trông giữ chứ không phải là một không gian phù hợp của người già. Vấn đề này sinh ra bởi hai lý do. Lý do thứ nhất là chúng ta chưa có kinh nghiệm xây dựng, quản lý, điều hành và nghệ thuật trong việc chăm sóc người già. Thứ hai, chúng ta chưa truyền được tình yêu thương, chia sẻ với con người cho các điều dưỡng viên. 

Chính vì những điều chưa có hay chưa làm được của các trung tâm, viện điều dưỡng mà những người già khi được gửi vào đó đã mang tâm lý mình bị con cái bỏ rơi và viện dưỡng lão chỉ là nơi được trả tiền để quản lý họ mà thôi.

Điều kiện làm việc, điều kiện sống và sự phát triển của xã hội hiện đại và của văn hóa đã làm thay đổi nhiều quan niệm đạo đức. Chữ hiếu phải được hiểu là những gì con cái làm để cha mẹ họ được khỏe mạnh và vui vẻ. 

Có những người bằng mọi cách đưa cha mẹ ra thành phố sống cùng mình trong khi những người già đó lại cần được sống ở quê, nơi mà họ có quá nhiều ký ức, quá nhiều gắn bó và các mối quan hệ dòng họ, làng xóm, láng giềng. Nếu chúng ta không hiểu được điều đó thì đôi lúc sự có hiếu của chúng ta lại có tác dụng ngược lại. 

Những ngôi nhà sang trọng với đầy đủ tiện nghi của những đứa con không phải đối với bất cứ bậc ông bà, cha mẹ nào cũng là "thiên đường". Chính thế mà, mọi sự phát triển của xã hội phải dựa trên nền tảng của văn hóa xã hội đó thì mới là sự phát triển bền vững và nhân văn.

ANTG Giữa tháng số 99
.
.
.