Độc đáo khu vườn đọc sách miễn phí ở Hải Dương

Thứ Năm, 12/10/2017, 14:27
Tự bỏ chi phí ra xây dựng một ngôi nhà nổi ngay giữa ao nhà khang trang đẹp đẽ, xung quanh là vườn cây, hoa quả mát mẻ, sạch sẽ làm thư viện đọc sách miễn phí cho trẻ em và người già trong làng, ông bảo đó là cách khơi dậy văn hóa đọc sách của các cháu nhỏ khi thời buổi công nghệ lên ngôi, văn hóa đọc đã dần mai một.


Khu vườn đọc sách độc đáo của ông Phạm Văn Xuân, cán bộ Quân chủng phòng không không quân đã về hưu nằm ở khu phố 1, phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương. Ông lấy luôn tên con ngõ nhỏ của nhà mình để đặt tên cho khu vườn là “Chi Các viên”. Nhìn cách bài trí, thiết kế đủ thấy người sáng tạo ra nó có đầu óc thẩm mỹ. 

Trên diện tích ao vườn 1.600m², ông Xuân cải tạo, quy hoạch thành một không gian xanh khá đẹp và khang trang. Trong khu vườn của mình, ông Xuân trồng rất nhiều cây xanh, vừa để lấy bóng mát, vừa có không khí trong lành cho người đến đọc sách. Dưới mỗi tán cây, ông cho đặt các ghế đá để mọi người có thể đọc sách trong bầu không khí thiên nhiên trong lành, thoáng mát.

Ở giữa khu vườn, ông Xuân xây một phòng đọc sách nổi giữa hồ nước với diện tích khoảng 30m². Vì ao sâu, nhiều bùn không thể làm cọc bê tông, dựng nhà nên ông tự mày mò, tìm hiểu và nghĩ ra cách lấy thùng phi làm phao và dựng nhà trên đó. 

Tuy là nhà nổi, nhưng phòng đọc sách của ông khá kiên cố, một lúc có thể chứa ba bốn chục người. Chi phí cho việc cải tạo xây dựng hết 300 triệu đồng, ông Xuân đều lấy từ nguồn sản xuất tranh đá của mình.

Thư viện sách nổi giữa ao nhà.

Phòng đọc sách của ông hiện có trên 2.000 đầu sách nhiều thể loại như sách văn học trong nước và nước ngoài, lịch sử, địa lý, truyện cổ tích, một số tờ báo thời sự hằng ngày… Ngoài ra có nhiều truyện tranh, truyện thiếu nhi… dành cho các em học sinh. Vườn đọc sách được mở cửa miễn phí từ 8 giờ đến 17 giờ các ngày trong tuần. 

Để duy trì vườn đọc sách, ông Xuân thuê hẳn hai cô bé sinh viên vừa cho ở trọ nhờ nhà ông, vừa trả tiền để thuê trông giữ thư viện sách, cứ đến giờ là mở cửa vườn cho mọi người thoải mái vào chơi và đọc sách, vì hiện tại ông Xuân đang sống ở Hà Nội. 

Ở quê chỉ có vườn đọc sách, nhà của bố mẹ ông và xưởng làm tranh đá quý. Dù công ty tranh đá của ông ngoài Hà Nội khá bận rộn, nhưng cứ cách 1, 2 ngày, ông lại bắt xe khách về thăm bố cũng như coi sóc việc sản xuất ở xưởng tranh và vườn đọc sách.

Ông tâm sự, ông lập ra vườn sách này trước hết là để cho bố ông có nơi an dưỡng tuổi già, cũng bạn bè tâm giao đọc sách. Đó cũng là nơi để những người về hưu, những cụ già trong làng có nơi giao lưu, giải trí. Thứ hai là ông muốn khơi dậy văn hóa đọc đang ngày càng mai một với giới trẻ hiện nay. 

“Khi thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, Internet cùng với những chiếc điện thoại thông minh, hiện đại đã khiến các bạn trẻ, ngay cả với nhiều người già có chút hiểu biết về công nghệ xa dần với sách vở. Chỉ cần tìm trên mạng là họ đã có cái cần tìm nên không còn có nhu cầu đọc sách. Tôi muốn khơi lên niềm đam mê sách trong giới trẻ nhất là để các em thiếu nhi có chỗ sinh hoạt bổ ích trong dịp hè”, ông Xuân tâm sự. Bản thân ông là một người rất ham đọc sách. Từ nhỏ nhà nghèo, không có điều kiện được đọc nhiều sách nên ông thấy mình thiệt thòi nhiều lắm.

Ông Phạm Văn Xuân chia sẻ về dự định kế hoạch với “Chi Các viên”.

Đây là lần thứ 3 ông dựng thư viện sách làm nơi giao lưu, học hỏi cho mọi người. Lần thứ nhất ông mở cho đơn vị khi đóng quân ở căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, khi mới đi bộ đội vào tiếp quản miền Nam trước khi giải phóng ít ngày. 

Lần thứ hai cách đây chục năm, ông cũng mở thư viện sách tại nhà để cho bố ông có điều kiện được đọc sách, được học hỏi bởi cả đời cụ không có điều kiện được đi nhiều, học nhiều tiếp xúc nhiều cũng như trẻ em, người dân trong làng đến đọc. 

Nhưng sau đó do điều kiện kinh tế, ông buộc phải gác lại giấc mơ của mình. Đến năm 2016, kinh tế vững vàng, ông mới quyết định mở lại thư viện sách và cải tạo khu vườn nhà làm vườn đọc sách miễn phí cho người dân trong làng. Đầu tư mở vườn đọc sách ở quê, ông bảo đây cũng là cách ông muốn phát triển văn hóa giáo dục ở quê hương mình.

Gia đình ông có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của quê hương. Trước khi đến với nghề tranh đá, ông Xuân đã trải qua nghề làm tranh tre, mành tre nhưng đều không thành công. 

Ông kể, năm 2000, sau khi nghỉ hưu sớm trở về quê hương, ông quyết tâm làm một điều gì đó để phát triển kinh tế và quê hương mình thành một làng nghề mới, tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong làng. 

Tự tìm tòi nguyên liệu sản xuất, tự sáng tạo ra máy móc để phục vụ công việc, rồi tự mang tranh đến các khu du lịch mời chào, nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Chỉ đến khi làm tranh đá, ông mới có duyên gắn bó lâu dài cho đến ngày hôm nay. Những năm chiến tranh, mọi di tích, đình làng quê ông đều bị tàn phá nặng nề. 

Nhiều người trong làng, đặc biệt là mẹ ông muốn khôi phục lại nhưng thời ấy nếu không có thần tích, thần sắc thì không thể khôi phục. Chính bố ông là người đã đi rất nhiều thư viện trong tỉnh mượn sách đọc và đã tìm được thần sắc, thần tích của làng. 

Để có kinh phí xây dựng đình, ông Xuân đã kêu gọi các nhà tài trợ, đồng thời xin mở một cuộc triển lãm tranh của chính mình, bán lấy tiền làm kinh phí xây dựng. 

Năm 2010, ông trưng bày 1.000 bức tranh tại cuộc triển lãm ở làng, cũng là để chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Khi ấy, số tiền thu được ông đều trao tặng lại Ban Quản lý xây dựng đình làng.

Khu vườn đọc sách độc đáo.

Lựa chọn mở vườn đọc sách miễn phí ở quê, đó cũng là cách ông muốn quê hương mình phát triển hơn và nổi tiếng hơn. Mọi người có thể đọc tại chỗ hoặc cũng có thể mượn sách về nhà. Gần 1 năm nay, tủ sách của gia đình ông đã phục vụ nhiều người dân trong và ngoài vùng, nhất là cán bộ hưu trí, thanh thiếu niên, học sinh. Thỉnh thoảng, vườn đọc sách còn đón một vài người bạn già ham mê sách báo ở nhiều nơi xa đến cùng ông Xuân thưởng trà, bàn luận sách hay.

Mới đầu, ông Xuân lấy sách từ chính tủ sách của gia đình đem ra phục vụ bà con. Ngoài ra cứ đi đâu thấy có sách hay, ông lại bỏ tiền ra mua về để bổ sung cho tủ sách thêm phong phú. Đến nay, kho sách của ông Phạm Văn Xuân ngày một tăng lên về số lượng sách, bởi anh em, bạn bè và nhiều người khi biết đến khu vườn đã mang sách tới ủng hộ. Khu vườn sách của ông Phạm Văn Xuân còn là địa chỉ tin cậy của thư viện trong tỉnh khi muốn cập nhật nguồn sách bởi khả năng am hiểu cũng như sự chọn lựa cẩn thận của ông.

Xưởng tranh đá giúp ông Xuân có kinh tế để xây dựng “Chi Các viên”.

Ông Xuân cho biết: "Để vườn đọc duy trì, ngày càng phát triển, phong phú cả về chất lượng và số lượng sách, trong thời gian tới, tôi tiếp tục vận động nguồn sách từ bạn bè, người thân trong gia đình". Điều đặc biệt hơn, vài tháng, vườn đọc lại có nguồn sách lớn từ việc hợp tác, trao đổi, luân chuyển 500 đầu sách giữa ông Xuân và Thư viện tỉnh Hải Dương.

Cùng với đó, ông Xuân còn chủ động đến gặp các thầy cô hiệu trưởng của một vài trường học ở địa phương, đề xuất nhà trường mở những buổi ngoại khóa cho các cháu đi thực tế tại "Chi Các viên" để các cháu mở mang thêm kiến thức và có không gian tự nhiên bổ ích sau mỗi giờ học mệt mỏi.

Vườn sách miễn phí của ông Xuân đã khơi dậy văn hóa đọc đang ngày một mai một nhất là trong giới trẻ. Đây là mô hình thiết thực, ý nghĩa và đầy tính nhân văn nhằm gìn giữ văn hóa đọc trong xã hội hiện nay. Dự định và cũng là mong muốn lớn nhất sắp tới của ông Xuân là thành lập câu lạc bộ robotic ngay tại “Chi Các viên”, trong đó các học sinh ở trong làng ông sẽ được ưu tiên trở thành thành viên chính thức. 

Ông sẽ kêu gọi đầu tư cả máy vi tính, kèm theo sách công nghệ, lập trình… để nơi đây sẽ vừa là nơi học, vừa là nơi thực hành cho các em. Ông luôn tâm niệm, học phải đi đôi với hành. Câu lạc bộ này sẽ là sân chơi bổ ích, cung cấp kiến thức cho các em học sinh, là nơi các em sẽ trưởng thành và phát huy được khả năng của mình. 

Lê Phong – Ngọc Trâm
.
.
.