Cảm động chuyện người mẹ bị ung thư từ chối chữa bệnh để sinh con

Thứ Ba, 07/06/2016, 15:55
Lấy chồng chưa lâu, trong một lần đi khám thai thì phát hiện mình bị ung thư. Cô gái trẻ ấy chưa kịp hình dung chuyện gì đang xảy ra với mình thì người bạn đời nhẫn tâm ruồng bỏ.


Vì bệnh tật, Vương Thị Bắc (xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) được bác sĩ khuyên bỏ cái thai 5 tháng tuổi để tập trung chữa bệnh. Thế nhưng tình mẫu tử như mách bảo cô phải giữ cho kỳ được cái thai ấy dù phải đánh đổi cả mạng sống của mình.

Bị bỏ rơi vì mắc bệnh ung thư

Đã lâu lắm rồi ngôi nhà ấy chẳng có tiếng cười, mọi người cứ lầm lũi rồi lại nhìn nhau buồn rười rượi. Không buồn sao được khi 3 trong số 5 người một nhà cùng mắc bệnh ung thư. Không tủi sao được khi mà của nả cứ thế nối đuôi nhau ra đi, trong khi lo bữa ăn hằng ngày còn khó.

Chị Bắc đau đớn kể lại cuộc đời mình.

Giữa trời nắng như đổ lửa, ông Vương Vinh Quang mình trần sửa chữa lại nếp nhà đã cũ. Ông bảo, phải đảo lại ngói, nếu không mùa mưa tới thì trong nhà lại như ngoài sân. Ở xã Thạch Liên này chẳng ai còn lạ gì hoàn cảnh éo le của gia đình ông Quang.

Vợ ông, bà Nguyễn Thị Bình mắc bệnh ung thư bàng quang, cắn răng tự chữa bệnh tại nhà vì không có tiền. Cô con gái lớn thì vừa qua đời vì ung thư trong miền Nam. Khi mà ông phải lao đao hết vào Nam chăm con cả lại lộn về nhà chăm vợ thì lại nghe tin dữ nữa. Cô con gái út vừa lấy chồng, có bầu được 3 tháng cũng phát hiện ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu.

Hơn lúc nào hết, ông Quang ý thức mình là trụ cột trong nhà, ông không thể gục ngã trước những khó khăn này. Nhìn vào mắt ông tôi hiểu người đàn ông can trường ấy, khó khăn bao nhiêu, vất vả bao nhiêu ông cũng không chịu đầu hàng. Duy chỉ có điều khiến ông Quang đau đáu nhất chính là cô con gái út.

Nói về đứa con gái út đầy bản lĩnh, ông Quang không cầm được nước mắt: "Năm 2013, tôi đang chăm đứa lớn (chị Vương Thị Việt, sinh năm 1988) bị ung thư hạch trung thất ở trong Nam thì nhận được cái Bắc mắc ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu.

Lúc đó nó mới lấy chồng được vài tháng thôi. Khi phát hiện ung thư, cái Bắc đang mang bầu được 3 tháng. Giữa lúc khó khăn chồng chất ấy, tôi mong muốn cả hai gia đình cùng chung sức chữa bệnh cho cháu.

Vậy mà…". Biết tin con út mắc bạo bệnh, ông Quang thu xếp trở lại quê để lo cho con. Về đến nhà, ông Quang không giữ được bình tĩnh khi nhìn đứa con gái mới cưới chỉ vài tháng đã gầy dộc đi. Thấy cha về, Bắc lao ra ôm lấy bố mà khóc nức nở: "họ không cho con ở đó nữa, họ bỏ rơi con rồi bố ơi".

 Sau khi cưới nhau, gia đình ông Quang đã cắt khẩu của Bắc để nhập về nhà chồng. Thế nhưng từ khi Bắc lâm bệnh, bên nhà chồng nhất định không cho nhập khẩu. Cực chẳng đã, ông Quang mới nhập lại hộ khẩu cho con gái mình.

"Cái Việt cũng mắc bệnh, gia đình nhà chồng cũng nghèo đói lắm nhưng có bỏ nó đâu. Cuối cùng nó cũng qua đời, dù sao cũng tìm được những tình cảm ấm áp từ chồng, từ người thân. Con Bắc đúng là bất hạnh phải chịu cảnh này…". - ông Quang mắt ngân ngấn kể lại nỗi đau của người cha.

Như hiểu được nỗi lòng của mẹ, bé Phương rất ngoan ngoãn, ngày càng khỏe mạnh.

Ông Quang đang tiếp chuyện chúng tôi thì chị Bắc chở mẹ vừa đi khám tại bệnh viện tỉnh về. Phải gặng hỏi mãi, Bắc mới chịu chia sẻ về cuộc đời đen bạc mà cô đang phải gánh chịu: "Em mới cưới được mấy tháng thì mang bầu, khi đi khám thì người ta nói em bị ung thư tuyến giáp. Cứ tưởng sẽ được chồng và gia đình nhà chồng động viên, ai ngờ họ cho rằng em đã giấu bệnh, lừa dối gia đình họ để cưới".

Nói đến đây Bắc không cầm được nước mắt, cứ thế ôm mặt khóc nức nở. Chúng tôi hiểu Bắc, hiểu những gì cô phải gánh chịu. Cô dường như không còn chỗ để bám víu khi bị người bạn đời của mình hắt hủi, cho rằng lừa dối. Ngậm đắng nuốt cay, Bắc dọn đồ đạc, cùng với cái thai vừa đầy 3 tháng tuổi trở về nhà mẹ đẻ.

Nghĩ về số phận, nghĩ về căn bệnh ung thư không ít lần cô đã muốn chết, muốn giải thoát cho mình. Là người mẹ, Bắc không thể không nghĩ về đứa con trong bụng đang ngày một lớn dần. Những lúc như thế cô chỉ còn biết giam mình trong buồng tối mà khóc. Cô đã cố sống, gắng gượng vượt qua tất cả, tìm mọi cách để duy trì sự sống của mình để con được chào đời khỏe mạnh.

Lần tái khám thứ hai, thai nhi trong bụng đã bước sang tháng thứ 5. Các bác sĩ đã gọi riêng Bắc để khuyên, nên bỏ cái thai bởi tình trạng sức khỏe vô cùng xấu. Nếu vẫn quyết giữ lại thai sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của cả hai mẹ con. Di chứng của ung thư khiến chị suy tim, khó thở.

Hằng ngày chị vật lộn với bệnh tật, rồi cả những khó khăn của một người phụ nữ mang bầu. Bỏ thai để điều trị? Liều mạng giữ thai để đứa bé được chào đời? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh, giày vò Bắc. Tình mẫu tử của người mẹ mách bảo cô rằng, phải giữ cho kỳ được con. Thế là cô giữ lại với ý nghĩ: Đằng nào cũng phải chết, chấp nhận chết để con được làm người.

Con là động lực sống

Cuộc sống vốn khó khăn nay lại chồng chất khó khăn. Quyết định giữ lại thai nhi khiến mọi người trong nhà đều lo lắng. Vì yêu con, thương cháu nên ai cũng ủng hộ cô mà không trách móc nửa lời. Bố mẹ Bắc luôn ở bên động viên, đáp ứng vô điều kiện những nhu cầu của cô. Mẹ Bắc cũng mang trong mình bệnh ung thư nhưng chưa ngày nào bà rời xa con gái.

Còn bố Bắc, ông làm đủ thứ việc bất kể ngày đêm những mong có thêm thu nhập lo cho con, cho cháu. Thấy bố mẹ vất vả vì mình, Bắc chỉ còn biết quyết tâm vượt qua khó khăn để đứa con ra đời vuông tròn. Thế rồi ngày vui của người mẹ giàu ý trí ấy cũng đã đến.

Tháng 8-2013, bé gái xinh xắn nặng 2,4kg chào đời trong niềm vui khôn xiết của cả gia đình, chị đặt tên con là Thu Phương. Bắc rưng rưng nhớ lại giây phút vượt cạn của mình: "Trước khi vào phòng mổ, em cứ nghĩ sinh con ra chắc mình sẽ không còn được nhìn thấy mặt con. Không biết rồi con mình sẽ thế nào? Em chỉ biết nén những giọt nước mắt để lấy hết tinh thần sinh con".

Ông Quang trụ cột gia đình luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn.

Sau 30 phút trong phòng mổ, cả mẹ và con đều an toàn, mẹ tròn con vuông. Nói đến đây Bắc nở nụ cười hiếm hoi: "Có lẽ đó là giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời em, nhìn thấy con mà nước mắt em cứ trào ra. Em khóc vì thương con, khóc vì quá hạnh phúc…".

Niềm vui chẳng tày gang, sinh con được vài tháng thì bệnh tình của Bắc ngày một nặng hơn. Cô đành chia tay đứa con bé bỏng để lên Hà Nội chữa bệnh. Đứa bé phải ở với bà ngoại, thiếu hơi mẹ, thiếu sữa đêm nào cũng khóc ngặt. Đứa nhỏ ngày càng còi cọc, ốm yếu.

Thấy gia cảnh quá éo le, bà con hàng xóm đã góp tiền ủng hộ, khi thì hộp sữa, lúc lại bộ quần áo cho đứa nhỏ sớm chịu thiệt thòi. "Những lúc khó khăn mới thấy được tình làng nghĩa xóm, mọi người giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều. Cháu bé như thể hiểu được hoàn cảnh của mẹ nên rất ngoan ngoãn, càng lớn càng khỏe mạnh. Bây giờ cháu đang ở với mẹ và ông bà ngoại.

Nhớ lại những tháng ngày cái Bắc vật lộn với bệnh tật để giữ cháu bé, tôi thấy cháu nghị lực vô cùng. Cứ nghĩ đến là thương con, thương cháu mà ứa cả nước mắt. Dù mẹ cháu vẫn còn mang căn bệnh ung thư nhưng mẹ tròn con vuông như thể một phép mầu vậy", bà Bình tâm sự.

Do sức khỏe ngày một yếu đi nên Bắc không thể làm được việc nặng, gần đây cô được một người quen giới thiệu làm phục vụ cho một nhà hàng. Dù thu nhập không cao nhưng có đồng ra đồng vào để nuôi con.

Nhìn đứa con ngây thơ chơi đùa, Bắc lại nghĩ đến một ngày không còn được bên con, cô khóc: "Hằng tháng em phải bắt xe ra Hà Nội để điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Ngày nào em cũng phải uống hoóc môn tuyến giáp. Còn sống ngày nào em còn lạc quan, còn vui vẻ. Vì con mà em phải cố, phải quyết tâm vượt qua số phận nghiệt ngã này".

Bà Vương Thị Trường (hàng xóm của gia đình ông Quang) cho biết: "Dân chúng tôi vốn đã khổ rồi nhưng nhà ông Quang, bà Bình thì đúng là tận cùng của khổ cực. Mẹ ốm con đau quanh năm, giờ nhà ông ấy chẳng còn gì giá trị cả. Không biết những ngày sau này họ sẽ sống ra sao!".

Ngọc Anh
.
.
.