Con chữ và cái sự học làm sống lại “hoang đảo”

Chủ Nhật, 01/11/2015, 09:00
Nằm cheo leo trên đỉnh núi cao 2.000m với tuyết trắng phủ mờ quanh năm, Củm Cò thuộc vị trí giáp ranh giữa 3 tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái. Cuộc sống của đồng bào người Mông di cư đến đây làm hồi sinh “hoang đảo”, thế nhưng chuyện học cái chữ của lũ trẻ nơi đây vẫn còn đó những khó khăn.

Mưu sinh nơi “gà gáy 3 tỉnh đều nghe”

Được bao bọc bởi những dãy núi xoay vòng, bản Mỹ Á, (xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) là nơi một con gà gáy người dân 3 tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái đều nghe rõ. Đường vào Mỹ Á chỉ có duy nhất một con đường mòn nhỏ, do địa hình là những khối núi đá tai mèo sừng sững dựng đứng nên nếu không có sự chỉ dẫn của người trong bản sẽ khó ra vào bản. Để vào đến bản chúng tôi phải mất nửa ngày để lội qua vài ba con suối, những cung đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu cùng chiếc cầu treo rung lắc.

Em Sùng A Min và các bạn.

Những năm 80 của thế kỷ trước, nạn đói càn quét đến khu vực (huyện Văn Chấn, Yên Bái), để đối phó với nạn đói, Trưởng bản Mùa A Tủa dẫn đầu cùng 3 gia đình đầu tiên chuyển đến làm lán ở. Về sau, đồng bào người Mông nhận thấy nơi đây có khí hậu ôn hòa, thuận tiện cho việc trồng khoai sắn nên cũng chuyển sang để cùng khai hoang mưu sinh. Ngày mới đến, bản hoang vắng, ít người nhưng có đàn cò trắng hay sà xuống nghỉ ngơi nên bản còn có tên gọi khác là “hoang bản”, “hoang đảo” hay đỉnh Củm Cò.

Theo Trưởng bản Mỹ Á, cách đây 40 năm trên “bản mặt trời” chỉ lác đác 5 hộ dân với gần 20 nhâu khẩu nhưng hiện tại trong bản đã hình thành gần 100 hộ dân với 590 nhân khẩu. Cư dân sinh sống với gần 100% là đồng bào người Mông. Chỉ có một số thầy giáo, cán bộ là người Kinh do nhà nước cử lên.

Những năm đầu, nhà cửa của người dân trong bản còn tuềnh toàng, trong nhà chỉ có mấy củ sắn, củ mài phòng khi đói, lúc đó cũng chưa có gạo để nấu cơm như bây giờ. Điện, đường, trường, trạm đều thiếu nên gần 80% hộ dân trong xã thuộc diện đói nghèo và cái đói đeo đẳng người dân ngày qua ngày. Khu trung tâm huyện và chợ ở mãi dưới xuôi, muốn đi cũng phải mất cả mấy ngày trời do đường sá khó khăn.

Ít năm trở lại đây, chính sách xóa đói giảm nghèo của chính phủ về bản nên cuộc sống của người dân bớt đói khổ hơn. Người dân trong bản hiện đã có gạo để thổi cơm nhưng việc học cái chữ của con trẻ nơi đây vẫn còn nhiều gian truân, trắc trở. Nếu như trước kia người dân phải đi mấy ngày ròng xuống tận quốc lộ để đổi thức ăn, gạo thì giờ đây đã có người chuyên chở lương thực, đồ dùng lên hàng tháng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Từ khi chương trình 134, 135 rồi 30A về với bản nghèo vùng núi, điện được kéo về bản, đường sá cũng vì thế mà thuận tiện hơn. Một số công trình dân sinh như trụ sở xã, trạm y tế bước đầu đã hoàn thiện và đi vào hoạt động. Sau khi cái bụng đã no, người dân được khuyến khích học cái chữ để biết viết, biết đọc và biết giao lưu với cuộc sống bên ngoài. Trường mầm non và tiểu học được xây dựng cách bản chừng vài cây số, trường trung học được xây cách đó chừng hơn chục cây số nên các em thường phải dậy từ 4h sáng để lội qua 3 con suối đến trường.

Cây cầu là đường các em ở bản Mỹ Á đến trường.

Trong bản Mỹ Á hiện chỉ có hơn 30 em đang theo học ở trường trung học, chừng 15 em theo học đến phổ phông và cái từ đại học có vẻ còn quá xa vời với các em. Trưởng bản cho biết, trong bản có dăm ba em theo học “đại học” ở xuôi thôi, đó là những gia đình có điều kiện và các em cũng chịu khó theo học, còn phần nhiều các em chỉ học hết trung học để biết cái chữ rồi về làm sắn, trồng khoai.

Học chữ để đổi đời

“Việc học trên lớp thường mất cả ngày, buổi tối về phải học bài, nếu không học mai lên lớp bị cô giáo khiển trách xấu hổ lắm. Nhưng nếu tiếp tục đi học thì không có cái mà bỏ vào bụng nên một số bạn chỉ cố gắng học hết cấp II để lấy cái chữ” – Đó là những lời tâm sự từ em Sùng A Lý.

Tuy nhà nghèo nhưng học trò Trung học Mì A Vứa luôn đạt thành tích cao tốp đầu trong lớp: “Mặc dù việc học cái chữ còn nhiều gian truân nhưng chúng em vẫn cố gắng theo học hết bậc trung học để biết cái chữ sau này về dạy con cái. Cô giáo nói, nếu chúng em được bố mẹ cho theo học hết bậc trung học thì sau này chúng em phải cố gắng cho con mình học qua  bậc phổ thông”.

Em Tủa A Châu, học sinh Trường THPT Thạch Kiệt bộc trực: “Trường cách bản hơn 30km đường đèo, dốc xen kẽ 3 con suối nên nếu đi cũng phải mất gần nửa ngày. Do vậy, chúng em phải ở bán trú trong khu nhà dân, do đi học xa nhà nên ngoài việc học hành còn phải lo thêm một số vấn đề tự phát sinh”. Buổi trưa đi học về cả nhóm bạn vây lại nấu mì ăn rồi chiều lên rẫy giúp bà con xem như trả công, buổi tối mấy đứa lại chia nhau nấu cơm ăn, bảo nhau học bài. Cuộc sống tuy vất vả nhưng các em thấy vui vì được đi học để mang lại niềm tin cho quê hương.

Thầy Mừa A Vừn - người từng gắn bó nhiều năm với công tác trồng người trên đỉnh Củm Cò chia sẻ: Trước đây, các em chỉ có được nhà tranh do người dân chung sức dựng lên để học tạm bợ qua ngày. Nhưng nay đã có trường mới để học. Tuy nhiên, với các em ở bản Mỹ Á vì đường sá khó khăn, việc đi lại nguy hiểm nên các em phải ở bán trú trong khu nhà dân. Cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, có những hôm trời mưa bị mất điện nên phải cho các em nghỉ. Mùa mưa thường phải cho các em nghỉ để tự học ở nhà vì điều kiện trường lớp không đảm bảo. Mùa mưa bão, các em không thể đến trường nên hôm sau cô giáo thường phải đến tận nhà vận động các em đi học trở lại.

Thầy Trần Văn Toàn, Hiệu trưởng Trường THCS Thu Cúc là người đã gắn bó với ngôi trường nhiều năm: Hiện các em ở khu vực xa như ở Mỹ Á đã được sắp xếp ở trong khu bán trú nhà dân. Cơ sở vật chất của trường hiện đã xuống cấp nhiều, bàn ghế xuệch xoạc, bị mọt ăn nên nhiều bộ bàn ghế nhà trường phải thuê bảo vệ nối lại chân để các em ngồi. Hệ thống ngói cũng không còn an toàn, dễ bị lốc ngói nên mỗi khi mưa lớn nhà trường phải tính chuyện cho các em nghỉ tự học ở nhà để đảm bảo an toàn cho các em.

Lớp học ở trường PTHT.

Dù khu bán trú chỉ là một khu lán nhỏ hẹp nhưng chan chứa tình thầy trò, chứa đựng lòng quyết tâm đi học cái chữ của những cô, cậu bé tóc vàng. Các em đi học với mong muốn thoát nghèo. Với những bạn ở xa không đăng ký ở bán trú, vào mùa mưa bão đi qua những con suối chảy xiết, đường sá trơn trượt nên tai nạn đường sá vẫn hiện hữu từng ngày với các em. Thế nhưng, với một số em ở bán trú vẫn thường phải về nhà vào cuối tuần để đèo gạo, muối, rau xanh xuống núi theo học cái chữ.

Đời sống sinh hoạt, bữa cơm thường ngày của các em vẫn còn thiếu thốn lắm. Bữa ăn hằng ngày của các em cũng rất đạm bạc, phụ thuộc nhiều vào kho lương gia đình cấp cho mỗi em hằng tháng. Vậy nên các em phải cố gắng để cân bằng chi phí đủ cho cả tháng: Ngoài ngô, khoai, sắn thì các em ở bán trú vẫn phải ăn mì tôm vào buổi trưa sau mỗi buổi học. Những món đổi bữa cũng chỉ vòng quay với rau xào, rau luộc hay rau nấu, cả năm các em mới có được một vài bữa thịt. Với các em nhỏ nơi đây chỉ có mong ước nhỏ là thời gian tới đường sá thuận tiện hơn để lũ trẻ đi học phổ thông dễ dàng, thanh niên lên phố học đại học thuận tiện hơn.

Ngoài thời gian học, các em cũng được nhà trường tạo điều kiện để tham gia hoạt động thể dục, thể thao như đá bóng, đá cầu, lùa săn bắt cướp, còn với bạn gái thi nhảy dây, bước bậc, kẻ ô. Rõ ràng những đứa trẻ đã chứng kiến cảnh bố mẹ lay lắt lo miếng ăn, tiền học cho các em từng ngày nên chúng không muốn như bố mẹ mà quyết tâm đi học để kiếm việc làm về đổi mới bản làng.

Đứng trên đỉnh Củm Cò nhìn xuống, chúng tôi ngẫm về những học trò dưới phố, những cô cậu nhà giàu thường trốn học chơi game, ăn chơi không suy nghĩ và liên tưởng về những số phận nhỏ bé chỉ với mơ ước giản đơn là làm sao để các em được đến trường hòa đồng với các bạn, theo học cái chữ để đổi đời.

Ngày nay, dù những con đường đang dần hình thành, cái sự học đã bắt đầu ngấm dần với suy nghĩ của người dân, em nhỏ bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của việc học nhưng trên nóc nhà Củm Cò vẫn còn hiện hữu những khó khăn. Ước mơ về một con đường thuận tiện rút ngắn thời gian đi học để các em được đi học nửa ngày và nửa ngày lên nương giúp mẹ vẫn chưa được thực hiện.

Văn Hải
.
.
.