Giấc mơ của người đàn bà mù về chiếc quan tài cho mình

Thứ Bảy, 01/10/2016, 15:44
Một buổi sáng tỉnh giấc, đôi mắt cứ thế nhòa đi rồi bà chẳng còn nhìn rõ mọi thứ xung quanh. Cuộc đời bà Đoàn Thị Tuệ (SN 1963, trú tại thôn Tây Tiến, xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) đã khó khăn nay lại càng cơ cực hơn. Hơn 5 năm vật lộn nơi đô thành, người đàn bà bất hạnh ấy chỉ có một ước mơ: kiếm đủ tiền để tự mình lo đám tang cho bản thân.


Những tưởng con phố sầm uất Hàm Tử Quan chẳng ai để ý đến bà, người đàn bà cũ kỹ lúc nào cũng âu sầu. Thế nhưng bà Tuệ không chỉ được mọi người biết đến mà họ còn hiểu cả những tâm tư của người đàn bà mù bất hạnh ấy. Gần chục năm nay, không kể nắng mưa, bà Tuệ cần mẫn với đôi ba mẹt hàng lơ thơ vài con tôm, con cá chỉ với ước mong kiếm đủ tiền để tự lo đám tang cho mình, tự mua được chiếc quan tài. Có như vậy mới yên tâm trở về quê sống nốt quãng đời còn lại.

Với đôi mắt nhìn không rõ đường nhưng bà Tuệ cũng giống như phần lớn cư dân xóm lao động Phúc Tân, bắt đầu công việc trong ngày từ 3 giờ sáng. Vì không nhìn rõ, bà Tuệ phải lần dò từng bước lên chợ đầu mối Long Biên để lấy cá về bán ở chợ Hàm Tử Quan. Bà kể: "Những ngày đầu đi như thế vất vả lắm, mắt kém nhìn đường không có rõ. Lúc thì vấp phải viên đá, bậc thềm lại ngã dúi dụi, khi thì đâm bổ vào tường nhà người ta. Có hôm còn đi lạc, đi mãi ra tận bờ sông Hồng".

Góc hàng nhỏ của bà Tuệ trên phố Hàm Tử Quan.

Bà còn nhớ như in cách đây chừng 7 năm, vào một buổi sớm mùa đông lạnh tê tái, trên quãng đường từ nhà trọ đi lấy cá, mắt kém không nhìn rõ, bà Tuệ bị thụt chân xuống hố ga. Bà kêu khóc để được cứu nhưng chẳng có ai, một chân thì đã gãy, bà cố bò lê lết về được đến cổng Bệnh viện Việt Đức. May mắn là sau 1 vài tháng bó bột, đôi chân ấy có thể đi lại được.

Vất vả là thế, nguy hiểm là thế nhưng mỗi ngày lãi cao nhất cũng chỉ vỏn vẹn được 50 nghìn đồng. Ngày ế ẩm thì coi như không có lãi, thậm chí có ngày sạch cả vốn lẫn lời vì bị người ta lừa.

Những ngày đầu lên Thủ đô bươn chải, bà còn khỏe mạnh, ngược xuôi khắp nơi cũng chẳng hết việc. Được đâu một hai năm thì trăm thứ bệnh ập đến, mắt mờ dần đi rồi chẳng còn nhìn rõ mọi thứ nữa. Đưa đôi bàn tay xù xì gạt mồ hôi, bà Tuệ nhớ lại quãng thời gian trước với giọng đầy chua xót: "Nhà cháu nào có muốn lang thang nơi đất khách quê người thế này đâu. Nhưng về dưới quê thì biết làm gì? Có mấy sào ruộng thì thành khu công nghiệp hết rồi. Cũng có anh em đấy nhưng họ đều làm nông nghiệp, đều khó khăn vất vả, còn gia đình con cái nữa. Có ai khá khẩm đâu mà nuôi tôi, người đàn bà mù. Nhà cháu cũng buồn lắm, khóc chán rồi lại phải đi kiếm việc chứ không thì chết mất".

Bà có 5 anh chị em ruột. Mấy đời làm nông nghiệp, không bám được vào đồng áng chỉ còn cách nhoai lên thành phố để mưu sinh. Ngày trẻ, bà ngoại, rồi bố mất sớm bà đã cạn nước mắt rồi. Đến khi lên thành phố mưu sinh, vì tủi thân, gặp chuyện buồn bà Tuệ chẳng còn nước mắt để khóc nữa. Thế nên, giờ gặp chuyện buồn mà bà kể lại như không vậy.

Tất cả gia tài của bà Tuệ.

Ngày mắt mới bị mù, cô em dâu vẫn còn ở Hà Nội, hai chị em dìu dắt nhau đi buôn bán. Được thời gian ngắn, cô em này chuyển về Quảng Ninh làm công nhân. Bà Tuệ nghĩ, giá mà có chết đi được cũng chẳng sao, chỉ khổ nỗi chưa đủ tiền mua quan tài khi nằm xuống, sợ liên lụy đến anh em. Nghĩ vậy mà bà phải tập, phải tự đi, để mưu sinh, để sống, để lo hậu sự cho mình.

Người đàn bà mù ấy chỉ biết lặng lẽ sống, lặng lẽ làm việc. Tiền dành dụm được bao nhiêu bà cũng chả biết. Cả gia sản có cái túi nilon cũ, thi thoảng lại rút ra nhờ người quen đếm hộ. Lúc ấy bà lại không quên hỏi: "Đủ tiền mua quan tài chưa?". Mà đủ sao được! Bà làm đủ ăn ở thành phố này là may mắn lắm rồi.

Cô Hòa, người cùng bán hàng tại chợ Hàm Tử Quan lắc đầu nhìn bà Tuệ nói: "Cứ thế thôi nhưng hay bị người ta lừa lắm.

Hôm rồi có người đến mua cá, đi xe máy sang trọng lắm. Bà ấy mua 6 con cá, hết 24 nghìn nhưng chỉ đưa tờ 20 nghìn rồi nói là 100 nghìn, trả lại đi. Bà Tuệ chìa bao lilon cho khách tự lấy, thế là người phụ nữ kia bốc cả mấy tờ rồi phóng đi". Một lúc sau bà Tuệ đưa đồng 20 nghìn hỏi chị bán tôm bên cạnh: "Có phải đây là tờ 100 nghìn không?" thì lại bị mắng xơi xơi: "Bán với buôn thế thì bao giờ mà đủ mua quan tài để về quê? Bị lừa thế thì ăn còn chả đủ nữa là".

Người đàn bà mù lại cúi gằm mặt, dụi mắt mà chẳng nói được lời gì. "Tôi quen rồi, nhiều người họ xấu lắm. Có hôm lên chợ đầu mối mua hàng hết 1,2 triệu đồng, khi về chợ Hàm Tử Quan dù đã bán hết hàng, nhờ bạn kiểm tra lại xem lời lãi thế nào thì chỉ còn vỏn vẹn 500 nghìn thôi" - bà Tuệ nói mà như khóc.

Bà Tuệ khóc nức nở khi kể về cuộc đời mình.

Có lẽ ở nơi "đất khách quê người này" niềm an ủi duy nhất, chỗ dựa duy nhất của bà Tuệ là những người bán hàng xung quanh, những người lao động ở trọ trong xóm ngụ cư thuộc phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm). "Vẫn còn nhiều người tốt lắm bác ạ. Những người bán hàng xung quanh nhà cháu tốt lắm, giúp đỡ rất nhiều. Họ bỏ cả hàng của mình sang để bán giúp cho nhà cháu. Thỉnh thoảng họ vẫn cho đồ ăn thức uống, thậm chí cho cả tiền. Nếu tháng nào may mắn nhà cháu vẫn gửi được vài trăm nghìn về quê phụng dưỡng mẹ già".

Sau buổi chợ, bà Tuệ đưa chúng tôi về phòng trọ, đó là một căn gác xép nhỏ. Căn phòng chỉ rộng chừng 10m2, nằm trong con ngõ sâu hun hút, ẩm ướt, tối tăm chẳng thể phân biệt ngày đêm. Căn gác xép này có tới 8 người chen chúc nhau trên manh chiếu để qua đêm.

Mở chiếc túi du lịch cũ kỹ đựng quần áo, bà Tuệ lấy tấm ảnh của cha mình cho chúng tôi xem, bà bảo: "Bây giờ ở quê nhà cháu vẫn còn mẹ già ngoài 80 tuổi rồi. Cậu em trai ở cùng mẹ nhưng cũng có giúp được gì đâu". Trong nhà, ngoài bà, còn hai người em trai cũng mắc bệnh về mắt. Đang bình thường, chỉ sau một trận ốm thấy mắt mờ dần đi, nhìn mọi vật xung quanh không rõ ràng nữa. Dù chạy chữa khắp nơi nhưng các bác sĩ đều bó tay, cũng chẳng ai biết đó là bệnh gì.

Nhiều người nói nhỏ với bà Tuệ là cứ mua lấy vài gói bông tai, kẹo cao su, rồi đi lang thang vừa xin vừa kêu người ta mua giúp. Thậm chí bà cứ ngồi ngã tư nào đó mà xin người ta bố thí cho có phải sẽ bớt khổ, bớt vất vả hơn, thì bà Tuệ lại giãy nảy lên: "Không được, tôi là người lao động, tôi không đi ăn xin được. Tủi thân lắm".

Giấc mơ ngày một xa vời.

Bà Tuệ xuất thân trong một gia đình thuần nông, nghèo khó. Cả thảy có 5 anh chị em, bà Tuệ là con thứ 3. Nhà nghèo, lại đông con, dù có làm cật lực quanh năm nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh cơ hàn. Ăn còn phải lo từng bữa, từ nhỏ bà Tuệ không dám mơ được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. 4 anh chị em lần lượt lập gia đình, duy chỉ có bà Huệ vẫn còn lẻ bóng.

"Cũng vì thương cha mẹ, anh em lại bệnh tật, không ngờ loáng 1 cái đã qua mất xuân thì. Thế là tôi cũng chẳng nghĩ đến chuyện lập gia đình nữa"- bà Tuệ nhớ lại.

Cả nhà trông vào mấy sào ruộng, thế rồi người ta cũng về lấy đi để mở các khu công nghiệp. Tất cả ruộng nằm gọn lỏn trong diện giải phóng mặt bằng. Thế là dân vùng ven đô kéo nhau lên Hà Nội mưu sinh như nước vỡ bờ. Mấy năm đầu bà Tuệ còn khỏe mạnh, buôn bán cũng để được đồng ra đồng vào.

Cái số hẩm hiu cứ bám riết lấy bà, trăm thứ bệnh đổ vào người. Rồi một ngày thấy chóng mặt, rồi ngất đi… Khi tỉnh dậy bà thấy mắt mình cứ mờ dần đi, mọi thứ nhạt nhòa. Bao nhiêu tiền dành dụm được, bà nhờ người thân đưa đi thăm khám. Hết bệnh viện mắt Trung ương rồi đến thầy lang các vùng, tất cả đều không có câu trả lời cho căn bệnh quái ác này.

Đã có lúc tuyệt vọng bà nghĩ đến cái chết, bà muốn giải thoát tất cả. Nhưng rồi còn gánh nặng gia đình, còn mẹ già, cùng người em mù lòa kia. Để rồi bà Tuệ cố dằn lòng mình không được gục ngã, ít nhất cũng không thể trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Nghe bà Tuệ tâm sự, có lẽ ước nguyện mua một chiếc quan tài cho chính mình sẽ còn dang dở. Bà bảo, phải về quê phụng dưỡng mẹ già, rau cháo nuôi nhau. Khi nào mẹ khuất núi rồi lại tính tiếp việc của mình.

Phong Anh
.
.
.