Giấc mộng “đá đỏ” phá nát môi trường một vùng quê

Chủ Nhật, 16/07/2017, 08:19
“Công trường đá đỏ” tại thôn Cây Quýt 2 thuộc xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) sau những đợt khai thác trộm ngổn ngang những đống cát sỏi chất cao. Đất bùn, phế thải tới hàng ngàn mét khối theo dòng nước lọc rửa quặng tất thảy bị xả trôi xuống sông khiến khu vực ven bờ bị sạt lở nghiêm trọng.

Qua những đồi chè của xã Mỹ Bằng trở vào thôn Cây Quýt, chúng tôi tới khu vực đang lổn nhổn sỏi đá của những bãi khai thác. Xe dừng lại, phía tay phải chúng tôi là khu đất trơ trọi màu của đất bị đào bới còn bên trái là một bờ sông đã lở sâu, đầy sình lầy.

Đoạn sông Chảy ôm trọn cả ngàn khối đất đá trở nên đục màu. Mọi cặp mắt đổ dồn về phía người lạ mới tới mang ý dò xét. Từng tốp người tụ tập, đứng ngồi quanh bãi khai thác với ước vọng biết đâu “vớ” được một viên bằng hai đốt tay thì đời “lên hương”.

Chỉ chừng 10 phút từ khi đặt chân tới nơi, một vài người dân đã mắt thường, tay không nhặt được những “cám đá” bằng hạt gạo. Những mảnh vụn đá đỏ trong suốt, ánh đỏ lấp lánh khi đưa ra dưới nắng này càng khiến người dân tin rằng trên mảnh đất nơi mình đang đứng còn nhiều hơn nữa, nhờ đó hy vọng đổi đời chẳng những không nguôi mà càng lớn thêm. Chúng tôi hỏi đã có ai “trúng quả” chưa thì mọi người nói rằng có, nhưng khi hỏi tên tuổi địa chỉ người đó thì ai cũng bảo chỉ được nghe.

Lực lượng chức năng tiến hành phá khu vực thải nước tuyển quặng.

Ông Lý Văn Cảnh, người dân thôn Cây Quýt 2 cho biết: “Việc đào đất tìm đá đỏ đã diễn ra nhiều năm tại đây. Trước là theo kiểu cá nhân đãi tìm, sau thì có người ở xa đến khai thác lớn, đầu tư cả máy móc thiết bị và xây dựng những công trình phục vụ cho việc tìm quặng.

Khu vực đào bới chính là ở các ngọn đồi, một vài điểm đất vườn của người dân. Những hố, hang đào rộng và sâu vào lòng đồi núi biến thành những cái bẫy vô cùng nguy hiểm, đe dọa an toàn của người và vật nuôi”.

Chỉ tay về phía dãy xoan bờ sông, ông Cảnh nói: “Đợt cao điểm người ta đào đất chất thành các đụn cao lưng chừng đám cây đằng kia kìa. Thời điểm khai thác thường là vào khoảng từ 4 giờ sáng nhằm hạn chế người biết, tới chừng 6 giờ khi nước sông lên là các đối tượng rút về lán trại”. Nghe tiếng người rôm rả, người đàn ông này di đôi chân trần xuống mặt đường rồi đi nhanh tới bãi đất.

Người dân ở đây nói việc khai thác đá đỏ quy mô lớn bắt đầu diễn ra từ khi có người từ dưới Hà Nội tới thuê bà con đi đào, đồng thời xây dựng các bãi rửa, sử dụng máy múc, xe tải lớn, máy nước công suất cao rửa tuyển lựa. Mỗi ngày công thuê họ được trả chừng 150 ngàn đồng.

Hỏi về phía chính quyền có biết việc khai thác này hay không, một người đang mót quặng trả lời rằng xã có xuống nói là không được làm vì mất an toàn rồi làm cả cam kết không được khai thác nữa nhưng mọi người vẫn tiếp tục; xã xuống thì mình tránh, họ về thì mình làm, người này nói.

Chúng tôi trở xuống nơi xúc rửa quặng, vị trí này giờ tạo thành vết khoét sâu vào bờ tạo thành con dốc đứng. Những đồi cát, sỏi cuội do quá trình đào bới đổ về đây nằm tràn ra sông.

Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng, ông Đỗ Văn Dậu cho biết: “Việc khai thác quặng trái phép trên địa bàn xã được chúng tôi ghi nhận từ đầu năm 2016. Sau khi nắm thông tin có các đối tượng thu mua và người dân tham gia đào quặng thuê gây mất an ninh trật tự, không đảm bảo an toàn thì trong khoảng một tháng sau là chúng tôi đã thực hiện các biện pháp kiểm tra, giải toả lều lán, thu giữ một số thiết bị, dụng cụ”.

Chủ tịch xã Mỹ Bằng cung cấp thông tin thêm, xã cũng có nghe nói về đầu nậu thu mua đá quý dưới Hà Nội, nhưng không nắm rõ thông tin người này. Ông Dậu khẳng định các hoạt động của đối tượng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn đã bị lập biên bản xử lý, hiện không còn tiếp tục trên địa bàn xã.

Tuy nhiên, ông Dậu cho biết: “Hoạt động khai thác của người dân thôn, xã và một số ít đối tượng nơi khác tới đào đãi vẫn đang diễn ra. Dù đã tuyên truyền, lập biên bản nhưng vì hám lợi nên thời điểm mưa gió hay khi chính quyền không chú ý là họ lại cố tình tiếp tục. Với những trường hợp này buộc xã phải tổ chức lực lượng cưỡng chế, thu giữ phương tiện”.

Sau nhiều đợt lắng xuống rồi lại rộ lên của việc khai thác đá đỏ trái phép, hiện chính quyền xã Mỹ Bằng đang triển khai lực lượng để ngăn cản các cá nhân, nhóm người tiếp cận tiếp tục đào đãi quặng và thực hiện phá dỡ những công trình các đối tượng xây dựng trước kia.

Ghi nhận tại hiện trường, lực lượng dân quân đang tiến hành san lấp hố đào và phá những công trình mà các đối tượng “quặng tặc” dựng lên. Mặc dù vậy, về phía chính quyền đang gặp rất nhiều khó khăn khi công tác tuyên truyền, nhắc nhở hay thậm chí là xử phạt hành chính vẫn chưa đủ sức răn đe để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép này chấm dứt. Và từ phía người dân, giấc mơ đổi đời bằng những viên ru-by đỏ huyền ảo này dường như vẫn chưa qua.

Trung Hiếu
.
.
.