Đá bọt khổng lồ như Manhattan đang trôi về bờ biển Australia

Thứ Hai, 26/08/2019, 16:39

Một “bè” đá bọt khổng lồ, có kích thước tương đương khu vực Manhattan của New York, đang trôi dạt về phía Australia, mang theo nhiều sinh vật mới có thể giúp phục hồi Rạn san hô Great Barrier vốn bị tàn phá nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Bè đá bọt khổng lồ được hy vọng là sẽ "cứu" Rạn san hô Great Barrier sống lại sau những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa Getty Images. 

Các chuyên gia cho rằng nếu khối đá bọt này được đưa đến khu vực Rạn san hô Great Barrier, nó có thể giúp bổ sung một số loại sinh vật biển đã biến mất. Chiếc “bè” đá bọt này được cho là nơi trú ngụ của các sinh vật như cua và san hô.

Đá bọt được tạo thành nhờ dung nham có hàm lượng nước và khí rất cao được thải ra trong quá trình phun trào núi lửa. Bè đá bọt mới này được các thủy thủ phát hiện lần đầu tiên vào ngày 9-8, vài ngày sau một trận phun trào núi lửa dưới lòng đại dương gần khu vực Tonga ở Thái Bình Dương, theo Đài quan sát Trái Đất của NASA.

Vài ngày sau, các thủy thủ Australia cho biết họ đã trông thấy bè đá bọt này trên biển.

Bè đá bọt này được cho là sẽ trôi theo dòng chảy xuống đến bờ biển của Australia trong vòng 7-10 tháng tới. Các nhà khoa học tin rằng nó sẽ có ảnh hưởng tích cực đến các vi sinh vật tại đây.

Giáo sư Scott Bryan tại Đại học Công nghệ Queensland chuyên về địa chất và địa hóa học, cho biết chiếc bè đá bọt hiện tại đang di chuyển ở khoảng 10 đến 30 km mỗi ngày. Tốc độ và hướng của nó phần lớn chịu ảnh hưởng của dòng chảy bề mặt, sóng và gió.

Giáo sư này cho biết những sự kiện như thế này xảy ra cứ 5 năm một lần và liên quan đến hàng nghìn tỷ mẩu đá bọt nhỏ như một viên bi và lớn nhất là như một quả bóng rổ.

Vào năm 2012, nghiên cứu của Bryan và cộng sự sau một sự kiện núi lửa phun trào dưới biển tương tự đã phát hiện ra rằng bè đá bọt là một cách mà đại dương có thể phân phối sự đa dạng của sinh vật biển.

Vụ phun trào trong tháng này có thể có những tác động tích cực tương tự, mặc dù cũng có nguy cơ nó có thể đem đến các loài xâm lấn đến khu vực này, Bryan cho biết.

Giáo sư này cho biết thêm rằng có nhiều thách thức trong việc phục hồi san hô vì loài này không thể cứ “nhảy đi” và tìm một môi trường sống mới như nhiều động vật khác.

Trong năm 2016 và 2017, sóng nhiệt biển do biến đổi khí hậu đã gây ra sự “tẩy trắng hàng loạt”, giết chết khoảng một nửa số san hô trên Rạn san hô Great Barrier, cùng với nhiều nơi khác trên thế giới.

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.